Tháng 1 là tháng trước Tết Nguyên đán, là thời điểm mà lượng tiền lưu chuyển trong hệ thống ngân hàng cũng như giữa các ngân hàng với nền kinh tế có thể xem là lớn nhất trong năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp cũng như cá nhân phải thực hiện tất toán những khoản nợ trong năm, người lao động sẽ nhận được tiền lương và thưởng Tết, người dân có nhu cầu rút tiền nhiều để chi tiêu trong dịp Tết... Do vậy, đã thành chu kỳ, tháng sát Tết hàng năm là lúc các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh lãi suất để thu hút nguồn tiền, giữ chân khách hàng.
Khảo sát số liệu từ 18 ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng có quy mô lớn, vừa và nhỏ, các ngân hàng cổ phần và các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài, cho thấy, lãi suất huy động của các ngân hàng đến nay có xu hướng: các ngân hàng có quy mô lớn áp dụng mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ; lãi suất huy động bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt từ kỳ hạn 6 tháng; các ngân hàng Việt Nam có lãi suất huy động cao hơn ngân hàng nước ngoài.
Tại kỳ hạn 3 tháng, do bị điều chỉnh bởi giới hạn trần lãi suất 5% của NHNN nên lãi suất kỳ hạn này ở các ngân hàng không có sự chênh lệch đáng kể. Các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng nằm trong khoảng từ 4-5%. Trong đó, các ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, Techcombank có lãi suất dưới 5%, các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn đều có lãi suất bằng 5%, bằng với mức trần của NHNN. Các ngân hàng thương mại nước ngoài có mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng dưới 4%.
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bắt đầu có những khoảng cách lớn tại kỳ hạn 6 tháng, nằm trong khoảng từ 5,3% đến 7,9%. Các ngân hàng nằm trong top 4 về quy mô đều có mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 5,3%, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn. Các ngân hàng thương mại nước ngoài tiếp tục là những ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp dưới 5%.
Đến kỳ hạn 12 tháng, khoảng cách lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam đã được thu hẹp so với kỳ hạn 6 tháng, nằm trong khoảng từ 6,3% đến 7,98%. Các ngân hàng big four tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất gần như thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam. Các ngân hàng thương mại nước ngoài vẫn có mức lãi suất thấp nhất hệ thống, từ 5,3% trở xuống.
Tại kỳ hạn 36 tháng, khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam đã được nới ra một chút so với kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng có lãi suất huy động nằm trong mức từ 7,4% đến 7,6%. “Big four” Việt Nam vẫn giữ nguyên mức lãi suất như kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng thương mại nước ngoài có tăng lãi suất lên một chút nhưng vẫn ở mức thấp nhất hệ thống.
Mặc dù lãi suất tại các kỳ hạn là cao nhưng theo số liệu lãi suất công bố trên website của các ngân hàng được khảo sát đều tuân thủ đúng giới hạn trần lãi suất huy động của NHNN.
Mặt khác, theo quy định mới của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN ban hành ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi chánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 22/2019/TT-NHNN), các tổ chức này phải giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung dài hạn, tức là phải tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn để đảm bảo hoạt động tín dụng không bị giảm sút. Do vậy, từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất huy động của các ngân hàng có sự gia tăng so với các kỳ hạn dưới 6 tháng để thu hút nguồn tiền gửi trung dài hạn.
Nhìn chung, tình hình lãi suất huy động tháng 01/2020 đã phản ánh được quan hệ cung cầu vốn trên thị trường ở thời điểm trước Tết Nguyên đán, đồng thời cũng phản ánh được tác động của các chính sách liên quan như quy định giảm trần lãi suất huy động (Quyết định 2415/QĐ-NHNN), quy định giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019/TT-NHNN)…
Nhóm “Big four ngân hàng” có vốn góp của Nhà nước vẫn giữ được mức lãi suất huy động thấp trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam. Với chức năng định hướng thị trường, các ngân hàng này sẽ góp phần kiềm chế việc tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tư nhân, hỗ trợ ổn định lãi suất cho vay trên thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi diễn biến của thị trường để tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Hoàng Ánh Ngọc
Tào Hà Quyên