Tỷ giá luôn nằm trong ngưỡng ổn định cho phép
Động thái Fed tăng lãi suất vừa qua dù không bất ngờ, song vẫn có những băn khoăn liệu tỷ giá tại thị trường Việt Nam có bị biến động tăng? Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối (DTNH) tăng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào… là những lý giải được các chuyên gia đưa ra cho việc tỷ giá ổn định, chứ không như quan ngại. Những lý giải ấy hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, bởi sâu xa trong câu chuyện tỷ giá ổn định còn là sự chủ động điều hành của NHNN, thể hiện rõ nhất qua việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm trong gần 2 năm qua.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, việc điều hành của NHTW một nước đối với đồng nội tệ luôn dễ hơn với đồng ngoại tệ, bởi những tác động lên tỷ giá không chỉ đến từ các yếu tố trong nước mà còn phụ thuộc vào những biến động từ thị trường bên ngoài – nằm ngoài tầm kiểm soát của NHTW. Chính vì thế mà mỗi khi có những biến động lớn từ bên ngoài, nhất là khi vẫn duy trì cơ chế neo tỷ giá vào đồng USD thì can thiệp vào thị trường ngoại hối thường mang tính bị động và gây sốc cho thị trường.
Bởi vậy, dù sự chủ động của NHNN được đánh giá cao trong giai đoạn đó, nhưng về cơ bản khi sự hội nhập càng lớn, tâm lý kỳ vọng và sự nhạy cảm tỷ giá của người dân cũng càng lớn và cơ chế điều hành neo tỷ giá vào một ngoại tệ vô hình trung lại “trói tay”, gây bất lợi và bị động cho nhà điều hành. Và cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm đã ra đời trong bối cảnh như vậy, và được áp dụng từ tháng 1/2016.
Tính đến nay, cơ chế tỷ giá trung tâm đã áp dụng được gần hai năm. Và trong suốt thời gian 2 năm qua, mặc dù nền kinh tế và tài chính toàn cầu đã xảy ra nhiều sự kiện, biến động lớn, nhưng về cơ bản, tỷ giá tại Việt Nam luôn nằm trong ngưỡng ổn định cho phép. Quan trọng nhất là tâm lý kỳ vọng, thậm chí đầu cơ ngoại tệ để chờ tỷ giá tăng đã giảm đi rất nhiều khi tỷ giá trong nhiều năm qua luôn giữ được ổn định, nhất là từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới.
Bên cạnh đó, những động thái rất cụ thể như khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (cả trực tiếp và gián tiếp) tăng nhanh… cũng phần nào cho thấy niềm tin của họ vào KTVM ổn định của Việt Nam nói chung cũng như nỗi lo biến động tỷ giá nói riêng vốn thường trực trước đây đã được loại trừ. Cán cân thanh toán, DTNH, kiểm soát cung tiền… cũng nhờ đó có được sự cải thiện liên tục trong những năm qua. Đồng thời, điều này cũng lý giải tại sao dù Fed liên tục phát ra các tín hiệu về việc tăng lãi suất mà mới đây nhất là quyết định tăng lãi suất ngày 13/12 vừa qua nhưng tỷ giá trên thị trường Việt Nam vẫn “bình thản” như vậy.
Chủ động, linh hoạt và sẵn sàng hơn nữa
Nhưng nói như vậy không có nghĩa thị trường ngoại hối sẽ tự nó ổn định và không còn cần những can thiệp của nhà điều hành như gần đây đã có đề xuất của một vài chuyên gia về việc cần áp dụng cơ chế “thả nổi tỷ giá”, bởi đã có những bài học rất đau từ chính các nước trong khu vực về điều này.
“Rất nhiều các nước thu nhập thấp và đang phát triển đã áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi. Nhiều quốc gia đang chuyển đổi cũng áp dụng khuôn khổ hướng tới sự linh hoạt hơn của tỷ giá. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, kể cả các quốc gia đang phát triển thì vẫn cần những quản lý nhất định đối với tỷ giá. Vì việc này sẽ giúp làm giảm các tác động của tỷ giá đến nền kinh tế nếu có những cú sốc đột ngột đối với tỷ giá”, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết.
Cơ chế tỷ giá trung tâm góp phần cải thiện giá trị tài sản có ngoại tệ ròng của NHNN. Nguồn: IFS |
Và như đề cập ở trên, các chuyên gia nhìn nhận việc điều hành của NHTW đối với đồng nội tệ luôn dễ hơn với đồng ngoại tệ, không chỉ bởi những tác động khách quan từ bên ngoài lên tỷ giá khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng mà còn ngay từ các yếu tố trong nước. Theo đó, tỷ giá luôn được xem là vấn đề nhạy cảm vì không chỉ chịu tác động về các yếu tố kinh tế đơn thuần mà còn chịu rất nhiều tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Trong hoạt động của hệ thống NH, dù tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh trong những năm vừa qua nhưng vẫn còn. Và nếu không xử lý được các yếu tố có thể tác động đến tâm lý kỳ vọng thì tình trạng đô la hóa cao rất có thể sẽ quay trở lại.
Như một vị lãnh đạo NHNN từng dẫn chứng, lịch sử theo dõi biến động tỷ giá cho thấy, có những thời điểm rõ ràng cung ngoại tệ lớn hơn cầu nhưng vì tâm lý găm giữ, đầu cơ nên trong những thời điểm đó NHNN vẫn phải bán ra ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu. Ngược lại có những thời điểm, như năm 2014 khi xảy ra sự kiện giàn khoan 981, thị trường đã rất căng thẳng, nhưng nhờ có truyền thông tốt nên thị trường lại sớm ổn định trở lại mà NHNN không phải bán ra ngoại tệ. Điều đó cho thấy yếu tố tâm lý và kỳ vọng tác động đến tỷ giá là rất lớn.
Theo bà Nga, vai trò của tỷ giá và làm thế nào để có cơ chế tỷ giá phù hợp không phải là điều dễ dàng và đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia bởi không có nguyên tắc cụ thể, duy nhất nào cho mọi quốc gia trong việc tìm ra cơ chế tỷ giá phù hợp vì nó còn liên quan đến các yếu tố khác của nền kinh tế đó, chẳng hạn như tài khoản vốn mở hay không mở, mức độ đô la hóa ra sao…
Tại Việt Nam, mặc dù cho tới nay, cơ chế tỷ giá trung tâm chưa xảy ra những diễn biến không lường trước và nằm ngoài sự kiểm soát của NHNN nhưng cũng cần xác định rõ một thực tế: Chúng ta là một nền kinh tế nhỏ và đồng tiền của Việt Nam vẫn là một đồng tiền chưa có khả năng tự chuyển đổi. Do đó, cùng với duy trì cơ chế tỷ giá trung tâm – một cơ chế đã và đang cho phép tỷ giá biến động phù hợp hơn với tín hiệu thị trường từ cả các yếu tố trong và ngoài nước – nhưng vẫn đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt trong các biện pháp can thiệp của NHNN.
Và một trong những giải pháp để can thiệp chủ động được là đòi hỏi Việt Nam phải có quỹ DTNH đủ dày. Theo các chuyên gia, với quy mô quỹ DTNH trên 46 tỷ USD hiện tại, nhà điều hành hoàn toàn có đủ khả năng để can thiệp và điều chỉnh thị trường trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, NHNN vẫn cần tiếp tục cải thiện quy mô quỹ DTNH để tăng khả năng điều tiết tỷ giá, thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ, tăng khả năng thanh toán quốc tế và đặc biệt là có được gối đệm tốt để sẵn sàng đối phó với những cú sốc lớn từ thị trường quốc tế nếu có.