THỰC TIỄN XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã làm cho hệ thống ngân hàng nhiều nước trong khu vực lâm vào khủng hoảng nợ nần. Các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ, cơ chế thỏa thuận tự nguyện, công ty quản lý tài sản và cơ quan tái cấp vốn ngân hàng.
Kinh nghiệm của Thái Lan
Hệ thống tài chính – ngân hàng Thái Lan chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, với nợ xấu liên tục gia tăng và đạt mức cao kỷ lục 46% trên tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 1997. Nhằm củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính, Chính phủ Thái Lan thực hiện cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ vào tháng 8/1997. Chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách lĩnh vực tài chính, bao gồm: i) nâng cấp tiêu chuẩn giám sát và quản lý để củng cố các tổ chức tài chính (tháng 3/1998); ii) công bố tái cấu trúc tài chính toàn diện nhằm giải quyết những yếu kém tài chính và cung cấp nguồn lực tái cơ cấu vốn cho các tổ chức tài chính khả thi (tháng 8/1998); iii) củng cố lĩnh vực tài chính; iv) tạo điều kiện tái cấu trúc nợ doanh nghiệp; v) khuyến khích các tổ chức tài chính thành lập công ty mua bán nợ xấu (AMC) để giải quyết tài sản xấu. Cho đến nay, AMC vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả.
Cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á nghiêm trọng này, vào tháng 8/1997, Chính phủ Thái Lan đã công bố cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ cho khách hàng gửi và vay tiền ở những ngân hàng hay tổ chức tài chính bị đóng cửa nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Cơ chế bảo hiểm này được thực hiện dưới sự quản lý và hoạt động của Quỹ Phát triển các định chế tài chính (FIDF) - trực thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Nhận thấy tầm quan trọng của BHTG, góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia, Chính phủ quyết định thành lập Cơ quan Bảo vệ tiền gửi Thái Lan (DPA) vào ngày 11/8/2008 theo Luật Bảo vệ tiền gửi. DPA là một tổ chức chính phủ, hoạt động nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ. Từ khi thành lập đến ngày 10/8/2011, DPA thực hiện bảo hiểm toàn bộ đối với người gửi tiền. Từ 11/8/2011, DPA chuyển từ bảo hiểm toàn bộ sang bảo hiểm có hạn mức.
Giai đoạn |
Hạn mức BHTG |
11/8/2011 – 10/8/2015 |
50 triệu Baht |
11/8/2015 – 10/8/2016 |
25 triệu Baht |
11/8/2016 trở về sau |
1 triệu Baht |
Tái cấu trúc và hợp nhất các tổ chức tài chính
Năm 1997, Chính phủ thành lập Cơ quan tái cấu trúc khu vực tài chính (FRA), yêu cầu các tổ chức tài chính không đủ vốn phải tái cơ cấu hoặc hợp nhất với các tổ chức tài chính khác; cung cấp bảo lãnh đối với tiền gửi và các khoản tín dụng; đầu tư vào các tổ chức tài chính để ổn định hệ thống thanh toán; thanh lý tài sản của các tổ chức tài chính gặp khó khăn thông qua đấu thầu. FRA đã đóng cửa và thanh lý tài sản của 56 tổ chức ngay trong năm 1997.
Thành lập ủy ban tư vấn tái cấu trúc nợ doanh nghiệp
Tháng 6/1998, Chính phủ thành lập Ủy ban Tư vấn tái cấu trúc nợ doanh nghiệp (CDRAC) với nhiệm vụ giám sát tiến độ của quá trình tái cấu trúc nợ doanh nghiệp; xem xét và thiết lập các chính sách tái cấu trúc nợ. CDRAC đóng vai trò là tổ chức trung gian khách quan đứng ra đàm phán nợ giữa khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính để thúc đẩy tái cấu trúc nợ nhanh hơn và hiệu quả. Từ giữa năm 1998 đến tháng 9/2003, CDRAC tiếp quản 2,84 nghìn tỷ Baht nợ xấu. Đến cuối năm 2004, CDRAC đã tái cấu trúc thành công tài sản trị giá 1,40 nghìn tỷ Baht.
Thành lập các công ty mua bán nợ xấu AMC nhà nước và tư nhân
Từ năm 1998 đến 2002, các AMC được nhà nước thành lập, sở hữu, được phân quyền quản lý và được FIDF hỗ trợ nguồn lực. Tổng số có 4 AMC do nhà nước nắm giữ là BAM , PAM, SAM và Radhanasin có nhiệm vụ xử lý nợ xấu của 5 ngân hàng lớn thuộc chính phủ. Cùng với các AMC do nhà nước thành lập, các ngân hàng tư nhân cũng hình thành các AMC riêng để chuyển nợ xấu của mình sang các AMC này. Tổng số có 12 AMC tư nhân được thành lập trong giai đoạn này, gồm 10 AMC với nhiệm vụ mua nợ xấu từ các tổ chức tài chính mẹ và 2 AMC mua nợ xấu từ các tổ chức tài chính thuộc loại hình khác.
Trên thực tế, nợ xấu đã không được giải quyết thành công, với mức an toàn vốn mà các ngân hàng phải duy trì thực tế đã tăng gấp đôi; trong khi mục tiêu chính đối với các ngân hàng thuộc Chính phủ là tái cơ cấu nguồn vốn chứ không tối đa hóa giá trị hoàn lại của nợ xấu. Ngày 9/6/2001, Chính phủ thành lập Công ty quản lý tài sản Thái Lan (TAMC) với mục đích xử lý triệt để nợ xấu của tất cả các tổ chức tín dụng với số vốn ban đầu là 1 tỷ Baht. Nguồn vốn hoạt động của TAMC chủ yếu từ phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm do FIDF bảo lãnh để mua lại nợ xấu theo giá trị tài sản bảo đảm. Việc xử lý nợ xấu dựa trên nguyên tắc chia sẻ lỗ - lãi giữa TAMC và các tổ chức tín dụng bán nợ. Nếu nợ xấu có thể sinh lời thì ngân hàng bán nợ sẽ được hưởng 80% phần lợi nhuận; nếu nợ xấu gây lỗ, ngân hàng phải chịu 20% thiệt hại. TAMC được trao quyền hạn pháp lý đặc biệt để đơn phương sửa đổi các điều khoản cho vay, thực hiện chuyển đổi nợ - vốn cổ phần và tịch thu tài sản bên vay nợ mà không cần sự đồng ý của bên vay nợ hoặc tòa án. TAMC mua nợ xấu không đạt chuẩn của các tổ chức nhà nước, và tính đến hết quý 2/2003 đã xử lý được 73,46% các khoản nợ xấu này. Đến tháng 11/2004, TAMC đã xử lý 767 tỷ Baht nợ xấu (bằng hơn 98% tổng dư nợ tín dụng đã được mua lại từ các tổ chức tài chính nhà nước và tư nhân trong vòng 3 năm). Cơ chế này đã hỗ trợ việc tối đa hóa giá trị thực của nợ xấu.
Các giải pháp Thái Lan sử dụng trong xử lý nợ xấu đều đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ nợ xấu của Thái Lan đạt mức cao kỷ lục 46% trên tổng dư nợ tín dụng cuối năm 1997 đã giảm xuống gần 13% năm 2003, 10% năm 2004 và không quá 4% trong Quý 4/2011. TAMC chấm dứt hoạt động năm 2011.
Kinh nghiệm của Malaysia
Malaysia chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á: đồng Ringgit suy yếu, thị trường chứng khoán sụt giảm, nhiều công ty bị tổn thất rất lớn, lãi suất leo thang và chi phí của các khoản cho vay đô la Mỹ trở nên quá sức. Sự sụp đổ của ngành bất động sản và nợ xấu tăng cao làm trầm trọng thêm tình hình. Ngày 7/1/1998, Chính phủ Malaysia thành lập Hội đồng hành động kinh tế quốc gia (NEAC). Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiềm chế sự suy giảm nhanh chóng của nền kinh tế và góp phần ổn định hệ thống tài chính, bao gồm cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ; thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia - mua nợ xấu từ ngân hàng theo giá thị trường để khuyến khích ngân hàng tăng cho vay đối với doanh nghiệp; Công ty tái cấp vốn ngân hàng - bơm vốn vào hệ thống ngân hàng và đẩy mạnh tái cấu trúc 39 tổ chức; và thành lập Ủy ban tái cấu trúc nợ doanh nghiệp – làm trung gian giữa tổ chức tài chính và bên vay gặp khó khăn.
Cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ
Chính phủ Malaysia thực hiện chương trình bảo lãnh toàn bộ đối với tiền gửi ngân hàng vào tháng 1/1998 để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt có thể xảy ra. Tổng công ty BHTG Malaysia (MDIC) được thành lập vào ngày 1/9/2005 trên cơ sở Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2005, đóng vai trò quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia. MDIC có vai trò giám sát và hỗ trợ NHTW trong việc bình ổn hệ thống tài chính, thúc đẩy đánh giá và giám sát, quản lý rủi ro, can thiệp và xử lý đổ vỡ ngân hàng, đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của người gửi tiền. Sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, MDIC có những chính sách kịp thời nhằm trấn an và giữ vững niềm tin của người dân đối với các định chế tài chính bằng việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ lần thứ 2 từ năm 2008 - 12/2010. Đây là một quyết sách góp phần vào việc bình ổn thị trường tài chính và ngăn ngừa khủng hoảng hệ thống xảy ra. MDIC hiện bảo hiểm tiền gửi với hạn mức lên đến 250.000 Ringgit với 99% người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ.
Công ty quản lý tài sản quốc gia (Danaharta)
Mô hình Danahara là mô hình kết hợp giữa mua đứt nợ xấu, xử lý nhanh và mua lại nợ xấu và để chúng tự hồi phục theo điều kiện kinh tế. Danaharta là tổ chức thuộc Chính phủ được thành lập tháng 6/1998 theo Đạo luật 587 với chức năng xử lý nợ xấu và tối đa hóa giá trị thu hồi tài sản. Tháng 8/1998, Luật Danaharta ra đời trao cho Danaharta những đặc quyền như mua lại tài sản của các tổ chức tài chính; bổ nhiệm lãnh đạo của các tổ chức nợ; và tịch biên tài sản thế chấp. Danaharta đóng vai trò tiếp nhận nợ xấu có giá trị trên 5 triệu Ringgit ảnh hưởng đến an toàn vốn ngân hàng theo giá thị trường thông qua phát hành trái phiếu không phải trả lãi trong 5 năm do Chính phủ bảo lãnh. Trái phiếu có thể hoàn lại và trả tiền mặt cho các tổ chức tài chính có liên quan. Nguồn quỹ cần thiết để mua lại nợ xấu là 15 tỷ Ringgit, trong đó, 10 tỷ Ringgit từ phát hành trái phiếu phi lãi suất; 1,5 tỷ do Chính phủ hỗ trợ, và phần còn lại vay thị trường trong nước. Từ tháng 10/1998 đến tháng 3/2000, có 15 lượt trái phiếu được phát hành với mức lãi suất giảm dần từ 7,15%/năm xuống còn 5,17%. Danaharta huy động được 8,22 tỷ Ringgit từ trái phiếu. Tính đến 15/3/1999, Danaharta đã mua lại và quản lý 21,7 tỷ Ringgit, tương đương 20% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu của Malaysia về khoảng 8%. Danaharta chấm dứt hoạt động năm 2005.
Công ty tái cấp vốn ngân hàng (Danamodal)
Tháng 8/1998, Danamodal do NHTW Malaysia sở hữu được thành lập để tái cấp vốn thông qua việc cung cấp tài chính tạm thời cho các ngân hàng gặp khó khăn nhằm đảm bảo an toàn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp nhất các tổ chức tài chính được sáp nhập. Danamodal hoạt động dựa trên nguyên tắc thương mại và định hướng thị trường để giảm thiểu rủi ro đạo đức, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và khôi phục lại niềm tin công chúng. Các tổ chức tài chính yếu kém được tái cấu trúc và khuyến khích sáp nhập nhằm tạo thành một nhóm các ngân hàng nòng cốt vững mạnh. Các tổ chức tài chính phải nộp kế hoạch tái thiết để Danamodal xác định tổ chức tài chính yếu nào yếu kém cần tái cấp vốn hay sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Danamodal đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng (tình hình tài chính, hoạt động trong tương lai và vị thế cạnh tranh). Tổ chức tài chính được Danamodal cấp vốn đều có một đại diện trong hội đồng quản trị tạm thời là người của Danamodal và đại diện này sẽ rút lui khi tổ chức tài chính đó hoạt động ổn định. Danamodal đã bơm 6,15 tỷ Ringgit vào 10 tổ chức, gồm 7 ngân hàng thương mại và 3 công ty tài chính nhằm loại bỏ rủi ro hệ thống ngân hàng. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ngành ngân hàng tăng lên 12,7%.
Ủy ban tái cấu trúc nợ doanh nghiệp (CDRC)
CDRC được thành lập tháng 7/1998 như một biện pháp đặc biệt của Chính phủ, đóng vai trò trung gian giữa bên đi vay gặp khó khăn và tổ chức tín dụng nhằm giải quyết nợ xấu hiệu quả không qua các thủ tục pháp lý. Các công ty gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ có thể tìm trợ giúp từ CDRC. CDRC làm trung gian giữa các công ty và chủ nợ để đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ. CDRC đã xử lý thành công 57 trường hợp với tổng số nợ xấu lên đến 45,8 tỷ Ringgit, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Kinh nghiệm của Indonesia
Tại Indonesia, đồng Rupiah liên tục mất giá và chỉ số thị trường chứng khoán đều giảm xuống mức thấp lịch sử trong tháng 9/1997, làm suy yếu bảng cân đối tài sản của các công ty Indonesia, đặc biệt làm các khoản nợ ngân hàng nước ngoài tăng mạnh. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng như bảo hiểm tiền gửi toàn bộ, thành lập cơ quan tái cấu trúc ngân hàng và cơ quan tái cấu trúc nợ.
Cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ
Chính phủ ban hành cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ vào tháng 1/1998 để củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng và ngăn người dân tiếp tục rút tiền như đã xảy ra sau khi đóng cửa 16 ngân hàng trong năm 1997. Với cơ chế này, người gửi tiền ở mức nào sẽ được bảo hiểm ở mức đó. Cơ chế này đã phát huy tác dụng tốt trong việc trấn an người gửi tiền và giúp ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, gây bất ổn hệ thống. Do những bất cập song hành như rủi ro đạo đức, lơi lỏng kỷ luật thị trường và là gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cơ chế này chỉ được kéo dài trong 3 năm, sau khi niềm tin người gửi tiền tăng lên thì tỷ lệ bảo lãnh từ phía Chính phủ cũng giảm xuống. Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) được thành lập vào ngày 22/9/2005 theo Luật BHTG do Quốc hội Indonesia ban hành năm 2004 với nhiệm vụ là bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền, tham gia tăng cường ổn định hệ thống tài chính và xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Hiện nay, IDIC bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức BHTG là 2 tỷ Rupiah.
Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng (IBRA)
Ngày 26/1/1998, Chính phủ thành lập IBRA nhằm thực hiện cơ chế bảo hiểm toàn bộ, giám sát, quản lý và tái cấu trúc các ngân hàng gặp khó khăn. IBRA thực hiện tái cấu trúc ngân hàng dưới hình thức đóng cửa, tái cấp vốn, sáp nhập và mua lại; thu hồi nợ qua tái cấu trúc và bán tài sản; giám sát và bán tài sản doanh nghiệp liên quan đến tái cấu trúc ngân hàng. Cơ quan quản lý tài sản (AMU) trực thuộc IBRA được thành lập để xác định các ngân hàng không đủ điều kiện; thực hiện mua nợ xấu từ các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng đóng cửa hoặc ngân hàng tái cấu trúc và tái cấp vốn. Các ngân hàng được đánh giá và phân loại theo 3 nhóm dựa trên tỷ lệ vốn tối thiểu CAR (nhóm có CAR <-25% buộc đóng cửa; nhóm có CAR > 4% được tiếp tục hoạt động và phải tăng CAR lên 8%; nhóm có CAR từ -25% đến 4% được đưa vào chương trình tái cấp vốn để đạt mức 4% với điều kiện ngân hàng góp ít nhất 20% và Chính phủ góp 80% vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ). Tháng 5/1999, Chính phủ phát hành 158 nghìn tỷ Rupiah trái phiếu để cấp vốn cho các ngân hàng tư nhân và ngân hàng phát triển nông thôn. Chính phủ phát hành thêm 223 nghìn tỷ Rupiah trái phiếu vào cuối năm 1999 và bơm vốn cho 7 ngân hàng quốc doanh. IBRA đóng cửa ngày 30/4/2004 và đạt được những thành công nhất định. Tính đến tháng 7/2000, IBRA đã đóng cửa 65 ngân hàng tư nhân; sáp nhập 4 ngân hàng quốc doanh; tiếp quản 13 ngân hàng; tái cấp vốn 14 ngân hàng. Tính đến tháng 7/2000, IBRA trở thành chủ nợ ngân hàng lớn nhất với số tiền nợ là 281 nghìn tỷ Rupiah. Từ năm 1999-2003, IBRA bàn giao hơn 163,2 nghìn tỷ Rupiah cho nhà nước sau khi bán các ngân hàng và tài sản xấu. IBRA đã tiếp nhận tổng cộng 600 nghìn tỷ Rupiah giá trị tài sản của các ngân hàng bị phá sản hoặc yếu kém.
Cơ quan tái cấu trúc nợ (INDRA)
Sự phục hồi kinh tế và tái cấu trúc ngân hàng phụ thuộc nhiều vào tái cấu trúc nợ doanh nghiệp. Do tỷ lệ nợ nước ngoài cao, khoảng 60% tổng số nợ, Chính phủ thành lập INDRA vào tháng 7/1998 trực thuộc NHTW nhằm giúp các tổ chức phi ngân hàng giải quyết các khoản nợ nước ngoài. Sau khi các chủ nợ và khách hàng vay nợ đạt được thỏa thuận về tái cơ cấu các khoản cho vay, INDRA đóng vai trò trung gian để thực hiện thanh toán từ đồng Rupiah sang đô la Mỹ giữa người vay và chủ nợ. INDRA bảo vệ người vay trước sự mất giá của đồng rupiah qua đảm bảo giá trị tỷ giá gần với giá trị thực.
MỘT SỐ HÀM Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 tác động xấu đến hệ thống ngân hàng tại những quốc gia nói trên với tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Chính phủ các nước đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu, nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng như thực hiện cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ; bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính; thành lập công ty mua bán nợ xấu hoặc công ty quản lý tài sản; tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước là một bài học hay cho Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Tính đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng Việt Nam là 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Đây là con số chưa báo động nhưng đáng quan ngại. Việc tìm các giải pháp phù hợp để xử lý nợ xấu là rất cần thiết nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Một số biện pháp được Việt Nam thực hiện bao gồm:
- Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thực hiện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) - là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính, được thành lập năm 2003 và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự thanh tra, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), được thành lập vào 26/7/2013). Tuy nhiên, chỉ nên xem VAMC là giải pháp mang tính tạm thời và về lâu dài cần tính đến phương án cho phép các tổ chức tài chính yếu kém được phá sản nhằm đảm bảo yếu tố nguyên tắc thị trường và sự công bằng và lạnh mạnh của hệ thống.
- Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được triển khai đồng bộ với xử lý nợ xấu thông qua đánh giá các khoản nợ, mua bán nợ xấu và đóng cửa các ngân hàng yếu kém, đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng tốt cũng như thực hiện mua bán sáp nhập (M&A).
- Phát triển thị trường trái phiếu, mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ngân hàng được xem là kênh huy động vốn hữu hiệu trong thời điểm nguồn lực trong nước gặp khó khăn.
- Xây dựng mạng an toàn tài chính quốc gia có phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
- Trong quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nâng cao niềm tin công chúng là vấn đề hết sức quan trọng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Với kinh nghiệm của các nước ở châu Á trong xử lý nợ xấu và những hàm ý nêu trên, hy vọng Việt Nam sẽ đưa ra cho mình giải pháp phù hợp để giải quyết nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- Bank restructruring in South-East Aisa – John Hawkins
- Resolution of Non-Performing Loans in China – Min Xu
- Experience of Asian Asset Management Companies: Do They Increase Moral Hazard? - Evidence from Thailand - Akiko Terada - Hagiwara and Gloria Pasadilla
- Restructuring: The Way Forward – International Law Office
- Restructuring The Banking Sector: Role of Danaharta and Danamodal – Rahimah Majid
- Corporate Debt Restructuring in East – Asia: Some Lessons from International Experience – Mark R.Stone
- Banking Industry During the Economic Crisis: The Survival of Non-Japanese Foreign Banks in Indonesia – CSIS Working Paper Series
- Financial Market Reform: Some Lessons from East Asia – Melanie S. Milo
- www.cdrc.my;