Thỏa thuận được thông qua, theo đó EU sẽ trao quyền giám sát toàn bộ hệ thống ngân hàng khu vực Eurozone cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Cơ chế giám sát duy nhất sẽ được thành lập và ECB có nhiệm vụ sẽ giám sát trực tiếp khoảng 200 ngân hàng lớn nhất, có giá trị tài sản trên 30 tỷ euro (39 tỷ USD), trong số khoảng 6.000 định chế cho vay trong khu vực. Điều này đồng nghĩa mỗi quốc gia thành viên sẽ có tối đa 3 ngân hàng chịu sự giám sát trực tiếp của ECB.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí thông qua lộ trình xây dựng và hoàn thiện Liên minh kinh tế và tiền tệ nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, cạnh tranh và việc làm trong toàn khối.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc ngày họp thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết: "Những điều tồi tệ nhất đã ở sau lưng, nhưng EU vẫn còn nhiều việc phải làm." Ông cũng đồng thời nhấn mạnh việc thiết lập Cơ chế giám sát SSM là bước đi quan trọng nhằm hướng tới một liên minh kinh tế và tiền tệ ổn định, cho phép xóa bỏ vòng luẩn quẩn giữa nợ xấu ngân hàng với nợ chủ quyền, giúp các nền kinh tế đối phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng hiện tại.
Ngoài ra, EU cũng đã thống nhất sẽ tiến hành thảo luận và thông qua cơ chế đảm bảo tiền gửi, cơ chế giải quyết và phục hồi và cơ chế đoàn kết vào cuối tháng 6/2013, và coi việc thực hiện những cơ chế này là ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia thành viên trong tương lai.
SSM cho phép các quỹ cứu trợ của Khu vực đồng euro tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn, như các ngân hàng bị vỡ nợ ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, mà không chất thêm gánh nặng nợ công cho các nước thành viên./.