Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng tài chính
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng tài chính được xem là đối tượng dễ bị tổn thương và đòi hỏi phải có quy định bảo vệ phù hợp. Hiện nay, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán hay Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng ,nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Chưa kể, tại Việt Nam chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính có liên quan đến 4 cơ quan là NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc vì vậy việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính còn khá lúng túng.
Do đó, việc đặc thù hóa đối tượng người tiêu dùng tài chính là yêu cầu đặt ra để từ đó thiết lập các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi phù hợp. Trước hết, cần sớm xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục tài chính; nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng tài chính khi sử dụng dịch vụ
Thời gian qua, lĩnh vực cho vay tiêu dùng tăng trưởng khá mạnh, nhưng người tiêu dùng tài chính lại có quá ít thông tin, do đó dẫn đến hiểu chưa đúng và đầy đủ về hình thức cho vay này. Bên cạnh đó, việc chưa có kế hoạch tài chính có thể dẫn đến tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu, bị hạ điểm tín dụng. Để tránh những rủi ro trong tiếp cận dịch vụ, người đi vay cần nắm được những quy định liên quan, cách tính lãi suất, những yếu cầu đối với công ty tài chính (CTTC) trong cho vay, thu hồi nợ, nhắc nợ…
Tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ 1/1/2020 (Thông tư 18) quy định rõ trách nhiệm của các công ty tài chính trong việc thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.
Để tăng cường trách nhiệm của CTTC, Thông tư số 18 quy định cụ thể trách nhiệm của CTTC trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư 43, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC, cụ thể: CTCT phải niêm yết công khai tại trụ sở, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC các nội dung: khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC.
Bên cạnh đó, CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được CTTC cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Về phía khách hàng, để hạn chế những rủi ro trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ, cần nắm rõ một số thông tin khi tiếp cận dịch vụ cho vay tiêu dùng:
Thứ nhất, vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm, bởi thế việc đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay cũng như các yếu tố khác là vô cùng quan trọng. Tranh chấp sẽ dễ xảy ra có yếu tố từ cả hai phía: khi người cho vay đặt nặng việc mở rộng số lượng cho vay, cạnh tranh về thị phần và bỏ qua xem xét các yếu tố của khách hàng vay. Ngược lại, đối với khách hàng, phần nhiều không trang bị đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro mà khoản vay có thể mang tới, dẫn đến nợ nần.
Thứ hai, một trong những rủi ro mà khách hàng mắc phải khi tham gia gói hỗ trợ tài chính với lãi suất 0%, chỉ phải trả góp tiền gốc hàng tháng. Người tiêu dùng lầm tưởng mình có được món vay ưu đãi nên dễ dàng quyết định đặt bút ký vay tiền trong khi chưa thật sự hiểu về tổng giá trị khoản vay cũng như các điều kiện đi kèm, hay nói cách khác là không lường được năng lực tài chính của bản thân so với giá trị của khoản vay. Việc thời hạn của hợp đồng vay và lãi suất trên từng thời hạn cũng thường không được cung cấp đầy đủ cho khách hàng. Như trường hợp nói trên, lãi suất hỗ trợ 0%, nhưng thường lại chỉ được áp dụng từ 3-6 tháng đầu, sau thời gian này khách hàng sẽ phải chịu lãi rất cao. Số lãi này được tính trên tổng số tiền vay ban đầu, chứ không phải trên dư nợ đã giảm dần.
Thứ ba, khách hàng cũng phải hiểu rằng mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố để cân bằng với rủi ro tuỳ vào sản phẩm vay, thời hạn, lịch sử tín dụng từng khách hàng cụ thể. Với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt được ghi nhận tại CIC (Trung tâm thông tin tín dụng), hồ sơ đầy đủ rõ ràng sẽ nhận được mức lãi suất ưu đãi hơn. Vay để sản xuất kinh doanh lãi suất sẽ thấp hơn vay tiêu dùng. Người tiêu dùng phải biết điều này để tránh phát sinh các rủi ro tranh chấp, khiếu nại khi thanh toán về sau.
Thứ tư, thông thường các công ty tài chính luôn mạnh tay hơn trong việc thu hồi vốn để đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh. Chậm trả nợ trong vay tiêu dùng thì lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy lãi sẽ nhiều hơn gốc. Do đó, người đi vay cần tính toán thận trọng khả năng và thời hạn trả nợ.
Một điểm nữa thường dễ bị khách hàng bỏ qua, đó là xem nhẹ việc bảo mật thông tin cá nhân, dẫn tới việc bị kẻ gian lợi dụng để giả mạo hồ sơ. Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng vay tiêu dùng và được giải ngân thì bắt buộc phải bảo mật thông tin liên quan tới hợp đồng vay, mã số xác nhận để nhận khoản giải ngân, mã số PIN kích hoạt và rút tiền của thẻ tín dụng… Nếu bị kẻ gian thu thập, thì những thông tin trên sẽ được sử dụng để làm thông tin giả mạo khách hàng, lừa đảo nhận khoản giải ngân hay trực tiếp rút tiền mặt.
Ngoài ra, trong sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, để phòng tránh những rủi ro về lọt lộ thông tin, mất tiền trong tài khoản, khách hàng cần thực hiện những biện pháp sau đây: Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử (mật khẩu truy cập, OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ e-mail cá nhân) cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...); Chỉ báo thông tin cá nhân trừ khi chủ động gọi điện đến hotline để được trợ giúp và ngân hàng yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin định danh khách hàng; Tránh truy cập các website không đáng tin cậy, hoặc nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào yêu cầu cung cấp, cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử; Sau khi kết thúc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành các giao dịch thanh toán trực tuyến, phải tiến hành đăng xuất tài khoản. Tuyệt đối không chọn chế độ lưu mật khẩu đăng nhập Internet Banking trên thiết bị sử dụng chung, máy tính công cộng…
Người dùng cần bảo vệ, thay đổi thường xuyên mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ, e-mail và cài đặt mật khẩu đảm bảo nguyên tắc an toàn. Ưu tiên sử dụng máy tính cá nhân có cài đặt cập nhật các phần mềm diệt virus để truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành, phần mềm…