Ngân hàng có thực sự lãi khủng?
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ, bởi vì vào cuối năm các ngân hàng mới trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm. Nói cách khác, rủi ro liên quan đến giảm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn còn lớn khi các khoản lãi dự thu, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, đặc biệt khi thực hiện quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (Thông tư 03).
Theo quy định tại Thông tư 03 có hiệu lực từ 17/5/2021, các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo lộ trình. Cụ thể, về trích lập dự phòng rủi ro, Thông tư 03 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung và thực hiện phân bổ số tiền này trong 3 năm, tối thiểu 30% tại thời điểm cuối năm 2021, tối thiểu 60% tại thời điểm cuối năm 2022 và 100% tại thời điểm cuối năm 2023.
Trong khi đó, khách hàng vay, chủ yếu là các doanh nghiệp chính là đối tượng hưởng lợi trước tiên từ chính sách này, còn TCTD vẫn phải có trách nhiệm thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản vay này (theo lộ trình), khi đó, con số lợi nhuận sẽ giảm tại một số TCTD. Đối với doanh nghiệp, phạm vi khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ được mở rộng hơn so với Thông tư 01.
Do vậy, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Quy định mới còn khuyến khích TCTD cho vay mới khách hàng để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho TCTD theo thời hạn cơ cấu lại do tạm thời chưa phải ghi nhận rủi ro thực tế đối với số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (thông qua việc giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng).
Ông Lực phân tích: “Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỉ đồng, để cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Đó là chính sách tôi cho là khá nhân văn. Đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn mức lãi "khủng" như báo cáo”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thực hiện quy định tại Thông tư 03 nói trên giúp các ngân hàng "tiết kiệm" được chi phí dự phòng cho năm 2021 và 2022, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng phình lên cho năm nay và năm sau từ khoản "tiết kiệm" này. Các khoản nợ xấu nếu không được cải thiện thì sự thiệt hại không đến trước cũng sẽ đến sau. Điều này còn liên quan đến sức khỏe của doanh nghiệp khi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm khả năng trả nợ, nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng trong tương lai.
“Với của để dành là dự phòng nợ xấu, nếu để dành nhiều bây giờ, sau này nếu phải xử lý nợ xấu thì lấy ra mà "sài" và không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận trong tương lai. Còn nếu bây giờ dự phòng ít (của để dành ít), trong tương lai phải lấy lợi nhuận ra bù đắp cho thiệt hại khi nợ xấu không thu hồi được” - ông nói.
Thực tế, nếu xét tổng tài sản của hệ thống ngân hàng là tương đối lớn (khoảng hơn 14 triệu tỷ đồng), do vậy, con số lợi nhuận của ngành ngân hàng thường sẽ cao hơn các ngành nghề khác. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả kinh doanh (thể hiện qua 02 chỉ tiêu: ROA - Lợi nhuận ròng/tài sản có bình quân và ROE - Lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu bình quân), ROA và ROE (và nhất là ROA) của ngành Ngân hàng còn thấp so với nhiều ngành.
Lợi nhuận ngân hàng đang đến từ đâu?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu nhìn vào kết quả tín dụng so với cùng kỳ năm 2020 thì có thể nói, lợi nhuận của các ngân hàng trong Quý I năm 2021 có một phần đáng kể vẫn đến từ hoạt động cho vay, cụ thể, đến cuối tháng 3/2021, tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục khi đạt mức gần 3% so với cuối năm 2020 (trước đó, cuối tháng 6/2020, tín dụng mới tăng 3,26%).
Thêm nữa, sự cải thiện kết quả kinh doanh của hệ thống TCTD còn đến từ hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, kinh doanh bảo hiểm. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành, tích cực chuyển đổi số, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm được chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, gia tăng tiện ích cho khách hàng, giảm chi phí cho người dân, xã hội.
Một số phân tích khác cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận "khủng" thời gian qua là do thị trường chứng khoán bùng nổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lên mạnh chính là kênh tạo lợi nhuận khá lớn cho các ngân hàng. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng , nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng thương mại còn do kết quả thu hồi nợ xấu, khi các ngân hàng đã nỗ lực với việc bán, phát mại tài sản này và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thực tế, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, hoạt động trong một nền kinh tế mà tất cả các thành phần đều liên kết với nhau thì "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Ngành ngân hàng cũng không phải đối tượng được miễn trừ khi dịch bệnh tác động đến cả nền kinh tế. “Tuy nhiên, ngành ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế, nếu ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan thì ở tầm vĩ mô cũng góp phần nâng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, từ đó thu hút được vốn đầu tư nước ngoài” - TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Đại học FulBright cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay, việc các ngân hàng thương mại đạt được tỷ suất lợi nhuận bình quân cao là rất tích cực, đảm bảo sức mạnh, sức khỏe của các ngân hàng. Việc lợi nhuận cao sẽ giúp ngân hàng bổ sung vốn, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Basel II. Việc ngân hàng có đủ vốn, hoạt động lành mạnh là cơ sở vững chắc để trong giai đoạn hậu Covid-19, hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ rất nhiều cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Không những thế, thời gian qua, ngành ngân hàng luôn có những chính sách, giải pháp kịp thời để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần lãi suất trong năm 2020 và mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm (đến cuối tháng 4/2021 đã giảm khoảng 0,3% so với cuối năm 2020). Nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021 ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN; theo đó, các TCTD đã căn cứ thực tế ảnh hưởng của khách hàng và khả năng tài chính của mình triển khai kịp thời các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo số liệu của NHNN, đến ngày 17/5/2021, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 347 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho hơn 675 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1, 2 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 5/2021 đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng cho hơn 476 nghìn khách hàng.