Theo thông tin từ PGBank, từ nay đến hết 30/6, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn ngắn hạn sẽ được ngân hàng này ấn định lãi suất 9,49%/năm trong suốt thời gian vay. Đối với các khoản vay trung dài hạn, PGBank áp dụng lãi suất 7,49%/năm trong 6 tháng đầu, 8,99%/năm trong 12 tháng đầu và 9,49% năm trong 24 tháng đầu.
TPBank cũng đưa ra mức lãi vay 7,2%/năm trong 6 tháng đầu đối với khách hàng cá nhân. SHB thì áp dụng mức lãi vay 8,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, riêng vay trung, dài hạn giảm trực tiếp 0,1%/năm trong 3 tháng khi giới thiệu thành công khách hàng mới vay vốn hoặc sử dụng các dịch vụ khác tại SHB. BIDV cũng vừa công bố cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,1%/năm, ngoài ra khách hàng vay vốn còn được tặng bảo hiểm trị giá lên đến 500 triệu đồng.
Một điểm mới mà các NHTM năm nay đưa ra các chương trình ưu đãi cho người vay tiền chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tiêu dùng. Theo một lãnh đạo NHTM, cận Tết luôn là thời điểm tốt nhất để người tiêu dùng lựa chọn thay đổi ngân hàng mới hay vẫn trung thành với ngân hàng cũ, đây là thời điểm tốt ngân hàng đưa ra chương trình ưu đãi nhất.
Một Phó tổng giám đốc của Eximbank cho biết, với diễn biến hiện nay, các ngân hàng chạy đua ưu đãi nhằm cạnh tranh khách hàng và khuyến mãi mùa Tết Nguyên đán chỉ mới là khởi đầu cho chương trình trong năm nay.
Hiện nay, rất nhiều các NHTM đang theo đuổi mục tiêu ngân hàng bán lẻ, động thái giảm lãi vay trong những ngày giáp Tết cũng nói lên phần nào ngay từ những tháng đầu năm 2018 các NHTM đã tăng cường vào hoạt động tín dụng.
Nếu nhìn vào cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với sự chênh lệch lớn của thu nhập lãi thuần và thu nhập từ dịch vụ, cho thấy cho vay vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh, phần còn lại đến từ thu nhập từ dịch vụ, góp vốn mua cổ phần, kinh doanh ngoại hối…
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, dịch vụ bán lẻ tại các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chưa bền vững. Điều này giải thích vì sao, khi nói về tăng trưởng bán lẻ, hầu như các ngân hàng cũng nhấn mạnh về sự tăng trưởng của tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân.
Nhưng LS. Bùi Quang Tín cho rằng, nếu mãi phụ thuộc vào tín dụng cũng không phải là kế sách hay vì xu hướng tiêu dùng của xã hội ngày càng tinh vi và hiện đại. Vì thế, để vượt qua được tình trạng này, chính các ngân hàng cũng phải xem xét đã đầu tư mảng dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng chưa? Trong đó, chất lượng dịch vụ được xem là một trong những điểm đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ. Thúc đẩy mảng này phát triển nhanh, chất lượng, hiệu quả và bền vững theo chiều sâu trong dài hạn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thu hút được sự chú ý của khách hàng sử dụng dịch vụ là một trong những giải pháp hiệu quả được các chuyên gia khuyến nghị.
Đồng tình với các ý kiến cho rằng việc thu dịch vụ không lớn bằng kênh tín dụng vì các ngân hàng chưa thực sự chú trọng vào nhu cầu của khách hàng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN cũng nhận định, một trong những động lực khiến cho vay tiêu dùng phát triển mạnh trong vài năm gần đây chính là do xu hướng bán lẻ của NHTM gia tăng mạnh, với kênh này, các ngân hàng có thể có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn, ổn định hơn và phân tán được rủi ro tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào tín dụng mà không phát triển dịch vụ đi kèm thì các ngân hàng cũng khó mà phát triển bền vững trong tương lai.