Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng thay cho hạn mức 75 triệu đồng áp dụng từ năm 2017 đến nay. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hạn mức mới dự kiến có thể bảo vệ toàn bộ được 90,94% người gửi tiền. Hạn mức này được cho tiến gần hơn với thông lệ quốc tế; đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tế hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam.
Hạn mức BHTG hợp lý bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, một hạn mức BHTG hợp lý sẽ bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.
“Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) đã khuyến nghị, hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ toàn bộ được 90% - 95% người gửi tiền. Tuy nhiên, với hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện hành, tỷ lệ này của Việt Nam mới đang chỉ đạt khoảng 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, tiền gửi là yếu tố quan trọng đảm bảo sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hoạt động ngân hàng. Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo hiểm phù hợp cho tiền gửi sẽ giúp tạo thêm lòng tin cho người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
“Với hạn mức 75 triệu đồng, tôi cho rằng còn thấp so với thông lệ quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc nâng hạn mức này lên một chừng mực nhất định để đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền” - ông Lực đưa ra quan điểm.
Xét về quy mô tiền gửi của người dân tại các TCTD, nhiều lãnh đạo quỹ tín dụng nhân dân cho biết, hiện nay nhiều khách hàng có số tiền gửi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng trở lên, bởi vậy cần nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để tăng niềm tin của người gửi tiền đối với TCTD.
Đánh giá về hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện hành, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hạn mức BHTG thấp so với mặt bằng chung của tiền gửi dân cư có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyên truyền, vận động người dân khi xử lí các biến cố trong hoạt động ngân hàng, từ đó làm suy giảm niềm tin của người người gửi tiền vào hoạt động của các TCTD. Do đó, việc xem xét nâng cao hạn mức BHTG là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Công Thành - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre cũng đề xuất cần nghiên cứu để tăng hạn mức BHTG phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân của người dân cũng như tốc độ tăng của quy mô tiền gửi tiết kiệm.
Là người gửi tiền lâu năm tại một QTDND trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, bà Nguyễn Thị Phương bày tỏ mong muốn, nếu BHTGVN xem xét, trình Chính phủ, NHNN nâng hạn mức BHTG thay vì 75 triệu đồng như hiện nay thì những người gửi tiền nhiều năm như bà sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền vào QTDND.
Tăng hạn mức BHTG - tăng niềm tin của người gửi tiền
Để BHTG ngày càng phát huy vai trò là “công cụ an dân” của Chính phủ, NHNN, góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc nâng hạn mức BHTG là yêu cầu cần thiết.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, với hạn mức BHTG 125 triệu đồng sẽ gấp 2 lần GDP bình quân đầu người (năm 2020), đồng thời tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ sẽ ở mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.
Bên cạnh đó, với hạn mức BHTG 125 triệu đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN vẫn có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% người gửi tiền tại QTDND. “Hạn mức này cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD tại Việt Nam” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Nhận định về phương án hạn mức BHTG 125 triệu đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, hạn mức này cơ bản phù hợp với mức gia tăng thu nhập của hầu hết người gửi tiền, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Đồng thời, phù hợp với tốc độ tăng khá nhanh tổng tài sản của các TCTD, đặc biệt là rủi ro có thể có về nợ xấu trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Nhất trí với việc nâng hạn mức BHTG, ông Tô Duy Lâm - Nguyên Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM đánh giá, hạn mức BHTG mới 125 triệu đồng khi có hiệu lực sẽ góp phần tích cực trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG, từ đó càng góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền vào vai trò của tổ chức BHTG cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng; giúp thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào các TCTD.
Theo ông Ninh Quốc Chính - Giám đốc QTDND Bảo Tín, TP. Hà Giang, người dân trên địa bàn chủ yếu là tiểu thương, hoạt động đa ngành nghề với mức thu nhập khá dư dả. Theo thống kê tại quỹ, số tài khoản tiền gửi có số dư trên 75 triệu đồng hiện chiếm khoảng 70%. Như vậy, nếu xét trên mặt bằng chung, hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng có thể bảo vệ toàn bộ cho hầu hết người gửi tiền tại QTDND, từ đó giúp củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của Quỹ.
“Được biết, hạn mức BHTG 125 triệu đồng đang được xem xét phê duyệt. Tôi cho rằng, mức này cũng phù hợp với nguyện vọng của phần đông những người gửi tiền nhỏ lẻ như tôi. Qua đây, chúng tôi càng yên tâm khi gửi những đồng tiết kiệm đã tích cóp nhiều năm vào QTDND” - bà Nguyễn Thị Phương - Người gửi tiền tại Hưng Yên bày tỏ tin tưởng.
Có thể nói, chủ trương tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng là một bước tiến trong việc bảo vệ ngưởi gửi tiền cũng như gần hơn với thông lệ quốc tế về BHTG và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Với hạn mức BHTG mới, niềm tin của người gửi tiền sẽ ngày càng được củng cố, giúp thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các TCTD nhiều hơn, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động bất lợi tới nền kinh tế.