Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, hội thảo tạo cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận, nhìn nhận về bức tranh chung của thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Từ đó, xác định những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, rào cản để đưa ra các biện pháp thiết thực tháo gỡ, góp phần thúc đẩy việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án 241 (Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/2/2018).
Đề án 241 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có: 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực hưởng ứng, trong đó nhiều đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai thực hiện Đề án.
Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện,..), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.
Đến nay, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.
Nhìn thẳng vào thực trạng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng hiện nay, Phiên 1 của hội thảo bao gồm các bài tham luận, thuyết trình xoay quanh chủ đề “Thực trạng, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công”;Phiên 2 bao quát về cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ công và các giải pháp để thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Đặc biệt, phiên thảo luận bàn tròn giữa đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước với ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và trao đổi với trực tiếp với các đại biểu tham dự hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự.