Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức BHTG không chỉ quyết định số tiền bảo hiểm mà người gửi tiền nhận được khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà còn tác động đến hành vi của người gửi tiền khi chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng, không lo lắng, rút tiền ra khỏi ngân hàng, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi có biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp hạn chế tác động lây lan khi có ngân hàng đổ vỡ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
IADI khuyến nghị hạn mức phù hợp cần phải đảm bảo một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Đây thường là người gửi tiền quy mô lớn, được coi là đối tượng có kiến thức, có hiểu biết, có thông tin về tài chính ngân hàng. Do đó, họ có khả năng, đồng thời có trách nhiệm phải tìm hiểu, lựa chọn tổ chức tín dụng uy tín, hoạt động lành mạnh để bảo toàn và khiến khoản tiền gửi sinh lợi.
Hạn mức 125 triệu đồng hiện hành được BHTGVN cho biết đảm bảo bảo vệ toàn bộ đối với 91% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng. So với khuyến nghị của IADI, hạn mức BHTG tại Việt Nam là phù hợp. Trong khi đó, 9% người gửi tiền còn lại là những người gửi tiền có số dư tiền gửi tại mỗi TCTD cao hơn hạn mức nói trên. Họ vẫn nhận được sự bảo vệ gián tiếp của BHTGVN thông qua các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, hỗ trợ phục hồi TCTD…; đồng thời, trong trường hợp TCTD bị đổ vỡ, BHTGVN sẽ chi trả số tiền tối đa bằng với hạn mức 125 triệu đồng. Đối với số tiền gửi của người được BHTG (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.
Để hạn mức BHTG phát huy vai trò chính sách
Như vậy, có thể nói, không phải chỉ tới khi tổ chức BHTG đứng ra chi trả cho người gửi tiền, hạn mức BHTG mới phát huy tác dụng. Đây là một công cụ chính sách có khả năng điều tiết nhất định, qua đó thực hiện mục tiêu chính sách BHTG là góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Vai trò duy trì kỷ luật thị trường của hạn mức BHTG được tạo nên từ các trụ cột sau:
Một là, người gửi tiền và công chúng nói chung có kiến thức cơ bản về tài chính – ngân hàng.
Hai là, người gửi tiền được thông tin đầy đủ, hiểu về bản chất, ý nghĩa của hạn mức cũng như hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành tại từng thời kỳ.
Ba là, người gửi tiền dễ dàng tiếp cận với thông tin về hoạt động của các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi, có khả năng nhận biết, phân biệt tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Có như vậy, người gửi tiền mới thực sự chủ động trong việc gửi tiền, có sự cân nhắc kỹ càng trên cơ sở thông tin, kiến thức để lựa chọn tổ chức nhận tiền gửi phù hợp, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD, thay vì chỉ quan tâm tới lãi suất hay các ưu đãi khác.
Trong quá trình này, tổ chức BHTG đóng vai trò quan trọng, bởi đây là đầu mối triển khai chính sách, đồng thời là cơ quan trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. BHTGVN có thể tham gia tích cực vào 2 trên 3 trụ cột nêu trên. Đó trước hết là việc truyền thông rộng rãi tới công chúng về hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành cũng như mục đích, ý nghĩa của hạn mức, các cơ sở nhằm xác định hạn mức. Nhờ vậy, người gửi tiền biết được quyền lợi của mình đang được bảo vệ như thế nào, cần làm gì để bảo vệ khoản tiền tiết kiệm của mình trước khi cần tới sự hỗ trợ của chính sách, của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, tổ chức BHTG có thể tham gia vào các chương trình phổ biến kiến thức tài chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người gửi tiền về tài chính – ngân hàng nói chung. Tại nhiều quốc gia, tổ chức BHTG thường đóng vai trò cốt lõi trong việc phổ biến kiến thức tài chính bên cạnh NHTW và các cơ quan giám sát, bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Đối với việc tạo điều kiện để người gửi tiền có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin cập nhật về hoạt động của các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm minh bạch về công bố thông tin của các tổ chức này. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không chỉ có các ngân hàng mà các TCTD quy mô nhỏ như QTDND cũng cần phát huy trách nhiệm minh bạch thông tin đối với người gửi tiền nói chung và đối với các thành viên quỹ nói riêng, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực và phát triển bển vững.