Hoạt động yếu kém của các ngân hàng Ấn Độ đã đặt ra mối quan ngại không nhỏ về hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) khá thấp ở quốc gia này. Trong cuộc khảo sát thường niên năm 2018, Hiệp hội bảo BHTG quốc tế (IADI) đã nhấn mạnh vấn đề hạn mức thấp ở Ấn Độ so với các quốc gia khác.
Tại Ấn Độ, tiền gửi ngân hàng được bảo hiểm bởi Tổng công ty BHTG và Bảo lãnh tín dụng (DICGC) với giá trị 100.000 Rupees, tương đương khoảng 1.394 đô la Mỹ (tỷ giá 71,7 Rupee đổi 1 Đô la). Con số này thấp hơn nhiều so với hạn mức ở các quốc gia khác, theo khảo sát của IADI 2018. Ví dụ, ở Malaysia, hạn mức bảo hiểm nằm ở mức gần 60.000 đô la Mỹ, Indonesia có hạn mức 140.000 Đô la Mỹ (2 tỷ Rupiah Indonesia), Brazil ở mức 62.000 đô la (250.000 đồng Real Brazil) và Mexico ở mức khoảng 120.000 Đô la (gần 2.400.000 peso Mexico).
Ở các quốc gia phát triển như Canada, Thụy Sĩ và Pháp, hạn mức BHTG nằm trong khoảng 75.000 đến 100.000 Đô la Mỹ cho mỗi người gửi tiền. Tại Mỹ, hạn mức BHTG là 250.000 đô la Mỹ. Hầu hết các quốc gia này bảo hiểm toàn bộ cho 60-70 % tổng số dư tiền gửi. Ở Ấn Độ, chỉ có khoảng 30% tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ.
Tổ chức tham gia BHTG ở Ấn Độ gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng địa phương, ngân hàng nông thôn khu vực và ngân hàng hợp tác xã. Mỗi người gửi tiền được bảo hiểm với hạn mức 100.000 Rupee cho cả gốc và lãi đối với tất cả các khoản tiền gửi của một cá nhân tại một ngân hàng.
Lần gần đây nhất, hạn mức BHTG được tăng là vào năm 1993 (từ 30.000 Rupee lên 100.000 Rupee). Nếu tính toán theo tỷ lệ lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng do RBI đưa ra) kể từ năm 1993, hiện tại hạn mức BHTG cần phải ở mức khoảng 550.000 Rupee.
Một rào cản lớn trong việc tăng hạn mức là sự gia tăng phí BHTG, hiện do các ngân hàng chứ không phải là người gửi tiền đóng góp. Các ngân hàng lớn hơn với lượng tiền gửi cao hơn sẽ phải chịu mức phí cao hơn. Hơn nữa, người hưởng lợi từ hệ thống BHTG, cho đến nay, chủ yếu là người gửi tiền tại các ngân hàng hợp tác xã đô thị. Trong giai đoạn 2017-2018, DICGC đã giải quyết yêu cầu bồi thường 43 triệu rupee đối với 18 ngân hàng hợp tác xã. Không có trường hợp nào là ngân hàng thương mại. Lần chi trả gần nhất với một ngân hàng thương mại là vào năm 2002.
Do đó, tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi, có nghĩa là các ngân hàng lớn sẽ phải tăng thêm phí bảo hiểm, trong khi lợi ích chủ yếu dành cho ngân hàng nhỏ, đó là một nguyên nhân gây không đồng thuận.
Để khắc phục vấn đề này, vào năm 2015, một ủy ban đã được thành lập nhằm đưa ra các khuyến nghị cho việc áp dụng phí BHTG dựa trên rủi ro cho các ngân hàng (rủi ro cao hơn, phí bảo hiểm cao hơn). Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua và chưa có nhiều cải thiện cho vấn đề này.
Mặc dù hạn mức thấp, nhưng người gửi tiền vẫn khá lạc quan do không có ngân hàng thương mại nào đổ vỡ ở Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Từ năm 1913 đến 1955, gần 1.495 ngân hàng đã đổ vỡ. Vào năm 1960, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã được trao quyền tiến hành hợp nhất, sáp nhập bắt buộc và thanh lý các ngân hàng nhỏ. Kể từ đó, hơn 40 vụ sáp nhập bắt buộc đã diễn ra - Ngân hàng Quốc gia Punjab tiếp quản Ngân hàng Nedungadi và Ngân hàng Ủy thác Toàn cầu sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Phương Đông - là những ngân hàng nổi tiếng vào đầu những năm 2000.
Vụ hợp nhất gần đây của Ngân hàng Baroda, Ngân hàng Dena và Ngân hàngVijaya cũng đã được thực hiện. Tổng công ty Bảo hiểm nhân thọ Ấn Độ LIC cũng bắt tay vào cứu trợ Ngân hàng IDBI đang thiếu vốn trầm trọng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các biện pháp ngăn ngừa đổ vỡ đó không nên là một rào cản cho việc củng cố hệ thống BHTG ở Ấn Độ, nhất là khi khủng hoảng hệ thống có khả năng xảy ra.
Uganda: Sắp có hạn mức BHTG mới
Trong khi đó, Uganda đang lên kế hoạch nâng hạn mức BHTG chính thức cho người gửi tiền từ 3 triệu Shilling (805 đô la Mỹ) lên 10 triệu Shilling (2.682 đô la Mỹ) trong một động thái được hứa hẹn là hành động cứu trợ đối với người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng.
Hạn mức BHTG hiện nay đã có từ những năm 1990 theo Đạo luật Tổ chức Tài chính (Luật này đã bị bãi bỏ năm 1993).
Sự tăng trưởng đáng kể số lượng người gửi tiền, số dư tiền gửi và nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tài chính kể từ năm 2004 và sự thay đổi trong các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát đã khiến hạn mức ấy trở nên lỗi thời.
Đề xuất cải cách này đang trong giai đoạn soạn thảo cuối cùng, và Quỹ Bảo vệ tiền gửi đang triển khai các bước cuối cùng về kế hoạch chi tiết trước khi đệ trình lên hội đồng quản trị của Quỹ để thảo luận và phê duyệt.
Tiền thân là một Vụ của Ngân hàng Trung ương, Quỹ Bảo vệ tiền gửi đã được chuyển đổi thành một tổ chức độc lập, đứng đầu là một giám đốc điều hành chịu trách nhiệm quản lý ngân sách để bồi thường cho người gửi tiền thuộc các ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính vi mô.
Tính đến tháng 6 năm 2018, đã có 33 tổ chức tài chính tham gia BHTG, bao gồm 24 ngân hàng thương mại, 4 tổ chức tín dụng và 5 tổ chức tài chính vi mô.
Việc tăng hạn mức BHTG sẽ giảm thiệt hại cho người gửi tiền bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa ngân hàng trong tương lai.
Hiện tại, các tổ chức tài chính theo quy định bắt buộc phải đóng phí theo tỷ lệ 0,2% giá trị tiền gửi hàng năm cho Quỹ bảo vệ tiền gửi; và phí này có thể được tăng lên để tăng hạn mức BHTG. Điều này cũng đặt ra quan ngại cho các tổ chức tài chính đang tham gia BHTG.