Trong gần 15 năm qua, Chi nhánh luôn chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng của hệ thống QTDND, kịp thời báo cáo hoặc kiến nghị NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo xử lý, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn hiệu quả, bảo vệ tôt quyền lợi của người gửi tiền trên địa bàn quản lý, duy trì sự ổn định, phát triển của hệ thống các tổ chức tham gia BHTG.
Hoạt động kiểm tra tại Chi nhánh trong giai đoạn từ năm 2002-2012 được thực hiện trên cơ sở pháp lý là Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về BHTG; Nghị định 109/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/8/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP. Theo đó, nội dung kiểm tra của BHTGVN gồm: (1) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG; (2) Kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Giai đoạn này, Chi nhánh đã thực hiện 567 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG là QTDND trên địa bàn, hàng năm kiểm tra khoảng 52 đơn vị. Theo kết quả kiểm tra, phát hiện 217 đơn vị có chênh lệch thừa, thiếu phí BHTG; 201 đơn vị vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; 11 đơn vị vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả; 30 đơn vị vi phạm về giới hạn cho vay một khách hàng; 21 đơn vị vi phạm giới hạn đầu tư vào tài sản cố định; 134 đơn vị vi phạm quy định về phân loại nợ để tính và trích lập dự phòng rủi ro, từ đó giúp đơn vị hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về BHTG cũng như đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đưa ra những kiến nghị để tổ chức tham gia BHTG có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Từ năm 2013, hoạt động kiểm tra của BHTGVN được căn cứ theo Luật BHTG số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012. Giai đoạn này, Chi nhánh không kiểm tra an toàn trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng mà chỉ tập trung kiểm tra việc thực hiện qui định của pháp luật về BHTG và kiểm tra việc tính, nộp phí BHTG của tổ chức tham gia BHTG. Quy định này giúp rút ngắn thời gian kiểm tra đối với một QTDND; đồng thời mở rộng quy mô kiểm tra các QTDND, tạo điều kiện cho việc nắm bắt tình hình hoạt động thực tế của các QTDND trên địa bàn.
Theo đó, từ năm 2013 đến hết quý 1/2016, Chi nhánh thực hiện kiểm tra tổng số 272 QTDND trên địa bàn quản lý, trung bình hằng năm kiểm tra 84 đơn vị (tăng trung bình 32 đơn vị/năm so với giai đoạn trước khi có Luật BHTG). Kết quả kiểm tra 2013-2015 phát hiện 92 đơn vị có chênh lệch về phí BHTG, do xác định chưa chính xác số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm (nguyên nhân chủ yếu do đơn vị loại trừ chưa chính xác tiền gửi của cá nhân là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc QTDND theo quy định của Luật BHTG; tính sai số dư bình quân, sai số phí BHTG phải nộp …) dẫn đến những sai lệch thừa, thiếu trong tính và nộp phí BHTG.
Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, Chi nhánh phát hiện còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo cho BHTGVN theo quy định, chưa thực hiện niêm yết Chứng nhận BHTG tại các phòng giao dịch thành lập mới, chưa bổ sung kịp thời những thay đổi trong hồ sơ pháp lý đăng ký tham gia BHTG theo quy định…,từ đó yêu cầu đơn vị chấp hành đúng các quy định về BHTG và bổ sung kịp thời cho Chi nhánh.
Để có được những kết quả trong hoạt động kiểm tra tại Chi nhánh trong 15 năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của BHTGVN và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra, Chi nhánh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với NHNN các tỉnh, thành phố trên địa bàn quản lý ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra đến khi báo cáo, xử lý kết quả kiểm tra. Để đảm bảo tránh chồng chéo giữa hoạt động kiểm tra của BHTG với hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN, ngay từ đầu năm Chi nhánh chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp và trực tiếp làm việc với các chi nhánh NHNN trên địa bàn thống nhất kế hoạch kiểm tra nhằm triển khai thực hiện cho phù hợp, đồng thời cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch khi NHNN đã triển khai thanh tra đột xuất.
Sau mỗi đợt kiểm tra, Chi nhánh đều có tổng hợp kết quả kiểm tra gửi chi nhánh NHNN để báo cáo tình hình, kiến nghị chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố chỉ đạo chỉnh sửa kịp thời các sai phạm phát hiện trong kiểm tra, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả. Với những vấn đề nổi cộm được phát hiện và những đơn vị có mức độ rủi ro hoạt động cao, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với chi nhánh NHNN nắm tình hình, khắc phục tồn tại trong hoạt động của đơn vị và chủ động lên phương án xử lý khi cần thiết. Vì vậy, hoạt động kiểm tra của Chi nhánh đóng vai trò là một kênh quan trọng phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính – ngân hàng trên địa bàn quản lý, đồng thời góp phần cùng NHNN Chi nhánh các tỉnh thành phố tăng cường pháp chế của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm sau mỗi đợt kiểm tra của cán bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra.
Từ những ngày đầu thành lập, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nghiệp vụ lại mới, đội ngũ cán bộ còn nhiều bỡ ngỡ, còn thiếu và chưa có kinh nghiệm, cơ sở pháp lý cũng như hệ thống các văn bản về công tác kiểm tra chưa đầy đủ... nhưng Chi nhánh đã không ngừng nâng cao năng lực thu thập hệ thống các văn bản về kiểm tra cũng như chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện công tác này.
Để tăng cường kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, Chi nhánh thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ nhằm quán triệt về nội dung, phương pháp, quy trình, quy chế kiểm tra của BHTGVN, cập nhật những thay đổi của văn bản liên quan đến hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, để cùng thảo luận thống nhất quan điểm trong các đoàn kiểm tra. Ngoài ra, Chi nhánh cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo của BHTGVN cũng như khuyến khích cán bộ tự đào tạo, đến nay 100% cán bộ nghiệp vụ tại Chi nhánh có trình độ đại học chuyên ngành tài chính – ngân hàng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của hoạt động kiểm tra tại Chi nhánh.
Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phối hợp hiệu quả giữa hoạt động giám sát và kiểm tra phù hợp với từng giai đoạn của chính sách BHTG.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra luôn được Chi nhánh quan tâm, yêu cầu từng cán bộ kiểm tra, đoàn kiểm tra phải thực hiện: Sau giai đoạn đầu kiểm tra tuân thủ đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG (kiểm tra lần đầu), giai đoạn từ năm 2007 - 2012, BHTGVN thực hiện chuyển từ kiểm tra tuân thủ sang kiểm tra an toàn đối với các tổ chức tham gia BHTG. Trên cơ sở những cảnh báo của hoạt động giám sát từ xa, kế hoạch và nội dung kiểm tra được xây dựng linh hoạt, chuyên sâu nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm quy định về BHTG, về đảm bảo an toàn trong hoạt động của các đơn vị; đánh giá được thực trạng hoạt động, những rủi ro hiện tại và tiềm ẩn của đơn vị. Qua những phân tích đánh giá của đoàn kiểm tra, các QTDND nhìn nhận đúng những thiếu sót trong hoạt động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng; Sau khi Luật BHTG có hiệu lực, BHTGVN chỉ kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG trong đó trọng tâm là kiểm tra việc tính và nộp phí BHTG, do vậy, Chi nhánh luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng Kiểm tra và phòng Giám sát để chia sẻ, cung cấp thông tin về số liệu tiền gửi phục vụ cho kiểm tra (số liệu về tiền gửi trên bảng cân đối tài khoản định kỳ tháng, số liệu thống kê tiền gửi nếu có; số liệu trên bảng kê tính phí…), nhờ đó cán bộ kiểm tra có nhiều thời gian kiểm tra các nội dung liên quan đến hồ sơ, chứng từ chi tiết về tiền gửi, thực hiện loại trừ các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hiểm tiền gửi, qua đó xác định chính xác số phí BHTG phải nộp của đơn vị, đồng thời hướng dẫn đơn vị xác định đúng tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, tiền gửi không thuộc đối tượng bảo hiểm để tính phí theo đúng quy định của Luật BHTG.
Bốn là, chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được kiểm tra để đảm bảo thuận lợi trong công tác kiểm tra.
Để kế hoạch kiểm tra tiến hành được thuận lợi, đúng tiến độ, Chi nhánh luôn có sự chủ động liên hệ trực tiếp với đơn vị được kiểm tra để xác nhận thông tin đối với đơn vị trước khi ra quyết định kiểm tra, hạn chế tối đa những phiền hà không đáng có cho đơn vị. Chính vì vậy, với số lượng cuộc kiểm tra rất lớn, song hầu hết các đoàn kiểm tra của Chi nhánh đều nhận được sự đồng thuận và phối hợp cao của các đơn vị được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được đơn vị ghi nhận và tiếp thu chỉnh sửa. Thông qua kiểm tra trực tiếp tại QTDND, đoàn kiểm tra cũng nắm bắt được những mong muốn của tổ chức tham gia BHTG về những thay đổi trong chính sách BHTG hiện nay như nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, thay đổi chính sách phí BHTG có tính đến yếu tố đặc thù của hệ thống QTDND, và mong muốn có sự hỗ trợ kịp thời của BHTGVN đối với những đơn vị có sự khó khăn tạm thời về thanh khoản…, từ đó phát huy hiệu quả chính sách BHTG.
Từ thực tiễn nói trên, để hoạt động kiểm tra tại Chi nhánh cũng như của toàn hệ thống BHTGVN trong thời gian tới được triển khai hiệu quả hơn, xin có một số kiến nghị, đề xuất sau:
- Hiện nay các văn bản hướng dẫn kiểm tra bao gồm: Hướng dẫn số 255/HD-BHTG10 ngày 16/5/2007 của Tổng giám đốc BHTGVN về Hướng dẫn kiểm tra QTDND cơ sở; Hướng dẫn số 234/HD-BHTG114 ngày 18/6/2008 về việc sửa đổi, bổ sung văn bản số 255/HD-BHTG10 ngày 16/5/2007; Hướng dẫn 353/HD-BHTG 113 ngày 08/6/2015 của Tổng giám đốc về Hướng dẫn kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm tại QTDND; Quyết định số 59/QĐ-BHTG10 ngày 31/03/2004 của Tổng giám đốc BHTGVN về việc ban hành Quy chế hoạt động Đoàn kiểm tra tại tổ chức tham gia BHTG chưa được thay thế đồng bộ trên cơ sở Quy chế kiểm tra mới. Vì vậy, đề nghị BHTGVN sớm ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động kiểm tra đồng bộ và phù hợp với các quy định tại Quy chế kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của Chủ tịch HĐQT BHTGVN.
- Sớm trình NHNN, Chính phủ nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nghiên cứu khung phí BHTG khi triển khai hệ thống tính và thu phí trên cơ sở rủi ro có tính đến đặc thù hoạt động của hệ thống QTDND, đáp ứng phần nào những mong mỏi, đề xuất, kiến nghị của nhiều QTDND.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012;
- Các Nghị định, Thông tư của Chính phủ về BHTG;
- Tài liệu báo cáo kiểm tra các năm tại Chi nhánh khu vực Đông Bắc Bộ;
- Thông tin trên các website: www.sbv.gov.vn; www.vnba.org.vn; www. div.gov.vn.
Phòng Tổng hợp
(Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ)
(Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ)