Tín dụng đến cuối quý I/2022 đã tăng 5,04% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021 (2,16%) và phù hợp với xu hướng phục hồi nền kinh tế. Gần đây, biểu lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lại được điều chỉnh tăng nhẹ nhằm thu hút khách gửi tiền. Do đó, không loại trừ ngân hàng tăng lãi suất nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của khách hàng khi tín dụng khởi sắc theo đà hồi phục của kinh tế.
Lãi suất huy động tăng thu hút người gửi tiền
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thực hiện nâng lãi suất tại một số kỳ hạn từ có thay đổi mới trong biểu lãi suất, áp dụng từ ngày 15/4.
Cụ thể, khi khách hàng gửi dưới 300 triệu tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng từ 5,1% lên 5,9%, tương đương tăng 0,8%/năm. Cũng tại kỳ hạn này, khách hàng gửi từ 50 tỷ sẽ có lãi suất là 6,7%/năm, tăng 0,6 % so với hồi đầu tháng.
Tương tự tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động cũng tăng từ 5,1-6,1%/năm lên 5,8-6,6%/năm, tăng 0,5-0,7%/năm tùy vào mức tiền gửi.
Hình thức gửi tiết kiệm online có lãi suất cao hơn hình thức gửi truyền thống tại nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng VPBank được ghi nhận là 6,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với những khoản tiết kiệm từ 50 tỷ đồng trở lên, tương đương tăng 0,2 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Cũng tại kỳ hạn này với số tiền từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ, lãi suất tăng mạnh 0,6 % từ 6,1% lên 6,7%/năm. Đối với mức tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 % lên 6,1%/năm. Tương tự với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của ngân hàng cũng tăng 0,4-0,5%/năm lên 6-6,8%/năm.
Trong khi đó, khách hàng ưu tiên của VPBank khi gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Mức lãi suất cao nhất có thể lên đến 7%/năm.
Bước sang tháng 4, biểu lãi suất tiết kiệm tại ABBank cũng được điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn. các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh tăng 0,3%; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,25 %; các kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng đồng loạt tăng 0,45 %.
Cũng trong tháng này, tiền gửi tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng được HDBank đồng loạt điều chỉnh tăng 0,4%. Tại kỳ hạn phổ biến là 12 tháng, lãi suất ngân hàng tăng 0,3 % áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên và tăng 0,2% cho các khoản tiết kiệm dưới 300 tỷ đồng.
Trước đó, tại Nam A Bank, biểu lãi suất tiết kiệm online đối với khách hàng cá nhân cũng ghi nhận tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Trong khi với MB, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân được điều chỉnh tăng từ 0,2% đến 1,9% tại đa số các kỳ hạn so với tháng trước.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là 7,8%/năm xuất hiện tại Techcombank sau khi ngân hàng này thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất. Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm tại Techcombank.
Tiếp theo là mức lãi suất tiết kiệm tại SCB với 7,6%/năm. Tuy nhiên, khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền 500 tỷ đồng cho kỳ hạn 13 tháng...
Có thể thấy, hiện nay, để thúc đẩy hoạt động số, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất gửi tiết kiệm online hấp dẫn, cao hơn so với mức lãi suất khi gửi tại quầy. Như ngân hàng TPBank đang áp dụng mức lãi suất 6,15%/năm khi khách hàng gửi tiền qua hình thức trực tuyến, nếu gửi tại quầy lãi suất là 6%/năm với kỳ hạn 1 năm. Ngân hàng OCB cũng có lãi suất tiền gửi trực tuyến cao hơn 0,2% so với lãi suất khi gửi tại quầy - hiện ở mức 5,2%/năm. Các ngân hàng như BacA Bank, PVComBank và Kienlongbank đang chào mức lãi suất 6,6%/năm kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi trực tuyến, trong khi đó lãi suất cùng kỳ hạn khi gửi tại quầy chỉ 6,2 - 6,5%
Gửi tiết kiệm online đang được ưa chuộng vì tiện lợi, chỉ cần với 1 chiếc máy tính hoặc smart phone, bạn có thể mở tài khoản tiết kiệm tùy ý muốn ở bất cứ đâu. Ngoài việc tích lũy tiền bạc, dịch vụ này còn là 1 trong những cách đầu tư an toàn, tiện lợi. Không cần ký kết các giấy tờ phức tạp như hình thức truyền thống, nhưng các quyền lợi, ưu đãi dành cho khách hàng đều được giữ nguyên. Bên cạnh đó, khách hàng có thể chủ động gửi tiền mọi lúc mọi nơi và tất toán, tái tục dễ dàng.
Với thiết kế giao diện thông minh, hiện đại, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng còn cho phép khách hàng theo dõi, tra cứu lãi suất theo từng kỳ hạn khác nhau. Ngoài cách tính lãi tự động theo biểu mức, khách hàng cũng có thế tham khảo những chiến lược tiết kiệm mà ngân hàng gợi ý từ cách chia nhỏ sổ tiết kiệm, tính lãi hoặc các kỳ hạn gửi…
Để đảm bảo an toàn khi gửi tiết kiệm online, ngoài mức lãi suất hấp dẫn, khách hàng cần lưu ý không được để lộ thông tin cá nhân như mật khẩu đăng nhập ngân hàng điện tử, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP). Khách hàng cần lưu ý tuyệt đối không nhờ người khác thao tác hộ các hoạt động trên tài khoản tiết kiệm online. Luôn luôn đăng xuất khỏi tài khoản sau mỗi lần sử dụng, khi đăng nhập cần chú ý không để lộ thông tin cho những người xung quanh, không truy cập vào các đường link lạ... Hơn nữa, khi có sự cố phát sinh, cần liên lạc với ngân hàng ngay lập tức để kịp thời có phương án giải quyết.
Với hình thức gửi tiết kiệm truyền thống, khách hàng cần tuân thủ các hướng dẫn của ngân hàng để đảm bảo an toàn tiền gửi như không giao dịch ngoài giờ hành chính, nên đến các địa điểm giao dịch hợp pháp của ngân hàng để gửi tiết kiệm; không cho mượn sổ tiết kiệm, kiểm tra các thông tin trên sổ, khi bị mất sổ cần báo ngay cho ngân hàng…
Theo NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 đến 24 tháng và 6,1-6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
Những tháng đầu năm 2022, mặc dù chịu áp lực từ xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất- kinh doanh. NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
NHNN cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội năm 2022-2023, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Trường hợp áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng chủ đạo hỗ trợ nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; đồng thời sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt nếu áp lực lạm phát tăng cao.
Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thu hẹp việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng lãi suất (từ đầu năm 2022, có 70 lượt tăng lãi suất, trong đó các nước lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất); áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng; tuy nhiên, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam vẫn kiểm soát theo mục tiêu, trên cơ sở đó, điều hành lãi suất của NHNN sẽ tiếp tục triển khai nhằm đạt mục tiêu chính sách tiền tệ đặt ra từ đầu năm.
Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã được Thống đốc NHNN ban hành tại Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 18/3/2022, NHNN chỉ đạo TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Trong hoạt động tín dụng, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm (14%) và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD có đề nghị trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của TCTD, phù hợp với chỉ tiêu định hướng và tình hình thị trường nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của NHTM đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cho vay; Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025... Hiện, dự thảo 2 Nghị định này đang được NHNN gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.