Điều hành linh hoạt chính sách
Theo báo cáo, NHNN khẳng định đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; trong điều kiện nền kinh tế thặng dư ngoại tệ ở mức cao, NHNN đưa tiền ra mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước và hút tiền về trên thị trường mở thông qua phát hành tín phiếu NHNN. Nhờ đó đã đảm bảo thanh khoản của hệ thống TCTD và ổn định thị trường tiền tệ.
"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, một số NHTM đã giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,5%/năm; 5,3-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm, đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các TCTD cho vay chỉ trong khoảng 4-5%/năm.” – Báo cáo nhấn mạnh.Đầu năm 2018, ngay sau Hội nghị toàn ngành Ngân hàng ngày 12/1/2018, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố vĩ mô, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Đối với chính sách tỷ giá, NHNN cho biết, đã tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ TCTD và phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác để nâng cao giá trị và vị thế VND. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu
Triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN cho biết, trong năm 2017 và Quý I/2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42. Ngày 27/6/2017, NHNN đã có công văn số 5051/NHNN-PC gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết số 42.
“Đến nay về cơ bản các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 theo thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn triển khai quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 liên quan đến áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.” – NHNN thông tin tới Quốc hội
NHNN đã chỉ đạo Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC; Đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017–2020 và hướng tới 2022. Đề án này quy định hình thức tổ chức, vai trò, định hướng phát triển, mục tiêu hoạt động của VAMC và đưa ra các giải pháp về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, đẩy mạnh mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường, hoàn thiện bộ máy tổ chức, mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực...
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực, chủ động của các TCTD trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42, năm 2017, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 12/2017 là 1,99%, cuối tháng 03/2018 là 2,18% (giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016). Tổng các khoản nợ xấu được xử lý năm 2017 đạt 115,54 nghìn tỷ đồng, phần lớn là do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và bán cho VAMC.
Theo NHNN, tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Về số liệu xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng.