Giúp hạn chế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức
Hiểu một cách đơn giản, truyền thông giáo dục tài chính là giải pháp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nhờ được truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi, từ đó sẽ tác động đến hành vi và cách ứng xử của họ. Họ sẽ tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức (chẳng hạn như tín dụng đen). Hơn nữa, mỗi cá nhân cũng sẽ biết quản lý ngân sách tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội.
Tại Việt Nam, trong hoạt động truyền thông truyền thống trước đây, các hình thức truyền thông được sử dụng còn khá đơn giản, chưa thực sự đa dạng, phong phú, thiếu sự tương tác với công chúng. Đây chính là rào cản không nhỏ dẫn đến việc người dân chưa thay đổi được nhận thức và hành vi trong tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thêm nữa, so với các nước trong khu vực, việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính còn khá thấp, mặc dù hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam đã phát triển khá nhanh với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ.
Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có 4 cái khó đặt ra cho hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa”, điều này xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng thường mang tính học thuật, bên cạnh đó là sự hạn chế của những kênh truyền thông truyền thống thường một chiều, thiếu tương tác và lan tỏa. Theo bà Sen, để hóa giải những khó khăn trên, truyền thông giáo dục tài chính của NHNN đã áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: “dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa” để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Thời gian qua, triển khai các Đề án của Chính phủ và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, NHNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động truyền thông giáo dục tài chính sáng tạo, ấn tượng và để lại dấu ấn trong lòng công chúng như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”… Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với các trường Đại học, Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”. Đây là cuộc thi nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiểu biết về đồng tiền Việt Nam, nâng cao hiểu biết của đối tượng sinh viên về các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, hạn chế tín dụng đen…
Có thể nói, các chương trình truyền thông giáo dục tài chính mà NHNN phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thời gian qua đã có sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao vì tính thiết thực, độ hấp dẫn và tính sáng tạo. Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Bảo vệ người tiêu dùng, tránh các rủi ro
Về định hướng thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai truyền thông giáo dục tài chính với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới và hiện đại. Theo đó, đối tượng mục tiêu của truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, mục tiêu mà NHNN hướng tới khi triển khai truyền thông giáo dục tài chính là: Mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Để thực hiện mục tiêu này, nội dung các chương trình truyền thông giáo dục tài chính sẽ bao gồm các chủ trương liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (tư vấn, cung cấp các thông tin liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay vốn, quy trình tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…), cảnh báo cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ này, đồng thời cung cấp cho người dân các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán.
“NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các hình thức, xu hướng truyền thông mới, hiện đại để triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như: gameshow, cuộc thi, truyền thông qua các kênh truyền thông đại chúng, các ấn phẩm, clip hoạt hình… Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức hiệp hội, nghề nghiệp (Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên…) để triển khai các chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng; phối hợp với các tổ chức tín dụng để truyền thông một cách trực quan, sinh động về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng…” - bà Lê Thị Thúy Sen cho hay.