Vai trò của tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn thì tài chính tiêu dùng có hai tác động, đó là đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn với nền kinh tế, tiêu dùng cá nhân đang chiếm 67-78% GDP nên tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng góp phần phát triển thị trường tài chính chung, đặc biệt với xã hội nó giúp giảm tệ nạn tín dụng đen.
Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính. Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể. Thực tế, những năm gần đây, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng cao và có tiềm năng phát triển chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở; người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng
Ở Việt Nam, không ít người vẫn còn lầm tưởng tín dụng tiêu dùng hay cho vay trả góp là tín dụng “đen”, nên đâu đó vẫn còn những cái nhìn thiếu thiện cảm. Trong khi đó thực tế tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính là hoạt động được cấp phép và quản lý bởi các thông tư, nghị định và giám sát rất chặt chẽ từ phía NHNN. Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện khoảng 20 – 50%/năm, phù hợp với mọi quy định, trong khi tín dụng “đen” thường bị xã hội xa lánh bởi lãi suất ở mức có thể vài trăm phần trăm, chưa kể đến những hệ lụy khác với bản thân người vay và gia đình có thể xảy ra do tác động của tín dụng “đen” mang lại.
Để tránh những lầm tưởng trên, cách thức duy nhất là làm sao để đưa thông tin về tài chính tiêu dùng đến với mỗi người dân thật đúng và thật đủ. Do đó, nhóm giải pháp ngắn hạn đến từ việc thực hiện tuyên truyền để mọi người dân trước là biết đến, sau là hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng, lợi ích của tín dụng tiêu dùng.
Hơn ai hết, công cụ truyền thông hiệu quả nhất chính là từ những khách hàng hiện tại của tín dụng tiêu dùng. Nếu có được sản phẩm tốt, làm hài lòng, thì phản hồi từ phía khách hàng hiện tại tới những người xung quanh sẽ là kênh hiệu quả và lâu bền. Do đó, mỗi nhà cung cấp tài chính tiêu dùng đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động công khai và hướng dẫn chi tiết các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, giải đáp tận tình những thắc mắc của khách hàng. Không những thế, công ty tài chính cần phải là tư vấn chính xác cho khách hàng theo từng trường hợp cụ thể.
Giải pháp mang tính dài hạn hơn đến từ giáo dục, chúng ta nên đưa các kiến thức của tài chính cá nhân vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học, việc này nhằm mục đích trang bị kiến thức về tài chính, kiến thức về quản lý chi tiêu, các sản phẩm tài chính… để từ đó mỗi cá nhân là “người tiêu dùng thông thái”, biết lựa chọn đúng sản phẩm, đúng nhà cung cấp và cân đối khả năng tài chính khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Tựu chung lại, việc giúp người dân và xã hội hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng là con đường nhanh nhất và đúng nhất thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển.
Người dân cần tỉnh táo để tránh “bẫy” cho vay tiêu dùng
Liên tiếp có những chấn chỉnh, lưu ý từ phía cơ quan quản lý cũng như các đơn vị liên quan cho thấy, dù dư địa thị trường tài chính tiêu dùng còn tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới, song đi cùng với đó vẫn là những rủi ro tiềm ẩn, nếu không tỉnh táo và không được quản lý chặt, người tiêu dùng rất dễ lĩnh hậu quả khôn lường. Để tránh rủi ro, người dân cần chú ý những điều sau:
Thứ nhất, vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm, bởi thế việc đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay cũng như các yếu tố khác là vô cùng quan trọng. Tranh chấp rất dễ xảy ra mà nguyên nhân đến từ cả hai phía: khi người cho vay đặt nặng việc mở rộng số lượng cho vay, cạnh tranh về thị phần và không xem xét các yếu tố của khách hàng vay. Ngược lại, đối với khách hàng, phần nhiều không trang bị đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro mà khoản vay có thể mang tới, dẫn đến nợ nần.
Thứ hai, khách hàng rất dễ gặp phải rủi ro khi tham gia gói hỗ trợ tài chính với lãi suất 0%, chỉ phải trả góp tiền gốc hàng tháng. Theo đó, người tiêu dùng lầm tưởng mình có được món vay ưu đãi nên dễ dàng quyết định đặt bút ký vay tiền trong khi chưa thật sự hiểu về tổng giá trị khoản vay cũng như các điều kiện đi kèm, hay nói cách khác là không lường được năng lực tài chính của bản thân so với giá trị của khoản vay. Thời hạn của hợp đồng vay và lãi suất trên từng thời hạn cũng thường không được cung cấp đầy đủ cho khách hàng. Như trường hợp nói trên, lãi suất hỗ trợ 0%, nhưng thường lại chỉ được áp dụng từ 3-6 tháng đầu, sau thời gian này khách hàng sẽ phải chịu lãi rất cao. Số lãi này được tính trên tổng số tiền vay ban đầu, chứ không phải trên dư nợ đã giảm dần.
Thứ ba, khách hàng cũng phải hiểu rằng mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố để cân bằng với rủi ro tuỳ vào sản phẩm vay, thời hạn, lịch sử tín dụng từng khách hàng cụ thể. Với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt được ghi nhận tại CIC (Trung tâm thông tin tín dụng), hồ sơ đầy đủ rõ ràng sẽ nhận được mức lãi suất ưu đãi hơn. Vay để sản xuất kinh doanh lãi suất sẽ thấp hơn vay tiêu dùng. Người tiêu dùng phải biết điều này để tránh phát sinh các rủi ro tranh chấp, khiếu nại khi thanh toán về sau.
Thứ tư, thông thường các công ty tài chính luôn mạnh tay hơn trong việc thu hồi vốn để đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh. Khách hàng vay sản xuất kinh doanh, trong một số trường hợp có thể được gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ… nhưng với vay tiêu dùng gần như không có khái niệm này. Đến hạn mà khách hàng không trả nợ thường bị áp chế tài nặng và nhanh, ít có độ trễ. Chậm trả nợ trong vay tiêu dùng thì lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà lãi nhiều hơn gốc. Do đó, người đi vay cần tính toán thận trọng khả năng và thời hạn trả nợ.
Do đó, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hoá tiêu dùng của người dân là điều mấu chốt để giảm thiểu rủi ro trong tín dụng tiêu dùng.
Để chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, mới đây, ngày 15/5/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, nhằm ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, chấn chỉnh công ty tài chính có hành vi đòi nợ trái với thuần phong mỹ tục…