An toàn khi gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm
Ngay từ đầu tháng 2/2023, một số NHTM đã rục rịch hạ lãi suất tiết kiệm từ 0,05 - 0,5%. Đến khoảng giữa tháng 2, đã có thêm nhiều NHTM công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã giảm mạnh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa với nhóm khách hàng cá nhân từ 9,5%/năm xuống 9%/năm.
Không riêng Techcombank, trong biểu lãi suất áp dụng từ trung tuần tháng 2, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm của khách hàng cá nhân, đặc biệt với các khoản tiền gửi online.
NCB hiện vẫn đưa ra mức lãi 6%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của khách hàng cá nhân, không thay đổi so với tháng 1. Tuy nhiên, từ kỳ hạn 6 tháng, biểu lãi suất mới của ngân hàng đã giảm 0,2-0,8 điểm % so với tháng trước. Tương tự, với các sản phẩm tiết kiệm tích lũy, ngân hàng này cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 năm từ 9,7%/năm xuống 8,95%/năm và kỳ hạn 1 năm giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 14/2 cũng đã không còn mức lãi suất 9%/năm như tháng trước (với cả kênh quầy và online). Theo đó, lãi suất tiền gửi tại quầy của Sacombank hiện phổ biến ở mức 5,5-6%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 8-8,3%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,4-8,65%/năm với kỳ hạn 12-36 tháng. So với tháng 1, các mốc lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên đều đã giảm 0,3-0,5 điểm %.
Tương tự, với kênh online, lãi suất tối đa Sacombank đưa ra trong tháng 1 là 9,2%/năm áp dụng với tiền gửi trên 15 tháng. Đến nay, lãi suất đã giảm còn 8,7-8,85%/năm. Các khoản tiền gửi 6-11 tháng trước đó được chi trả mức lãi 8,5-9%/năm, nay đã giảm xuống 8,2-8,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,1%/năm xuống 8,6%/năm.
Cũng từ trung tuần tháng 2 này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã giảm 0,3-0,7 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi suất cao nhất ngân hàng này áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân đã giảm từ 9,5%/năm (kỳ hạn 12-18 tháng) xuống còn 9%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng giảm lãi suất huy động 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn. Với kênh online, lãi suất tại kỳ hạn 15-36 tháng giảm 0,4%/năm xuống 9%/năm. Với các kỳ hạn ngắn hơn, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm 0,4%/năm xuống 8,9%/năm, còn tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất giảm xuống còn 8,8%/năm.
Không riêng nhóm ngân hàng thương mại kể trên, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) cũng đang rục rịch giảm lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động online của Vietcombank và Agribank giảm về bằng mức niêm yết tại quầy, thay vì cao hơn như trước đó.
Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có xu hướng giảm tại một số ngân hàng thời gian qua, mức độ giảm dao động quanh mức 0,5 %.
Hiện tại, lãi suất huy động các ngân hàng vẫn phổ biến ở mức 8-9,5% với tiền gửi thông thường. Nếu so với tỷ lệ lạm phát thì lãi suất tiết kiệm vẫn đang thực dương, đảm bảo người gửi tiền vẫn hưởng lợi (Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022).
Những tháng cuối năm 2022, tiền gửi vào ngân hàng tăng khá mạnh do lãi suất huy động đồng loạt tăng cao. Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 126.600 tỷ đồng so với cuối tháng 10. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022. Xu hướng dòng tiền chảy vào ngân hàng vẫn diễn ra trong tháng 1, 2/2023 dù các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất. Khảo sát tại các NHTM, lượng khách hàng đến gửi tiết kiệm vẫn đông. Thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào, thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã có chiều hướng đi xuống. Cụ thể trong tuần từ 6-10/2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã rơi về mức trên 5%/năm, tương đương giảm 1% so với cuối tuần trước, các kỳ hạn khác dưới 1 tháng cũng giảm từ 0,3-0,7%.
Các chuyên gia dự báo, thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất. Với người gửi tiền, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn nhiều khó khăn thì lựa chọn gửi tiết kiệm đang là giải pháp an toàn, hiệu quả. Không chỉ bởi lãi suất thực dương mà quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo.
“Tấm đệm giảm chấn” và niềm tin người gửi tiền
Khi gửi tiền vào các TCTD tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), tiền gửi của người gửi tiền tự động được bảo hiểm bởi các quy định về BHTG. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô).
Trong điều kiện bình thường, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo sát quá trình thành lập, hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp vấn đề, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt cũng như hỗ trợ quá trình phục hồi. Hơn thế, khi tình huống xấu xảy ra, tổ chức tham gia BHTG không thể trở lại hoạt động bình thường, chính sách BHTG đóng vai trò như một "tấm đệm giảm chấn", hạn chế những tổn thương, tổn thất mà người gửi tiền có thể gặp phải, hoàn trả số tiền bảo hiểm theo hạn mức được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Hiện nay, việc tham gia BHTG là quy định bắt buộc đối với hầu hết tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [1] được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG. Qua đó, tiền gửi của khách hàng được bảo vệ cũng như tạo dựng niềm tin của khách hàng thông qua việc tham gia BHTG, giảm thiểu được hậu quả của các rủi ro không đáng có.
Cũng giống như một số vụ việc tương tự xảy ra trước đây, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rất mạnh mẽ và rõ ràng là sẽ dùng mọi biện pháp, Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của tổ chức BHTG. Do đó, người dân đã bình tĩnh, yên tâm hơn khi gửi tiền tại các TCTD.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc nâng cao các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn hoạt động, chất lượng quản trị các TCTD, cần tiếp tục nâng cao vai trò của tổ chức BHTG. Đặc biệt, để lan tỏa chính sách BHTG đến công chúng, cần tăng cường truyên truyền, nâng cao nhận thức và niềm tin công chúng về chính sách đặc thù này.
Việc truyền thông chính sách BHTG cần triển khai song song các chương trình phổ biến kiến thức tài chính ngân hàng, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng (trong đó có gửi tiết kiệm), hướng tới một công đồng tài chính tốt. Đồng thời, giúp công chúng hiểu được chính sách, yên tâm với hoạt động ngân hàng, gia tăng niềm tin với hệ thống ngân hàng nói chung cũng chính là giảm thiểu rủi ro đối với tổ chức BHTG. Một nền tài chính an toàn chỉ có thể được dựng xây từ một thị trường lành mạnh, minh bạch và người tiêu dùng tài chính có hiểu biết, sẵn sàng tham gia vào duy trì kỷ luật thị trường.
Hiện nay, tình hình kinh tế tài chính thế giới nhiều biến động, căng thẳng chính trị kéo dài tại một số nước…Trong nước, niềm tin nhà đầu tư với thị trường trái phiếu ít nhiều bị ảnh hưởng. Đồng thời, nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác điều hành vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì thế, việc giữ gìn và nâng cao niềm tin người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng càng được quan tâm và cần được bồi đắp thường xuyên liên tục.
Thanh Thủy
[1]Riêng Ngân hàng chính sách xã hội không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi vì đây là ngân hàng thuộc sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.