Báo cáo đã ghi nhận những xu thế toàn cầu trong thời gian vừa qua đối với bối cảnh vĩ mô, chức năng, nhiệm vụ cũng như hoạt động của các tổ chức BHTG. Theo đó, về mô hình hoạt động, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng được các tổ chức BHTG áp dụng rộng rãi (chiếm 45% trong tổng số các tổ chức BHTG). Các tổ chức BHTG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém hay đổ vỡ. Tuy nhiên, mức độ tham gia vào quá trình xử lý của từng tổ chức là khác nhau. Trong đó, chỉ có 40% tổng số tổ chức BHTG có vai trò là cơ quan xử lý. Về thời gian chi trả, số các tổ chức BHTG thực hiện việc chi trả trong vòng 7 ngày làm việc chiếm tới 60% trong số các tổ chức BHTG tham gia khảo sát, tăng lên so với trước đây. Điều này cho thấy nỗ lực của các tổ chức BHTG để thực hiện cam kết của họ trong việc chi trả nhanh chóng nhằm bảo vệ người gửi tiền. Đối với vấn đề xây dựng Quỹ BHTG và hệ thống phí BHTG 84% số tổ chức BHTG coi cơ chế cấp vốn trước như nguồn lực chính để hình thành quỹ BHTG. Bên cạnh đó, các tổ chức BHTG cũng đang dần chuyển phương pháp tính phí từ đồng hạng sang hệ thống tính phí theo rủi ro. Điều này giúp cho tổ chức BHTG sẽ sẵn sàng nguồn lực khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, mang lại sự minh bạch và công bằng khi tất cả các tổ chức tham gia BHTG đều phải nộp phí BHTG, giảm áp lực nộp phí cho các ngân hàng lành mạnh trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng.
Ngoài ra, Báo cáo còn xem xét 5 yếu tố được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các tổ chức BHTG trong tương lai gần, bao gồm: biến đổi khí hậu, công nghệ tài chính (Fintech), hệ quả của chính sách Covid-19, vai trò của các tổ chức BHTG trong quá trình xử lý và các vấn đề xuyên biên giới. 5 yếu tố này đã được IADI phân tích khá chi tiết trong các Báo cáo được công bố trong năm 2021.
Thứ nhất, dưới tác động của rủi ro biến đổi khí hậu, các tổ chức BHTG có thể bị ảnh hưởng trực tiếp (như ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của tổ chức) hoặc gián tiếp (như rủi ro liên quan tới ngân hàng thành viên). Do đó, các tổ chức BHTG cần có kế hoạch để từng bước đưa rủi ro biến đổi khí hậu vào kế hoạch dự phòng của mình.
Thứ hai, sự phát triển của Fintech có thể ảnh hưởng đến các tổ chức BHTG một cách trực tiếp và gián tiếp như ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán và vai trò của tiền gửi truyền thống. Cần theo dõi sự phát triển của Fintech và đưa ra chính sách BHTG phù hợp.
Thứ ba, việc giảm dần các chính sách hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như thắt chặt các điều kiện tài chính và chấm dứt các quy định tạm thời về việc tạm hoãn thanh toán các khoản vay cùng tình trạng công nợ cao có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể các doanh nghiệp phá sản, dẫn đến rủi ro đổ vỡ ngân hàng cao hơn. Vì vậy, tổ chức BHTG cần xem xét việc thiết lập và kiểm tra kế hoạch dự phòng.
Thứ tư, xu hướng hiện nay cho thấy các tổ chức BHTG tham gia nhiều hơn vào quá trình xử lý. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG, các quyết định về chính sách BHTG cần đảm bảo các nhiệm vụ mới phải được quy định rõ ràng, tổ chức BHTG có đủ quyền hạn và nguồn lực, và có sự phối hợp với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính.
Thứ năm, các vấn đề xuyên biên giới ngày càng được thúc đẩy bởi sự gia tăng kết nối của các dòng tài chính toàn cầu và sự phát triển về kỹ thuật số và phi biên giới và của các dịch vụ tài chính, đặt ra những thách thức liên quan đến các hoạt động xử lý và chi trả của tổ chức BHTG. Vì vậy, các tổ chức BHTG cần tăng cường các thỏa thuận xuyên biên giới giữa với các tổ chức BHTG và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính khác.
Cuối cùng, Báo cáo đề cập trong năm 2022 IADI sẽ xem xét, cập nhật và hoàn thiện Bộ nguyên tắc cơ bản và Sổ tay hướng dẫn phương pháp tuân thủ để phù hợp và thúc đẩy hệ thống BHTG phát triển hơn trong thập kỷ tới. Dự kiến, phiên bản sửa đổi Bộ nguyên tắc sẽ được xem xét lần cuối và phê duyệt vào cuối năm 2023.