Xin Ông cho biết, những đặc điểm khác biệt nổi bật của tổ chức BHTGVN so với các tổ chức bảo hiểm thương mại khác?
BHTGVN là tổ chức duy nhất tại Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Điểm khác biệt cơ bản so với các tổ chức bảo hiểm thương mại khác là mục tiêu hoạt động của BHTGVN không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là công cụ tài chính của Nhà nước thực hiện chính sách công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, luôn chứa đựng những rủi ro và có những rủi ro người gửi tiền không kiểm soát được. Trong nền kinh tế thị trường, lĩnh vực tài chính ngân hàng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Nhà nước cần có chính sách bảo vệ người dân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nếu để dân mất tiền gửi sẽ gây ra những tổn thất không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn gây ra bất ổn về mặt an ninh xã hội.
Xuất phát từ mục tiêu hoạt động, BHTGVN khác với tổ chức bảo hiểm thương mại khác về một số vấn đề như BHTGVN không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm (Hiện nay, Chính phủ có Nghị định riêng điều chỉnh lĩnh vực này.); có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt, nguồn vốn hoạt động, đối tượng, thủ tục, cơ chế tham gia bảo hiểm, cách thức đóng phí BHTG.
Ông có thể nói một cách khái quát nhất về chức năng đặc biệt của BHTGVN và để thực hiện chức năng đó BHTGVN cần sử dụng những công cụ gì?
BHTGVN có chức năng cơ bản là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Để thực hiện chức năng đó BHTG sử dụng các công cụ nghiệp vụ như thu phí bảo hiểm, kiểm tra giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, thực hiện hỗ trợ tài chính cho những tổ chức gặp khó khăn tạm thời về tài chính nhưng chưa đến mức đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt; chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đổ vỡ, tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG bị phá sản.
Nguồn vốn hoạt động của BHTGVN được hình thành như thế nào?
Vốn hoạt động của BHTGVN bao gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, vốn vay khi được Thủ tướng cho phép, vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước(nếu có), vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định do Nhà nước cấp(nếu có), vốn khác, các khoản chênh lệnh do đánh giá lại tài sản, các loại Quỹ (quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm, quỹ đầu tư phát triển). Quỹ dự phòng nghiệp vụ được hình thành từ nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm. Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật. Kể từ khi thành lập đến nay chênh lệnh thu chi tài chính của BHTGVN được thể hiện là năm nào thu cũng lớn hơn chi. Đến nay, Quỹ BHTG và vốn điều lệ thực cấp đạt gần 6000 tỷ đồng( trong đó vốn điều lệ thực cấp là 1000 tỷ đồng. Như vậy sau khoảng hơn 10 năm hoạt động Quỹ BHTG tăng gấp 5 lần so với vốn điều lệ thực cấp. Tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư vốn trong 10 năm qua là gần 1400 tỷ đồng góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Nguồn vốn quỹ được mở rộng tạo cơ sở cho hoạt động hỗ trợ tài chính và chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước.
Việc tham gia BHTG của các tổ chức tín dụng là tự nguyện hay bắt buộc?
Các tổ chức tín dụng, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc. BHTG là công cụ tài chính của Nhà nước để thực hiện chính sách công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nhà nước quy định việc tham gia BHTG bắt buộc nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trong nền kinh tế thị trường. Cả người dân và tổ chức tín dụng đều được hưởng lợi từ chính sách BHTG. Người dân yên tâm gửi tiền khi có tổ chức BHTG. Chính sự yên tâm đó giúp cho các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong quá trình huy động vốn. Đồng thời với chức năng giám sát, kiểm tra thường xuyên tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN cũng góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.
Vậy Xin ông có thể cho biết ai là người đóng phí BHTG ?
Mặc dù được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách BHTG nhưng người gửi tiền không phải đóng phí BHTG.Hằng năm, tổ chức tham gia BHTG phải nộp cho BHTGVN cho BHTGVN một khoản phí bằng 0,15%/năm tính trên tổng số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Nguồn phí thu được sẽ bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động BHTGVN đã thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm hay chưa?
Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2000, BHTGVN đã thực hiện chi trả cho hơn 1000 người gửi tiền tại gần 40 Quỹ tín dung Nhân dân bị đổ vỡ với số tiền gần 20 tỷ đồng. Các Quỹ tín dung bị đổ vỡ nằm rải rác trên địa bàn khắp các tỉnh và thành phố. Việc chi trả tiền gửi của BHTGVN đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn đổ vỡ dây chuyền, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, lấy lại niềm tin cho công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Giá trị đó không thể tính bằng tiền vì hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm. Có ngân hàng bị đổ vỡ đôi khi chỉ xuất phát từ tin đồn thất thiệt. Niềm tin của công chúng là yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động ngân hàng. Hơn 10 năm qua, chính sách BHTG đã phát huy tích cực trong đời sống xã hội.
Đến thời điểm này, chính sách đó có thể hiện bất cập gì thưa Ông?
Trong 10 năm qua tổ chức BHTGVN đã thực hiện tốt vai trò bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Tổ chức BHTGVN ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động, trình độ đội ngũ cán bộ ngày càng nâng lên, nguồn vốn ngày càng lớn mạnh, các hoạt động nghiệp vụ ngày càng tiệm cận với thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, chính sách đó cũng bộc lộ một số hạn chế ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức như hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm thấp, địa vị pháp lý của tổ chức BHTGVN, sự phối hợp giữa các cơ quan khác trong việc giám sát hệ thống tài chính chưa rõ ràng…
Vậy Ông có thể cho biết cách thức nào để giải bài toán đó?
Trong những năm qua, thị trường tài chính Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Quy định của pháp luật về lĩnh vực này không theo kịp diễn biến của thị trường do vậy đã tạo ra những khoảng trống pháp lý. Lĩnh vực BHTG cũng không đứng ngoài quy luật đó. Cách tốt nhất để giải bài toán đó là Quốc hội sớm ban hành Luật BHTG trong đó sẽ có những quy định để tháo gỡ những khó khăn hiện tại về chính sách và tạo điều kiện, môi trường để tổ chức BHTGVN thực hiện tốt chức năng bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn lành mạnh ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Không phải đóng phí - người gửi tiền có được bảo vệ?
 Hoạt động của tổ chức BHTGVN có gì đặc biệt so với các tổ chức bảo hiểm thương mại khác? Người gửi tiền phải làm gì để tiền gửi được bảo vệ? Ai là người đóng phí BHTG? Phí BHTG được dùng để làm gì? Tổ chức nào thay mặt người gửi tiền giám sát kiểm tra tổ chức tín dụng mà họ gửi tiền? Khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ liệu người dân có lấy lại được tiền gửi…Đó là những câu hỏi không chỉ người gửi tiền quan tâm mà thu hút sự quan tâm của công chúng. Để giải đáp những thắc mắc đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Minh Đệ- Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN.