Sự phát triển nhanh chóng hoạt động ngân hàng trong thời gian gần đây cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa tài chính đã gia tăng đáng kể rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Thông tin bất lợi về một tổ chức nhận tiền gửi sẽ làm cho người gửi tiền hoang mang, lo sợ và có thể dẫn đến đột biến rút tiền gửi. Nếu không có biện phát xử lý kịp thời, đột biến rút tiền gửi đơn lẻ có thể sẽ nhanh chóng lan truyền sang các tổ chức nhận tiền gửi khác, tác động tiêu cực tới hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Khái niệm đột biến rút tiền gửi
“Đột biến rút tiền gửi” không còn là một khái niệm mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới đối với nhiều người dân. Có nhiều định nghĩa về “đột biến rút tiền gửi”,tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề cập một khái niệm có tính khái quát trong Từ điển Barron’s: “Đột biến rút tiền gửi là một chuỗi các cuộc rút tiền ồ ạt không mong đợi, xảy ra do sự giảm sút niềm tin đột ngột hoặc sự lo sợ của người gửi tiền rằng ngân hàng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền đóng cửa”.
Có hai loại đột biến rút tiền gửi: Một là “đột biến rút tiền gửi tại một ngân hàng”. Hiện tượng đột biến rút tiền gửi này xảy ra trên quy mô một ngân hàng và hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là ngân hàng đó sẽ ngừng giao dịch và hoạt động. Đột biến rút tiền gửi tại một ngân hàng đơn lẻ thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Hai là “đột biến rút tiền gửi tại nhiều ngân hàng hay trên cả hệ thống ngân hàng”. Tình huống này xảy ra khi đột biến rút tiền gửi tại một ngân hàng có thể phát triển thành đột biến rút tiền gửi tại nhiều ngân hàng hay trên cả hệ thống ngân hàng. Như vậy, đột biến rút tiền gửi lan truyền là hiện tượng đột biến rút tiền gửi lây lan từ một ngân hàng hoặc một nhóm ngân hàng sang các ngân hàng khác.
Thực tiễn hiện tượng đột biến rút tiền gửi ở các nước
Lịch sử ngân hàng thế giới ghi lại hậu quả nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng do hiện tượng đột biến rút tiền gửi gây ra và ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Trên thế giới, giai đoạn 1929-1933 và nhiều năm sau đó, hiện tượng đột biến rút tiền gửi khiến nhiều ngân hàng có qui mô hoạt động lớn phải đóng cửa như: ngân hàng quốc gia Franklin (FNB) ở Mỹ bị đổ vỡ năm 1974; phá sản ngân hàng Banco Ambrosiano của Ý năm 1982; sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều ngân hàng ở Canada những năm 1985; trong những năm 80 của thế kỷ XX, nước Mỹ trải nghiệm đột biến rút tiền gửi ở ngân hàng Penn Square (1982) và lan sang ngân hàng lớn nhất nước Mỹ Continental Illinois (1984); ngân hàng New England với 1 tỷ USD tiền gửi bị đột biến rút khỏi ngân hàng đã làm ngân hàng này sụp đổ (1982-1984); hàng loạt quĩ tiết kiệm và cho vay tại bang Maryland và Ohio bị rút tiền ồ ạt trong những năm 1980 (1); trong cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997 tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, tình trạng đột biến rút tiền gửi đã hiện hữu và để lại ảnh hưởng không nhỏ. Trong giai đoạn này, đỉnh điểm của khủng hoảng lòng tin dẫn đến đột biến rút tiền gửi tại 2/3 số ngân hàng tư nhân ở Indonesia, chiếm 1/2 tổng số ngân hàng ở quốc gia này (2). Trong các ngày 9-12/11/2006, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Nepal phải đối mặt với đột biến rút tiền gửi trầm trọng, 3 tỷ rupi tiền gửi bị rút khỏi ngân hàng trong 3 ngày (3) .v.v. Sự kiện nóng hổi từng diễn ra ở Anh và Mỹ từ cuối năm 2007 tới nay cho thấy, nhiều ngân hàng lớn đã trải nghiệm đột biến rút tiền gửi và gánh chịu hậu quả nặng nề. Ngày 14-17 tháng 9/2007, đột biến rút tiền gửi diễn ra tại ngân hàng Northern Rock (NR), ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh, không những để lại chi phí lớn cho cổ đông của ngân hàng này mà còn làm giảm giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Theo nhận định của các nhà quan sát, hệ thống chi nhánh của ngân hàng này rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: cảnh hỗn loạn xảy ra tại 72 chi nhánh, khách hàng ùn ùn kéo đến rút tiền, hàng chục chi nhánh phải làm việc đến tận khuya (4). Chỉ trong vòng 4 ngày, tổng số tiền bị rút khỏi ngân hàng này vào khoảng 4 tỷ USD (5). Sau khi NR được ngân hàng Trung ương Anh bơm tiền và các biện pháp trấn an người gửi tiền được thực hiện, tình thế vẫn rất nguy kịch, cuối cùng Chính phủ Anh phải đứng ra bảo lãnh cho tiền gửi. Chi phí cho giải pháp mới nhằm cứu nguy NR ước tính khoảng 40-50 triệu bảng Anh, chiếm khoảng 10% lợi nhuận mục tiêu năm 2007 của NR. Giá cổ phiếu của NR, một số ngân hàng và tổ chức tài chính khác bị giảm nghiêm trọng (6).
Khó khăn trong kinh doanh của ngân hàng IndyMac và đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng này dẫn đến kết cục đóng cửa vào 13/7/2008. Với 32 tỷ USD tài sản có, IndyMac là một trong số ngân hàng lớn bị đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau ngân hàng Continental Illinois (với tài sản 40 tỷ USD) bị đóng cửa năm 1984. Chỉ trong 11 ngày sau khi có tin về khó khăn của ngân hàng IndyMac, người gửi tiền đã rút 1,3 tỷ USD, đẩy ngân hàng lâm vào khủng hoảng thanh khoản. 33 chi nhánh của IndyMac bị đóng cửa, toàn bộ ngân hàng đã được FDIC xử lý trong trật tự thông qua hình thức thành lập ngân hàng bắc cầu IndyMac Federal Bank. Xử lý ngân hàng IndyMac làm cho FDIC tốn khoảng 4 đến 8 tỷ USD (7).
Thách thức đặt ra đối vói hệ thống NHTM tại Việt Nam
Mặc dù trong thời gian qua, hệ thống NHTM có những bước phát triển nhất định song khoảng cách giữa các NHTM trong nước (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) và NHTM trong khu vực và trên thế giới còn rất lớn về mọi phương diện. Năng lực quản trị rủi ro còn yếu: Hoạt động ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể là rủi ro tín dụng, rủi ro ngoại hối, rủi ro công nghệ tin học, rủi ro đạo đức… , từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và có thể dẫn đến đột biến rút tiền gửi. Khi tổn thất quá lớn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng thậm chí cho nền kinh tế. Tuy thời gian gần đây, công tác quản trị rủi ro của ngân hàng đã được chú trọng nhưng tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn vẫn cao hơn so với nhiều ngân hàng trên thế giới. Công tác cung cấp thông tin, khai thác sử dụng thông tin tín dụng tại nhiều NHTM còn yếu.
(i) Quy mô vốn thấp: Ngân hàng có vốn càng lớn càng có khả năng đối phó với những cú sốc từ bên ngoài và đảm bảo cho hoạt động ngân hàng. Nếu vốn thấp, đặc biệt trong trường hợp ngân hàng gặp khó khăn về khả năng chi trả, nếu không được ứng cứu kịp thời ngân hàng có thể rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Trước thách thức của quá trình hội nhập, các NHTM Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp để tăng vốn. Mặc dù vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam đã tăng nhiều, song vẫn còn thấp khi so với các ngân hàng trong khu vực (12). Mức vốn thấp trong khi khả năng tích lũy nội bộ nhỏ, khả năng bổ sung vốn từ ngân sách nhà nước hoặc cổ đông hạn chế, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và rộng, đặc biệt sau khi Việt Nam ký kết thành công hiệp định thương mại TPP sẽ là nguy cơ lớn cho khả năng chống đỡ rủi ro thanh khoản.
(ii) Chất lượng công tác kiểm toán, kiểm soát nội bộ chưa cao: Ở Việt Nam, có một số nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo kết quả của một nghiên cứu, mức độ hòa hợp của chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế (liên quan đến 10 chuẩn mực được chọn nghiên cứu) ở mức bình quân là 68%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 90% (13). Chỉ số này thể hiện còn một khoảng cách khá xa giữa hai chuẩn mực. Do vậy, kết quả kiểm toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế có sự khác biệt về một số chỉ tiêu (số liệu nguồn vốn chủ sở hữu, trích lập dự phòng rủi ro). Việc thực hiện không thống nhất hai chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế trong hệ thống NHTM Việt Nam và một số ngân hàng đang phải thực hiện kiểm toán theo cả hai chuẩn mực không chỉ gây tốn kém cho các ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến quá trình đánh giá rủi ro cũng như gây khó khăn cho các ngân hàng trong quá trình hội nhập.
Giải pháp ngăn ngừa đột biến rút tiền gửi
Để ngăn ngừa hiện tượng đột biến rút tiền gửi, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, chức năng:
(i) Về phía NHTM: Các ngân hàng cần chủ động cơ cấu vốn để đủ sức chống đỡ với những biến cố, khủng khoảng xảy ra. Khi nguồn vốn của ngân hàng tăng, niềm tin của người dân cũng tăng theo. Công tác kiểm soát nội bộ của các ngân hàng cần được tiến hành một các nghiêm túc và độc lập. Kiểm soát nội bộ tốt sẽ giúp các ngân hàng nhìn nhận rõ thực trạng hoạt động của ngân hàng, từ đó đưa ra được những biện pháp kịp thời để khắc phục sự cố.
(ii) Về phía NHNN: cần đưa ra các chính sách vĩ mô dài hạn như tái cơ cấu ngân hàng để hệ thống ngân hàng được thanh lọc. Công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra cần được theo dõi và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và đồng bộ. Các nghiệp vụ trên sẽ giúp NHNN đánh giá đúng tình hình TCTD. Khi TCTD gặp sự cố về vốn, nợ xấu, hay rủi ro đạo đức, NHNN sẽ đưa ra được những giải pháp kịp thời để tránh tình trạng đột biến rút tiền gửi, từ đó ngăn chặn đổ vỡ các TCTD.
(iii) Về phía tổ chức BHTG: Chính sách BHTG là một công cụ của nhà nước để bảo vệ người gửi tiền, duy trì niềm tin của công chúng nhằm tránh tình trạng đột biến rút tiền gửi. Do vậy, chính sách BHTG cần được tuyên truyền rộng rãi. Ngoài tuyên truyền chính sách BHTG, tổ chức BHTG cũng cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra TCTD để cảnh báo kịp thời các TCTD có vấn đề, từ đó góp phần ngăn ngừa sớm rủi ro, giúp củng cố lòng tin của người dân , tránh xảy ra hiện tượng đột biến rút tiền gửi.
Ths. Hồ Thanh Xuân
Chi nhánh BHTGVN tại Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Temzelides, tr.4, 1997
2. Heffernan, 2005
6. /DesktopModules/VietTotal.Articles/PrintView.aspx?ItemID=444
9. Báo cáo giám sát của tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN 2000-2007
10. http://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/24h/luong-khach-rut-tien-giam-dan-2446756.html
http://www.sav.gov.vn/1500-1-ndt/su-hoa-hop-giua-chuan-muc-ke-toan-viet-nam-va-chuan-muc-ke-toan-quoc-te-thuc-trang-nguyen-nhan-va-dinh-huong-phat-trien-.sav