Không nên có sự can thiệp nào về hành chính tạo sức ép giảm lãi suất mà để tự thị trường điều chỉnh nếu không sẽ gây méo hoạt động của thị trường. Lãi suất là giá cả hàng hóa và được quyết định theo cung - cầu thị trường. 
Trung tuần tháng 10, lãi suất liên NH có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất trên thị trường 1 của các NH cũng đang duy trì ở mức ổn định. Diễn biến tích cực trên thị trường tiền tệ có thể do hiệu ứng từ quyết định của Chính phủ về việc ủng hộ sự kiên định trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế theo hướng không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Sức ép tăng trưởng tín dụng giảm đồng nghĩa với việc cung vốn không bị áp lực lớn, liệu các NH có điều kiện để giảm lãi suất huy động, từ đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm như Chính phủ đưa ra?
Tham vấn các chuyên gia cũng như lãnh đạo các NH, họ cho rằng, việc giảm dần sức ép giúp các NH có thêm không gian để giữ ổn định lãi suất. Thống kê cho thấy lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng trong tháng 9/2017 đã tăng 0,03%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,02% so với tháng 8/2017. Trong đợt tăng lãi suất này không chỉ có các NHTMCP quy mô nhỏ mà còn có sự tham gia của các NH lớn. Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay của NH vẫn duy trì ổn định sau đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN cho thấy nỗ lực của các NH rất lớn. TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, thời điểm này khi mục tiêu tăng trưởng GDP trong tầm tay, tín dụng không phải tăng cao thì không cần thiết phải giảm mặt bằng lãi suất.
Một chỉ số được nhắc đến nhiều khi phân tích xu hướng lãi suất đó là lạm phát. Từ tháng 7 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã có ba tháng tăng liên tiếp với tốc độ khá nhanh. Mà người gửi tiền thường nhìn vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát kỳ vọng để tính toán xem gửi NH có lợi hay không. Mặt khác, cuối năm, cầu vốn luôn tăng, vì thế các NH phải đảm bảo vốn huy động dư dả hơn để đáp ứng, cũng như phòng thủ thanh khoản cho mình. Theo đó, các NH khó có thể thực hiện giảm lãi suất huy động. Rõ ràng trong tình hình lãi suất huy động không giảm được thì rất khó để NH giảm lãi suất cho vay.
Trong báo cáo của một số tổ chức quốc tế gần đây khuyến nghị Việt Nam nên thận trọng trong chính sách lãi suất, tín dụng tránh tạo áp lực tăng nhanh lạm phát trong năm tới. “Đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức cao có thể kéo theo hệ quả lạm phát tăng nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo, tất yếu sẽ gây áp lực lên lãi suất. Rủi ro nữa là nợ xấu nếu các khoản tín dụng mới không được kiểm soát tốt”, TS. Võ Trí Thành cảnh báo.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như điều chỉnh các loại giá như giá điện, giá thực phẩm… nhất là những ảnh hưởng từ mưa lũ và bão quét trong tháng vừa qua tại một số tỉnh gây thiệt hại nặng nề, thì dự báo chỉ số giá lương thực, thực phẩm và xây dựng có thể tiếp tục tăng. Ở bên ngoài, giá dầu thế giới được dự báo có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.
Mặc dù ủng hộ chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ DN, nền kinh tế nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý không nhất thiết phải giúp bằng cách giảm lãi suất vì có khi cách này còn gây hiệu ứng ngược. Vì nếu DN “ham” vốn giá rẻ mà không sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích sẽ gây hại cho cả NH và DN. Mặt khác, TS. Hiếu cũng khá lo ngại việc đặt ra nhiều nhiệm vụ cho một cơ quan thì khó có thể đáp ứng hết được yêu cầu.
Đơn cử như Chính phủ vẫn phải tăng phát hành TPCP với mức lãi suất tốt mới có thể huy động thành công vốn bù đắp ngân sách. Lãi suất TPCP vẫn còn ở mức cao trong khi đây lại là mức lãi suất tham chiếu cho mặt bằng lãi suất NH. Trong mâu thuẫn này, rất khó cho NHNN.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời gian qua NHNN đã phải làm rất nhiều việc từ cân đối nguồn vốn cho nền kinh tế, thực hiện các gói hỗ trợ, cải tổ hệ thống, khả năng có được kéo giãn thời gian sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn còn bỏ ngỏ… Khó khăn như vậy, nhưng các NH đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,9%/năm của quý II/2017 xuống còn 6 - 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,5-1%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thậm chí lãi suất cho vay trung, dài hạn các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9-10%/năm xuống còn 8%/năm.
“Không nên có sự can thiệp nào về hành chính tạo sức ép giảm lãi suất mà để tự thị trường điều chỉnh nếu không sẽ gây méo hoạt động của thị trường. Lãi suất là giá cả hàng hóa và được quyết định theo cung - cầu thị trường. Theo tôi, nên để mức giảm lãi suất như thời gian vừa qua là phù hợp và tiếp tục duy trì như hiện nay”, TS. Thành bày tỏ quan điểm.