Cụ thể về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.
Khoản vay đóng mới, nâng cấp tàu giải ngân sau ngày 31/12/2018 thì lãi suất cho vay theo thỏa thuận |
Đáng chú ý, Nghị định 17 sửa đổi khoản 4, Điều 13 Nghị định 67 như sau: Thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Trường hợp khoản vay giải ngân sau ngày 31/12/2018 thì lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Về chính sách cho vay vốn lưu động, tại khoản 3, Điều 4 được sửa đổi như sau: Đối tượng được vay vốn: Chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng). Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định 17 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ khác. Cụ thể, khoản 1, khoản 3 Điều 3 được sửa đổi theo hướng: Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải…
Nghị định 17, bổ sung điểm c vào khoản 2, Điều 4 cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới những không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Bên cạnh đó, Nghị định 17 đã bổ sung Điều 4a về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư. Đối tượng tượng được hỗ trợ là chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên cụ thể: Tàu đóng mới thuộc số lượng tàu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: Lưới vây, nghề lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.
Những nội dung về điều kiện được hỗ trợ, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục hỗ trợ cũng được quy định rõ trong Nghị định này.
Với chính sách bảo hiểm, tại Điều 5 được sửa đổi, bổ sung: Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên: “Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/12/2017 cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để ngư dân đóng mới, nâng cấp 1.114 tàu cá với tổng số tiền cam kết cho vay là 11.013 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 9.885 tỷ đồng, tăng 24,8% so với 2016; Ngoài ra, dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản toàn quốc cuối năm 2017 ước đạt 118.224 tỷ đồng, tăng 37,9% so với 2016. |