1- Sóng gió Northern Rock
Northern Rock là ngân hàng thương mại trung bình, riêng trong lĩnh vực thế chấp nhà đất (mortgage) là ngân hàng lớn thứ 5 của Anh và có lịch sử hoạt động hơn 100 năm. Nhưng ngân hàng này đã trải qua một đợt sóng gió làm rung chuyển hệ thống tài chính ngân hàng của Anh.
Sự việc bắt đầu từ những thông tin cho rằng Northern Rock cho vay thế chấp tràn lan và đang khan hiếm tiền mặt. Hậu quả là hàng ngàn người gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Northern Rock đã xếp hàng từ sáng đến tối tại toàn bộ 76 chi nhánh của Ngân hàng này để rút ra bằng được tất cả tiền gửi của mình. Ngay lập tức trên thị trường chứng khoán giá cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 31,46% và kéo theo đồng Bảng Anh bị sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình khó khăn, Northern Rock đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bằng cách bơm tiền để ngân hàng này chi trả cho người gửi tiền. Sự hỗ trợ của NHTW Anh đã giúp Northern Rock thoát khỏi tình trạng thiếu tiền mặt, nhưng không giúp giảm số người đến rút tiền. Những phát biểu mang tính trấn an dư luận của NHTW Anh, Bộ tài chính khẳng định Northern Rock là ngân hàng an toàn, làm ăn có lãi đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Cần phải nhắc lại là trong thời gian xảy ra khủng hoảng ngân hàng Northern Rock tại Anh, nước Mỹ cũng đã phải đối mặt với một trường hợp Ngân hàng gặp khó khăn tương tự, đó là ngân hàng Countrywide. Nhưng tại Mỹ, hiện tượng người gửi tiền rút tiền hàng loạt và đổ vỡ ngân hàng không xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân mang tính bản chất lý giải cho hiện tượng trên?
2- Bắt đầu từ sự khủng hoảng niềm tin
Tại sao hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra tại Ngân hàng Northern Rock Anh nghiêm trọng hơn tại Countrywide - Mỹ?
Các chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu những khác biệt trong hệ thống quản lý ngân hàng của Mỹ và Anh, và tìm ra được một số đặc điểm khác biệt then chốt của hệ thống quản lý ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi tại hai quốc gia. Đây chính là nguyên nhân lý giải cho hiện tượng rút tiền hàng loạt tại Northern Rock mà không có tại Countrywide[1]. BHTG Mỹ hoạt động hiệu quả và người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng còn ở Anh thì ngược lại hầu như hệ thống bảo hiểm tiền gửi không phát huy tác dụng trong việc tạo niềm tin và trấn an dư luận đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Thứ nhất, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khác nhau. Tại Anh, bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả 100% cho 2000 bảng Anh đầu tiên (khoảng 4100 USD) và 90% đối với 33.000 bảng tiếp theo (khoảng 67.500). Như vậy mức chi trả này không đủ lớn để tạo niềm tin cho người gửi tiền. Trong khi đó tại Mỹ, tổ chức BHTG liên bang (FDIC) cung cấp mức bảo hiểm 100% cho tiền gửi lên tới 100.000 USD.
Thứ hai, cơ chế chi trả bảo hiểm tại Anh rất chậm so với tại Mỹ. Vấn đề quản lý ngân hàng trong mạng lưới an toàn tài chính của Anh được xây dựng trên cơ sở các luật về phá sản và mua lại, cản trở khả năng can thiệp của cơ quan giám sát và dẫn tới chậm chễ kéo dài khi giải quyết những đổ vỡ ngân hàng.
Thứ ba, mạng lưới cơ quan giám sát và bảo hiểm tiền gửi tại Anh hoạt động không thực sự hiệu quả. Trên thực tế, các cơ quan giám sát tại Anh không kiểm soát NH Northern Rock một cách chặt chẽ cũng như không can thiệp kịp thời ngay khi vấn đề nảy sinh. Cuối cùng, họ cũng không có khả năng xử lý tài sản ngân hàng bị đổ vỡ kịp thời. Nguyên nhân cơ bản là hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động giám sát, tiếp nhận xử lý, giải quyết tổ chức tài chính phá sản đã lỗi thời và không thống nhất. Hiện nay tại Anh việc ngân hàng phá sản do các luật liên quan tới phá sản điều chỉnh và quyết định bởi toà án dân sự mà không có sự phân biệt rõ ràng giữa phá sản doanh nghiệp thông thường và phá sản của tổ chức tài chính. Việc sáp nhập hay mua lại các doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán được điều chỉnh bởi Luật Mua lại Hợp nhất (take-over Code) và các quy định liên quan đến lạm dụng thị trường. Các yêu cầu tuân thủ của những văn bản pháp lý này đã làm chậm trễ việc xử lý ngân hàng, gây lãng phí và không hiệu quả.
Ngược lại, tại Mỹ, BHTG liên bang là cơ quan giám sát trong hệ thống giám sát hợp nhất quốc gia. Đồng thời, năm 1991, Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính Luật BHTG và nhấn mạnh tới quyền yêu cầu hành động chỉnh sửa tức thời (Prompt Corective Action) của BHTG Liên bang (FDIC) và trao cho cơ quan này quyền quản lý và chuyển nhượng các ngân hàng có vấn đề trước khi ngân hàng này mất khả năng thanh toán. Nếu trong trường hợp chuyển nhượng không thành công, FDIC theo quy định của pháp luật được quyền đóng cửa, bán hoặc thanh lý ngân hàng đó trước khi vốn bị thâm hụt. FDIC được phép tách bạch giữa quá trình đóng cửa pháp lý với quá trình đóng cửa thực tế và người gửi tiền được chi trả lên tới 100.000$ trong các ngày làm việc tiếp theo sau khi đóng cửa thực tế. Riêng đối với tài khoản tiết kiệm hưu trí, FDIC nâng hạn mức bảo hiểm lên tới 250.000$. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng rút tiền hàng loạt của những người gửi tiền nhỏ lẻ và người về hưu.
Đến thời điểm hiện tại, nước Anh vẫn chưa tìm được giải pháp nhằm xử lý dứt điểm cuộc khủng hoảng Ngân hàng Northern Rock và giải pháp cuối cùng đã được tính đến là quốc hữu hóa ngân hàng. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nếu giải pháp trên buộc phải thực hiện, uy tín của Chính phủ Anh sẽ bị sụt giảm và lòng tin công chúng đối với hệ thống tài chính quốc gia này sẽ bị tác động nghiêm trọng. Có thể nói, cuộc khủng hoảng Ngân hàng Northern Rock là một bài học quý đối với nhiều bên có liên quan, trong đó có hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
3- Đâu là bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Ngân hàng Northern Rock?
Bài học về xây dựng hệ thống giám sát tài chính hiệu quả và xây dựng chính sách phù hợp
Một trong những nguyên nhân đổ vỡ của Northern Rock là do các cơ quan giám sát hoạt động không hiệu quả và cơ chế hoạt động của các cơ quan giám sát Anh có một số mặt còn hạn chế . Về vấn đề này, Thống đốc ngân hàng Mervyn King tuyên bố với BBC vào ngày 06 tháng 11 là:  “ Một số quốc gia có hệ thống có thể can thiệp kịp và đưa tiền gửi của người gửi tiền nhỏ ra khỏi ngân hàng và chuyển sang tài khoản ngân hàng khác. Công cụ trên có vai trò đó quan trọng vì nếu chúng ta có quyền chuyển đổi tài khoản tiền gửi, chúng ta có thể thực hiện quyền này trước khi buộc phải thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng cho Northern Rock, bởi vì nó có thể ngăn ngừa hiện tượng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng. Ở Anh chúng ta không có và như vậy chúng ta cần có chức năng trên.
Bài học về xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi
Như trên đã phân tích, sự khủng hoảng niềm tin là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lâm nạn của Northern Rock. Và điều đó liên quan trực tiếp đến việc thiết kế mô hình hoạt động của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Một trong những tồn tại về việc thiết kế mạng an toàn tài chính quốc gia của Anh thể hiện rất rõ trong việc quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Anh
Cơ quan BHTG Anh không tham gia vào quá trình giám sát rủi ro. Theo các chuyên gia tài chính nếu không có quyền giám sát rủi ro, vai trò của Tổ chức BHTG trong việc đảm bảo an toàn hệ thống sẽ sụt giảm và những vấn đề rủi ro đạo đức có thể làm giảm động lực quản trị rủi ro của ngân hàng cũng như người gửi tiền.
Theo thông lệ quốc tế, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi sẽ phát huy được tối đa hiệu quả hoạt động nếu được thiết kế theo mô hình giảm thiểu rủi ro( risk minimizer). Theo mô hình này, Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền thực hiện việc giám sát rủi ro đối với tổ chức tín dụng từ lúc bắt đầu hoạt động và tham gia xử lý nếu xảy ra đổ vỡ. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả xã hội và nền kinh tế thông qua việc giảm chi phí cho người dân, người gửi tiền, doanh nghiệp đồng thời Chính phủ cũng không phải can thiệp trực tiếp vào việc xử lý khủng hoảng vì có cơ quan chuyên nghiệp là tổ chức bảo hiểm tiền gửi làm việc này (Vụ rút tiền hàng loạt xảy ra ở Northern Rock theo đánh giá nếu có giải pháp hữu hiệu chỉ cần khoảng 5 đến 10 tỷ USD nhưng thực tế đã cần hỗ trợ lên tới $50bn nhưng hiệu quả vẫn không thực sự rõ ràng).Vụ đổ bể đó không chỉ gây tốn kém mà còn gây ra bất ổn xã hội.
Như vậy, để đảm bảo hiệu quả, vị trí của tổ chức BHTG trong mạng an toàn tài chính quốc gia phải được quy định rõ ràng với các chức năng giám sát rủi ro, tiếp nhận xử lý, chi trả kịp thời.
Bài học về sự quản trị khủng hoảng tài chính
Để ngăn chặn và xử lý khủng hoảng, các cơ quan chức năng cần có sự phản ứng nhanh. Cũng do cơ chế ràng buộc nên phản ứng của các cơ quan liên quan chậm. Thậm chí những quy định liên quan đến cơ chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm cũng rất chậm chạm. Cơ quan quản lý ngân hàng trong mạng an toàn tài chính của Anh được xây dựng trên cơ sở các luật về phá sản và mua lại, cản trở khả năng can thiệp của cơ quan giám sát dẫn tới chậm chễ kéo dài khi giải quyết đổ vỡ.
Bài học về xây dựng cơ chế chính sách
Cơ chế chính sách của Anh liên quan đến giám sát tài chính quốc gia tỏ ra lạc hậu và không theo kịp sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng nước này. Việc xây dựng chính sách và tư duy trong việc xây dựng chính sách cần phù hợp với sự phát triển của tồn tại xã hội. Ví dụ, hệ thống BHTG của nhiều quốc gia trên thế giới đều được thiết kế theo mô hình của tổ chức giảm thiểu rủi ro hoặc theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng trong khi đó tại Anh, Â hoạt động BHTG vẫn theo mô hình chi trả (paybox). Trong điều kiện đó, vai trò của NHTW Anh xử lý nhanh vấn đề khủng hoảng cũng không rõ ràng do không đủ cơ sở pháp lý.
Việt Nam đang quá trình cải cách hệ thống tài chính ngân hàng theo hướng mở cửa và hiện đại hóa. Như vậy, những bài học về xây dựng hệ thống giám sát, hệ thống bảo hiểm tiền gửi, quản trị khủng hoảng, cơ chế chính sách rút ra từ vụ khủng hoảng Ngân hàng Northern Rock có ý nghĩa thời sự và cần nghiên cứu, học tập một cách nghiêm túc để không có một hiện tượng Northern Rock thứ hai xảy ra tại Việt Nam.
(Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ tháng 5/2008)
[1] Nghiên cứu của ông Robert A.Eisenbeis, nguyên giám đốc ban nghiên cứu tại Ngân hàng dự trữ của Atlanta và ông George G.Kaufman, Đại học Loyola Chicago