Thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và chiến lược dài hạn
Để đảm bảo phát triển đồng bộ với Chiến lược phát triển dài hạn của ngành tài chính, ngân hàng, trong năm 2022, BHTGVN đã tích cực phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của NHNN, các Bộ, ngành và đơn vị liên quan, đặc biệt đối với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ngày 30/12/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và BHTGVN đang khẩn trương xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn.
Cùng với đó, BHTGVN đã chủ động, thường xuyên phối hợp với Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các Vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tất cả các công việc theo kế hoạch, nhiệm vụ, theo yêu cầu của Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG. Các đơn vị trong toàn hệ thống đã triển khai tham gia góp ý, đề xuất nội dung chính sách sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG một cách nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm, các nội dung đề xuất được đảm bảo sát với thực tế trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG.
Trong năm 2022, BHTGVN đã chủ động đề xuất và thống nhất định hướng với các đơn vị chức năng thuộc NHNN về 5 chính sách trọng tâm trong đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG, bao gồm: (i) Hoàn thiện quy định về phí BHTG; (ii) Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; (iii) Bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN; (iv) Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; (v) Hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong việc định hướng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và chỉ đạo của NHNN về việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, BHTGVN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại BHTGVN; đồng thời phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số tại BHTGVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chỉ đạo Tổ giúp việc triển khai làm việc trực tiếp với các đơn vị trong toàn hệ thống để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và xác định nhu cầu trong quá trình sử dụng phần mềm, ứng dụng tại BHTGVN, để trình Ban chỉ đạo phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số BHTGVN năm 2023 cũng như cả giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở tạo tiền đề cho việc hiện đại hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ cũng như quy trình nội bộ trên nền tảng công nghệ mới, để BHTGVN theo kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với tầm nhìn xa, thông suốt và hiệu quả.
Trong Quý III/2022, NHNN đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh và bổ sung vốn điều lệ cho BHTGVN sau khi kết thúc dự án FSMIMS hợp phần BHTG. Hiện nay, BHTGVN vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của NHNN theo dõi, cập nhật ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc tăng vốn điều lệ cho BHTGVN và sẵn sàng thực hiện giải trình khi có yêu cầu.
Nhằm phát huy vai trò trong công tác quản lý quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống chủ động phối hợp, làm việc với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp tục ký kết và thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết trong Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và Chi nhánh BHTGVN (Quy chế phối hợp). Tính đến nay, BHTGVN đã hoàn thành ký kết với 56/57 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND trên địa bàn hoạt động, đạt 98,2% chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn đang tích cực, chủ động phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Yên để sớm hoàn thành ký kết Quy chế phối hợp, đạt 100% chỉ tiêu đề ra.
Theo đánh giá bước đầu, các Chi nhánh BHTGVN đã tích cực triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được thống nhất trong nội dung Quy chế phối hợp; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc nắm bắt, chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phát huy vai trò hỗ trợ NHNN trong công tác kiểm tra QTDND, kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp xử lý đối với QTDND vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Triển khai đồng bộ và hiệu quả các mảng nghiệp vụ
Hiện nay, có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Trong năm 2022, BHTGVN đã thực hiện cấp 230 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG, cấp lại 15 Chứng nhận tham gia BHTG và tạm thu hồi 01 Chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ báo cáo NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng việc chấp hành quy định pháp luật về cấp và niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG của các tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; chủ động kiểm soát chất lượng thông tin, mẫu biểu báo cáo tiếp nhận từ NHNN theo quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-NHNN; đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tham gia BHTG gửi thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm theo quy định; đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng phạm vi giám sát, bám sát diễn biến hoạt động của thị trường tiền tệ cũng như hoạt động của các TCTD; tăng cường theo dõi các thông tin liên quan đến sở hữu chéo, lãi dự thu trong hoạt động ngân hàng để nâng cao chất lượng, nội dung giám sát; thường xuyên kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra; phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc giám sát, xử lý sau thanh tra, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN các vấn đề phát sinh, có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống.
Để chủ động từ sớm, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực cho công tác kiểm tra, ngay từ đầu năm 2022, BHTGVN đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kiểm tra trong toàn hệ thống linh hoạt tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra cho phù hợp với quy mô và hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý. Đến nay, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 275/275 tổ chức tham gia BHTG, đạt 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ và hoàn thành kiểm tra 53/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đạt 100% kế hoạch được giao; đồng thời quán triệt các đơn vị kiểm tra trong toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện một số nội dung trọng tâm và giao kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023 đối với 277 tổ chức tham gia BHTG đã được HĐQT phê duyệt.
Để chủ động về nguồn lực tài chính bảo vệ cho tiền gửi của hơn 89 triệu lượt người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG cũng như hoàn thành chỉ tiêu về thu phí BHTG được NHNN giao năm 2022, BHTGVN đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tham gia BHTG gửi bảng kê số dư tiền gửi được bảo hiểm để tính và nộp phí BHTG, thực hiện tính và thu phí BHTG theo quy định; kịp thời giải đáp, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc nộp muộn, thừa, thiếu phí BHTG. Tổng số phí BHTG thu được trong năm 2022 vượt 1,98% kế hoạch NHNN giao; thực hiện miễn nộp phí BHTG năm 2022 cho các tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt theo quy định.
Trong năm 2022, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, BHTGVN vẫn tiếp tục theo dõi sát sao quá trình thực hiện xử lý pháp nhân đối với các tổ chức tham gia BHTG là QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt, bám sát quá trình thực hiện xử lý pháp nhân của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thống đốc NHNN để chủ động xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền thuộc đối tượng được BHTG khi cần thiết.
Hiện nay, quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đã đạt 89.062 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng được tích lũy qua từng năm, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết đối với tổ chức tham gia BHTG có quy mô nhỏ và vừa; tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Năm 2022, BHTGVN đã bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. BHTGVN cũng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh NHNN giao. Cụ thể: Tổng số phí BHTG thu được trong năm 2022 vượt 1,98% kế hoạch được giao. Tổng nguồn vốn tạm thời nhàn dỗi đã thực hiện đầu tư tăng 16,1% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, tổng số tiền đầu tư trong năm 2022 đạt 103,51% so với số tiền đầu tư được giao; doanh thu các khoản đầu tư cả năm 2022 đạt và vượt 0,5% so với kế hoạch NHNN giao.
Hoạt động truyền thông cũng được BHTGVN đặc biệt quan tâm. Theo đó, trong năm 2022, BHTGVN đã tổ chức hiệu quả các chuỗi hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG theo kế hoạch được phê duyệt, kịp thời thông tin về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền thông qua sự kiện trực tiếp, tọa đàm, giao lưu… đưa chính sách BHTG tới hơn 15 nghìn người gửi tiền; đặc biệt tăng cường truyền thông trong giai đoạn triển khai đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG và phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG, nhằm nâng cao nhận chức và niềm tin của công chúng, của các cơ quan ban ngành đối với hoạt động BHTG.
Định hướng phát triển năm 2023
Để đạt được những kết quả như trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của NHNN, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan cũng như nỗ lực cố gắng phấn đấu, đoàn kết, nhất trí cao của tập thể người quản lý và người lao động tại BHTGVN.
Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN; căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển ngành ngân hàng nói chung cũng như Chiến lược phát triển BHTG nói riêng, với vai trò là tổ chức tài chính Nhà nước, thực hiện mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, trong đó, ưu tiên mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, BHTGVN xây dựng định hướng phát triển năm 2023, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn kết chặt chẽ với định hướng và Chiến lược phát triển của ngành tài chính ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục tham gia có hiệu quả vào quá trình triển khai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG, tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc NHNN trong quá trình nghiên cứu, rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và theo kế hoạch của Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG.
Thứ ba, chú trọng thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tại BHTGVN theo từng giai đoạn, từng mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ BHTGVN phê duyệt.
Thứ tư, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 để phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 được NHNN giao.
Thứ năm, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ về: Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại; giám sát, kiểm tra, tham gia KSĐB, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém; tính và thu phí BHTG; quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả bảo hiểm…, đảm bảo phù với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật tại Việt Nam.