Hoạt động kiểm tra của BHTGVN được tiến hành theo kế hoạch, dựa trên kết quả giám sát từ xa và thống nhất từ Trụ sở chính đến Chi nhánh, đảm bảo không chồng chéo. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra là những người có kinh nghiệm về tài chính – ngân hàng, được đào tạo bài bản đáp ứng tốt với yêu cầu công việc. Tính đến 31/12/2011, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra 3.020 lượt, trong đó: 287 lượt đối với ngân hàng thương mại, 29 lượt đối với công ty tài chính, 4 lượt đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương và 2.700 lượt đối với QTDND cơ sở.
Thông qua kiểm tra đã phát hiện những vi phạm của tổ chức tham gia BHTG, từ đó có những xử lý và đưa ra những cảnh báo kịp thời. Những phân tích đánh giá của BHTGVN đã giúp các tổ chức tham gia BHTG nhìn nhận đúng sai lệch trong hoạt động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng. Thông qua nghiệp vụ kiểm tra, tổ chức BHTG đóng vai trò là một kênh quan trọng phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính – ngân hàng; đồng thời góp phần cùng các cơ quan giám sát khác tăng cường pháp chế của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Theo quy định hiện nay, BHTGVN chỉ được xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về việc tính và nộp phí BHTG, nhưng với mức xử phạt là 0,1%/ngày đối với số phí chậm nộp là quá nhỏ, không có tác dụng răn đe đối với tổ chức tham gia BHTG. Đối với những vi phạm khác liên quan đến việc thực hiện các quy định về BHTG như niêm yết Chứng nhận BHTG, chế độ thông tin báo cáo, cũng không có hình thức xử phạt mà chỉ được nhắc nhở và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý. Điều đó phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực của công tác kiểm tra.
Hoạt động của BHTGVN từ khi thành lập đến nay được điều chỉnh bởi các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Xuất phát từ sự cần thiết phải hoàn thiện hơn các quy định về nghiệp vụ BHTG và để đồng bộ với các Luật có liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng mới được sửa đổi bổ sung, Luật BHTG đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Theo Luật BHTG, BHTGVN chỉ kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG. Như vậy, so với quy định hiện hành hoạt động kiểm tra của BHTGVN theo Luật có một số điểm khác:
(i) Nội dung kiểm tra: Chỉ kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, không thực hiện kiểm tra chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong khi hoạt động giám sát theo Luật cơ bản vẫn thực hiện giám sát các tổ chức tham gia BHTG về chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Vì vậy, hai trong số những nghiệp vụ quan trọng và cần thiết của BHTGVN không có sự hỗ trợ và bổ sung cho nhau để thực hiện mục tiêu góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
(ii) Xử lý hành vi vi phạm: Theo quy định hiện hành, BHTGVN được xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG theo quy định, nhưng theo Luật BHTG không trực tiếp xử lý mà phải kiến nghị với NHNN xử lý. Điều này làm giảm tính chủ động và vị thế của BHTGVN, cơ quan duy nhất của Chính phủ thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
(iii) Đối tượng kiểm tra: Do chủ thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm thu hẹp chỉ BHTG cho tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam, dẫn đến đối tượng được bảo hiểm và khách hàng tham gia BHTG thu hẹp. Vì theo Luật các TCTD năm 2010, đối với các TCTD Phi ngân hàng (Công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) không được nhận tiền gửi của khách hàng là cá nhân.
Như vậy, việc ban hành Luật BHTG là một bước tiến quan trọng nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp cho hoạt động BHTG hiệu quả hơn, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm thu hẹp so với quy định hiện hành. Vì vậy, để hoạt động kiểm tra phát huy hiệu quả khi Luật BHTG có hiệu lực, một số vấn đề sau mong muốn sớm được quan tâm:
- Ban hành văn bản dưới Luật trong đó có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với các tổ chức tham gia BHTG vi phạm các quy định về BHTG;
- Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra cho phù hợp với Luật BHTG; Phối kết hợp với hoạt động giám sát từ xa để xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu và mô hình kiểm tra cho phù hợp.
- Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra trực tiếp các tổ chức tham gia BHTG và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra.
Như vậy, trong thời gian tới, việc triển khai tốt nghiệp vụ kiểm tra và các hoạt động nghiệp vụ khác của BHTGVN theo Luật sẽ hiện thực hóa mục tiêu chính sách BHTG của Nhà nước, đó là bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin công chúng và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định 109/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 01/9/1999.
- Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012.
- Các báo cáo kết quả hoạt động năm của BHTGVN; Các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra đối với tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN
- Một số thông tin tham khảo trong các bài viết trên các website.