Thực tế cho thấy, khó khăn trong hoạt động ngân hàng hiện nay không chỉ xuất phát từ những rủi ro trong hoạt động của chính ngân hàng mà nhiều khi còn do sự kiện chính trị gây ra. Vì vậy, một tổ chức BHTG hiệu quả sẽ góp phần giúp giải quyết những khó khăn của hệ thống ngân hàng quốc gia mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Dựa trên khảo sát gần đây của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), tỉ lệ phần trăm các tổ chức BHTG có vai trò trong xử lý ngân hàng đã tăng từ khoảng 50% năm 2005 lên gần 65% năm 2011. Riêng Mỹ, chỉ trong thời gian 2010 – 2014, BHTG Mỹ (FDIC) đã xử lý 342 tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ với tổn thất ước tính sau khi xử lý là 29.310.206 nghìn USD mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công cụ BHTG hiệu quả trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.
Việc xử lý ngân hàng đổ vỡ bao gồm ba lựa chọn cơ bản: Thanh lý tài sản và chi trả bồi thường cho người gửi tiền (thông thường là bao gồm cả việc đóng cửa ngân hàng), các giao dịch mua bán nợ và nghiệp vụ hỗ trợ tài chính. Trong đó, công cụ hỗ trợ tài chính (HTTC) cho ngân hàng có vấn đề là một trong các giải pháp được nhiều tổ chức BHTG lựa chọn, được đánh giá là đã và đang mang lại những hiệu quả to lớn. Giải pháp này không những giúp hạn chế đổ vỡ ngân hàng mà còn giúp cải tổ và khôi phục hoạt động kinh doanh của ngân hàng mất khả năng thanh toán, đồng thời duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống. Ba Lan và Mỹ là 2 trong số các quốc gia đã áp dụng thành công HTTC.
Ba Lan, quốc gia có hệ thống BHTG công khai thực hiện thành công hoạt động HTTC. Tổ chức BHTG Ba Lan được gọi là Quỹ bảo đảm ngân hàng Ba Lan (BFG), triển khai nghiệp vụ HTTC ngay khi mới thành lập và chủ yếu được thực hiện theo hình thức cho vay có hoàn trả với các điều kiện vay ưu đãi. Hoạt động HTTC của BFG được thực hiện thông qua Quỹ hỗ trợ (AF) với mục đích hỗ trợ cho việc cơ cấu lại các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, đồng thời bảo vệ người gửi tiền, giảm thiểu tổn thất tiềm tàng của những ngân hàng này.
Kết quả hoạt động cho thấy, số tiền cho vay từ BFG ngày càng tăng qua các năm. Chỉ tính riêng đến năm 2001 đã có 73 khoản vay với tổng số tiền 1.816,5 triệu ZLN, chiếm 88,5% tổng nguồn vốn của AF. Trong đó, 34 khoản vay đã được cấp cho các ngân hàng tự tiến hành chấn chỉnh hoạt động; 39 khoản vay đã được cấp cho các ngân hàng có tình trạng kinh doanh tốt để tiến hành sáp nhập với các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Hoạt động HTTC của BFG đã bổ sung cho hoạt động BHTG vì đã hạn chế tình trạng phá sản của các ngân hàng. Hơn 19 ngàn người thoát khỏi thất nghiệp, 523 ngân hàng đã tránh được tình trạng bị phá sản nhờ được BFG cung cấp HTTC (BFG, 2001, tr.8).
Tại Mỹ, FDIC cung cấp HTTC cho các ngân hàng hoặc tổ chức tiết kiệm được bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán hoặc cấp cho các tổ chức mạnh mua lại tổ chức bị mất khả năng thanh toán qua giao dịch hỗ trợ ngân hàng mở (OBA).
Theo thống kê, trong giai đoạn 1982-1991 ở Mỹ có hơn 1.400 ngân hàng lâm vào tình trạng nguy kịch, có thể dẫn đến đóng cửa. Nhờ HTTC của FDIC, 131 ngân hàng trong số các ngân hàng đó đã vượt qua khó khăn và duy trì được hoạt động. Trong giai đoạn từ 1980 tới 1992, FDIC đã cung cấp HTTC (OBA) cho 133 tổ chức trong tổng số 1617 tổ chức gặp khó khăn, tương đương với 8,2% trong tổng số. Năm 1987-1988 là thời gian có nhiều giao dịch OBA được thực hiện nhất, chiếm tới 75% tổng số giao dịch.
Thực tiễn Việt Nam, trong giai đoạn triển khai thí điểm trước đây, BHTG VN đã cho vay hỗ trợ cho 05 tổ chức tham gia BHTG thoát khỏi nguy cơ bị đổ vỡ với tổng số tiền xấp xỉ 7 tỷ đồng. Trong đó điển hình như việc BHTGVN cho vay hỗ trợ QTD Dương Liễu. Cuối năm 2007, thời điểm dự trữ nông sản lớn nhất trong năm của bà con, nên nhu cầu rút tiền và vay vốn của dân là rất lớn. Thêm vào đó, do ảnh hưởng lớn của các yếu tố vĩ mô như lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến cho QTD không dự báo đủ nguồn tiền mặt phục vụ nhu cầu rút tiền của người gửi tiền. Áp lực rút tiền của người dân đã đẩy QTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tạm thời, tình hình có thể sẽ rất xấu nếu không được “bơm” tiền kịp thời. Đúng thời điểm đó, BHTGVN đã quyết định cho Quỹ vay hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, số tiền đã thực sự là “cứu cánh” để Quỹ ổn định được tình hình ngay sau đó.
Một quỹ khác mà BHTGVN hỗ trợ là QTD Phương Tú. BHTGVN đã cho Quỹ vay 1 tỷ đồng vào năm 2009. Số tiền thực tế là không lớn nhưng “đủ liều lượng” để giúp QTD khôi phục hoạt động tại thời điểm đó. Trong tình hình như vậy, nếu không được tiếp vốn, khả năng đổ vỡ của QTD là khó tránh khỏi, gây thiệt hại lớn đối với các thành viên góp vốn, người gửi tiền, ảnh hưởng sâu sắc đến an toàn hệ thống và sự ổn định về kinh tế, chính trị - xã hội trên địa bàn. BHTGVN cũng sẽ phải đối mặt với trách nhiệm chi trả bảo hiểm với số tiền lên tới 8.663 triệu đồng cho 465 người gửi tiền thuộc đối tượng bảo hiểm tại Quỹ này.
Như vậy, công tác HTTC tại BHTGVN trong thời gian qua đã thực sự phát huy được tác dụng, như: ngăn ngừa đột biến rút tiền gửi xảy ra, ngăn ngừa đổ bể ngân hàng, hỗ trợ được khó khăn của các tổ chức đang có nguy cơ mất khả năng thanh khoản tạm thời. Các khoản HTTC cũng đã được thu hồi rất tốt trong thời gian qua, điều này cho thấy công cụ HTTC của BHTGVN ít nhiều đã phát huy vai trò của chính sách BHTG trong khôi phục hoạt động kinh doanh của Qũy tín dụng mất khả năng thanh toán, duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Thực tế công tác HTTC tại các quốc gia cho thấy, để đạt được hiệu quả tối đa cho mục tiêu cuối cùng của chính sách BHTG là củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, góp phần đảm bảo tính an toàn, lành mạnh của hệ thống, một số nội dung sau đây cần được nhận thức rộng rãi và thể chế hóa:
(1) Mở cửa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mang lại nhiều cơ hội cho phát triển. Mặc dù vậy, rủi ro cũng xảy ra ở mức độ cao hơn và phức tạp hơn. Đột biến rút tiền gửi do Brexit của Anh cho thấy nguyên nhân của khó khăn ngân hàng ngày càng trở nên phức tạp. Vì vậy, cần có sự phối hợp tối đa các nguồn lực để giải quyết khó khăn trong kinh doanh ngân hàng với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất có thể.
(2) Công cụ BHTG đóng góp tích cực trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, song hiệu quả của chính sách BHTG phụ thuộc vào tính đầy đủ của các chức năng trao quyền cho tổ chức BHTG. Hàm ý, sử dụng đồng bộ nghiệp vụ HTTC, ngân hàng bắc cầu, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát mới giải quyết được khó khăn của ngân hàng một cách hiệu quả và hạn chế tối đa chi phí phát sinh.
(3) Nghiệp vụ HTTC cần được nghiên cứu để triển khai chính thức trong khuôn khổ chính sách BHTG ở Việt Nam. Kinh nghiệm của Ba Lan và Mỹ về HTTC cần được tham khảo và vận dụng linh hoạt. Qui định kiểm soát rủi ro trong thực thi HTTC, như trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, qui định miễn trừ trách nhiệm công vụ trong tình huống đặc biệt,… cần được thể chế hóa.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Lê Thị Hồng Hạnh
BHTGVN Chi nhánh tại TP. Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. FDIC (1998), A brief history of deposit insurance in the United States
2. BFG (2001), The bank Guarantee Fund’s operations (1995-2001).
3. IADI, Bộ các Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.
4. Báo cáo BHTGVN
6. https://next.ft.com/content/c1f5c006-388e-11e6-9a05-82a9b15a8ee7#axzz4CF74hz00