Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên
NHNN đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của NHNN với một số điểm mới quan trọng tạo điều kiện đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như: mở rộng đối tượng vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP, một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng được quy định mức cho vay phù hợp; có chính sách hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp thông qua quy định giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng có các chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên như văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 chỉ đạo Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014- 2020. NHNN dành khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1-2% so với mặt bằng lãi suất chung); Chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục hồi sản xuất như: Miễn giảm lãi vay, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng hạn mức cho vay mới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục khôi phục sản xuất; yêu cầu cácTCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng;
Trước tình hình hạn hán gay gắt kéo dài và lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, NHNN đã ban hành Công văn số 5018/NHNN-TD ngày 03/7/2015; 9669/NHNN-TD ngày 19/12/2016 chỉ đạo các TCTD kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, đồng thời xem xét tiếp tục cho vay mới theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN để người dân tiếp tục ổn định, phát triển sản xuất.
Ngoài các chính sách tín dụng thương mại được các TCTD tích cực triển khai thì việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cũng được đẩy mạnh thời gian qua. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Thống đốc NHNN luôn quan tâm và chỉ đạo NHCSXH phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại khu vực. Một số số chương trình tín dụng ưu đãi được tập trung triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…
Dư nợ tín dụng cuối năm 2016 tăng gần 20%
Với các chính sách tín dụng nói trên, cùng sự quan tâm của Chính phủ và hệ thống ngân hàng, đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (huy động vốn toàn nền kinh tế đạt 17,85%). Nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 54,3% tổng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, phần còn lại phải điều chuyển từ các khu vực khác. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc( tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 18,39%). Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đến cuối năm 2016 là 1%.
Cũng theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 76.827 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,6% dư nợ cho vay của vùng; Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 2.511 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 33.000 tỷ đồng.Về tín dụng đối với ngành cà phê, đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với 31/12/2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc). Cũng tại Tây Nguyên, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bắt đầu triển khai từ đầu năm 2014 theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 2667 và 2668/NHNN-TD ngày 17/4/2014, tính đến hết quý 3 năm 2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 40.000 tỷ đồng cho hơn 3.700 khách hàng doanh nghiệp; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ gần 3.000 tỷ đồng cho 260 doanh nghiệp.
Ngành Ngân hàng góp phần xóa đói, giảm nghèo khu vực Tây Nguyên
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 31/12/2016, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH các tỉnh Tây Nguyên đạt 13.703 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2015.
Về công tác an sinh xã hội, nhiều năm qua ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Giai đoạn 2013 - 2016, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ASXH cho 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số tiền trên 649 tỷ đồng.
Hưởng ứng sự vận động của Thống đốc năm 2016 ngành Ngân hàng đã ủng hộ 217 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Các chương trình an sinh xã hội của ngành Ngân hàng triển khai tại khu vực Tây Nguyên tập trung vào 03 lĩnh vực chính đó là giáo dục, y tế và xây dựng nhà cho người nghèo, người có công với cách mạng. Năm 2016, Ngành đã tiến hành xây dựng mới và sửa chữa 14 trường học các cấp (tổng kinh phí là 101,7 tỷ đồng); 753 ngôi nhà tình nghĩa (35,5 tỷ đồng) và 10 trạm y tế (34,4 tỷ đồng) trên địa bàn Tây Nguyên.
Định hướng hoạt động tín dụng ngân hàng trong thời gian tới tại khu vực Tây Nguyên
Để phát triển lợi thế phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên, năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, an toàn hoạt động của TCTD; kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát được Quốc hội thông qua; điều hành hoạt động tín dụng chủ động theo hướng tăng trưởng tín dụng phải phục vụ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù cho khu vực, Thống đốc NHNN chỉ đạo: Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Tây Nguyên, trong đó bao gồm cho vay thực hiện các dự án phòng chống, khắc phục hạn hán tại các địa phương trong khu vực; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với các khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn do hạn hán như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay…theo quy định để giúp khách hàng khôi phục sản xuất. Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng: chỉ đạo các TCTD tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn; Tiếp tục chỉ đạo các TCTD cho vay phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội gắn liền với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại khu vực Tây Nguyên...