Tuần qua cử tri cả nước hướng về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khi các đại biểu thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung này đã có 94 đại biểu Quốc hội phát biểu, 27 đại biểu tham gia tranh luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và 6 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Trong những nội dung phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội các đại biểu nêu ra những khó khăn, vướng mắc và cả các kiến nghị, đề xuất, tập trung vào các lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế, nợ công, thu chi ngân sách, chính sách cho người có công, an sinh xã hội…
Điều đặc biệt, trong các phiên thảo luận này chỉ số ít đại biểu đề cập đến công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động NH với vấn đề xử lý nợ xấu, điều hành lãi suất. Có thể nói những thành công trong điều hành CSTT thời gian qua đã làm giảm sức “nóng” đối với các đại biểu Quốc hội. Thực tế, sau một thời gian ngắn (từ tháng 8/2017) triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, công tác xử lý thu hồi nợ đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối tháng 10/2017, VAMC phối hợp với TCTD thu hồi khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Và từ đầu năm đến nay VAMC đã thu hồi được 16 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau khi NHNN chỉ đạo giảm 0,5% lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên từ tháng 7/2017, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm; giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội… Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với SXKD thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Về cung ứng vốn cho nền kinh tế, tín dụng 9 tháng của năm 2017 tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên. Đặc biệt, ngay từ đầu năm trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm, NHNN đã thông báo chỉ tiêu cho cá́c TCTD và xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của các TCTD; đồng thời chỉ đạo các TCTD tập trung giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực, cân đối nguồn vốn để triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao... Trao đổi bên hành lang kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, các giải pháp điều hành CSTT thời gian qua phù hợp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn ở góc độ khác, việc có ít ý kiến kiến nghị về hoạt động NH từ phía các đại biểu Quốc hội thể hiện kết quả từ việc phía ngành NH thời gian qua đã luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc, kiến nghị từ phía DN và người dân khi cán bộ NH tham gia trực tiếp cùng với đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Mặt khác việc “vắng bóng NH trên nghị trường” như một đại biểu Quốc hội chia sẻ với phóng viên cũng cho thấy sự nỗ lực từ công tác điều hành chính sách cũng như việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân và khách hàng vào hệ thống coi là “huyết mạch” của nền kinh tế.