Chọn vay theo gói nhỏ
Dù đặt ra một số điều kiện để được tham gia vay gói ưu đãi giảm 0,1% lãi suất vay theo biểu mẫu hiện hành nhưng chương trình của Agribank vừa triển khai khiến nhiều khách hàng hài lòng. Theo như chia sẻ của chị Phương M. (Củ Chi), điều kiện vay của Agribank đưa ra không quá khó. Chỉ là người vay phải là khách hàng cũ (có mối quan hệ tối thiểu 12 tháng với ngân hàng), có lịch sử tín dụng tốt và đáp ứng đủ điều kiện mà NHNN ban hành là được vay. “Với những điều kiện nêu trên, bản thân những người vay cũ đã có mối quan hệ với ngân hàng gần như được tái ký với gói vốn giá rẻ”, chị Phương M. bày tỏ.
Nhiều ngân hàng đang dành gói vay vốn giá rẻ |
Cũng nằm trong khối NHNN, người vay có thể tìm đến gói tín dụng 20.000 tỷ đồng mà BIDV triển khai. Với gói tín dụng này, người vay được ưu đãi lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có thời hạn đến 5 tháng và từ 7,2%/năm đối với các khoản vay trên 5 tháng đến 11 tháng.
Thực ra, không chỉ NHTMCP nhà nước có chính sách giảm lãi suất ưu đãi mà các NHTMCP cũng đang đồng loạt triển khai gói vay ưu đãi lãi suất để thu hút người vay. Chẳng hạn như SeABank cũng dành 1.500 tỷ đồng cho DN vay với mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm cố định trong 3 tháng, từ 8%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD. HDBank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cố định trong 3 tháng đầu, hoặc lãi suất 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. BacABank có gói 1.000 tỷ đồng cho vay lưu động nhân rộng sản xuất với lãi suất chỉ 6,9%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8,9%/năm trong 6 tháng đầu…
Thế nên, không có lý do gì mà người vay không tìm hiểu tại tất cả các ngân hàng để tìm kiếm những gói vay lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các DN kinh doanh ở lĩnh vực không ưu tiên. Bởi hiện nay, các ngân hàng đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình ưu đãi vay vốn, giúp người đi vay tiếp cận được vốn lãi suất rẻ hơn. Các khoản vay này dù hạn chế nhưng cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của người vay.
Cơ hội kinh doanh đang tốt hơn
Nếu xét theo giá trị gói vay thông thường thì người vay gói ưu đãi đang được giảm khá nhiều lãi suất. Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, các gói vay ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn mà ngân hàng triển khai chỉ ở tầm 5-6%/năm.
Theo đánh giá một lãnh đạo ngân hàng, lãi suất cho vay trong thời gian tới có cửa giảm thêm vì từ đầu năm 2018 đến nay, xu hướng cạnh tranh huy động tại các ngân hàng đã diễn ra sôi động. Có nhiều người đánh giá việc cạnh tranh huy động sẽ khiến lãi suất huy động bị đẩy lên, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Hơn nữa, các TCTD vẫn đang tiếp tục xu hướng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu với lãi suất cao, nhằm tăng vốn cấp 2 và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động. Điều này khiến khả năng hạ lãi suất cho vay bị hẹp lại.
Tuy nhiên, đây chỉ là những suy luận của thị trường. Trong khi thực tế, những con số thống kê mà NHNN đưa ra trong 2 tháng đầu năm lãi suất huy động không tăng. Thế nên, lãi suất cho vay cũng không có nhiều dư địa để tăng, đặc biệt là thời điểm này.
Nhận xét về xu thế lãi suất cho vay, trong hội thảo về kinh tế gần đây do Thời Báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Trần Du Lịch cho biết NHNN đã xác định giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng. Việc giảm các lãi suất căn cứ trên các điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Đây là động thái nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Giảm lãi suất là cơ sở quan trọng để giảm cho vay, cùng với nhiều biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Thế nhưng để giảm ngay thì khó, các ngân hàng chỉ có thể giảm từ từ theo gói tín dụng hoặc dành cho các khách hàng tốt.
“Nhìn chung, năm 2017 đã giảm lãi suất được 1 mức độ, năm 2018 cho dù không giảm được nhưng nếu giữ được như cuối 2017 là tín hiệu tốt đối với DN. Có một điểm tích cực nữa là tỷ giá không có cơ sở biến động, không có biến động tỷ giá, DN có thể yên tâm kinh doanh”, ông Lịch nói thêm.
Cũng theo ông Lịch, ở phía khách hàng, tiếp cận được gói lãi suất giảm và tiếp cận như thế nào mới là điều quan trọng. Theo đó, bản thân DN cần chứng minh được sự tin cậy của mình trong mắt các tổ chức tài chính để nhận được gói vay lãi suất thấp.
Còn theo ông Vũ Viết Ngoạn, năm nay điều kiện để giảm lãi suất cho vay so với năm 2017 khó khăn hơn nhưng nếu quyết tâm sẽ xử lý được. Theo đó, DN vẫn có nhiều cơ hội để kinh doanh, để tiếp cận dòng vốn giá rẻ vì các ngân hàng cũng đang nỗ lực để hỗ trợ DN kinh doanh. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB khuyên rằng, người vay nên nhanh chóng tiếp cận các ngân hàng uy tín để được tư vấn về gói vay ưu đãi lãi suất để kinh doanh.