Ông có thể đánh giá về pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính- tín dụng-ngân hàng?
Thị trường tài chính quốc tế và trong nước hiện nay luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân luôn phải đối mặt với rủi ro. Quản trị và kiểm soát rủi ro là một trong những khâu quan trọng để ổn định thị trường. Để làm được điều đó đòi hỏi cần có một hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính ngân hàng phù hợp với nhiều kịch bản của thị trường.Trong những năm gần đây, hệ thống pháp luật về tài chính ngân hàng đã không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là việc ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan, hệ thống này vẫn còn những khiếm khuyết, thiếu đồng bộ như chưa có Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền đầy đủ hơn, ảnh hưởng đến niềm tin công chúng đối với hệ thống tín dụng-ngân hàng; những quy định về xử lý đổ vỡ ngân hàng còn nhiều bất cập….
Thưa Ông trên thực tế nhiều người cũng cho rằng, Nhà nước sẽ không để cho ngân hàng đổ vỡ, do đó họ cũng không quan tâm nhiều đến chính sách BHTG, quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?
Quan niệm như vậy là rất nguy hiểm và phi thị trường. Tôi nói là nguy hiểm bởi như vậy họ sẽ xem thường rủi ro, lơ là với rủi ro, và không có kịch bản để đối phó với rủi ro. Nếu có đổ vỡ sẽ không đủ sức mạnh về pháp lý và kinh tế để ngăn ngừa và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, sự đổ vỡ của những tổ chức tín dụng yếu kém là điều khó tránh khỏi Xã hội phải chấp nhận quy luật đó. Nhà nước không thể đứng ra “bao cấp” việc làm ăn thua lỗ của các tổ chức tín dụng bằng tiền thuế của dân, mà chủ yếu phải tạo ra khung pháp lý đảm bảo sự minh bạch thị trường tài chính, tính an toàn của hệ thống. Hơn 100 nước trên thế giới đang sử dụng định chế BHTG để làm điều này. Thị trường cần một tổ chức chuyên nghiệp đó là tổ chức BHTG để bảo vệ người gửi tiền trước rủi ro và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý đổ vỡ ngân hàng không bằng tiền ngân sách, tạo niềm tin cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ông có thể đánh giá khái quát nhất những ưu điểm của chính sách BHTG hiện hành?
Qua thực tiễn triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua, tuy còn khá khiêm tốn về mức bảo hiểm, nhưng tổ chức BHTGVN đã thực hiện tốt vai trò bảo vệ người gửi tiền, góp phần nâng cao tính trách nhiệm và sự minh bạch của hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin công chúng, ngăn ngừa đổ vỡ dây chuyền. Tuy còn non trẻ, nhưng tổ chức BHTG đã có nhiều nỗ lực, hoạt động có hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định cơ chế bảo hiểm tiền gửi bắt buộc, mô hình tổ chức BHTG theo mô hình giảm thiểu rủi ro bằng việc trao quyền cho tổ chức BHTGVN thực hiện nhiều chức năng đối với tổ chức tín dụng theo vòng đời từ khi cấp phép đến khi chấm dứt hoạt động như cấp giấy chứng nhận BHTG, kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn, chi trả tiền gửi được bảo hiểm…
Theo Ông đâu là những bất cập lớn nhất về chính sách BHTG hiện nay?
Trong hơn 10 năm qua, việc triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi đã mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên chính sách đó đã bộc lộ một số bất cấp như hạn mức chi trả tiền gửi quá thấp, phí bảo hiểm tiền gửi được áp dụng theo cơ chế đồng hạng không đảm bảo yếu tố thị trường và công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG; quy định liên quan đến địa vị pháp lý, mô hình của tổ chức BHTGVN chưa đầy đủ; quy định về cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính chưa rõ ràng minh bạch, vai trò của tổ chức BHTGVN trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của thị trường tài chính Việt Nam.
Những yêu cầu và nội dung lớn trong Luật BHTG là gì?
Để đảm bảo chất lượng của Luật BHTG, Ban soạn thảo cần tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng triển khai chính sách BHTG trên cơ sở nghiên cứu những ưu điểm, tồn tại hạn chế của từng vấn đề, so sánh với kinh nghiệm quốc tế về nội dung đó và đưa ra kiến nghị. Về việc này, tổ chức BHTGVN cần tích cực tham gia vì đây là đơn vị duy nhất và trực tiếp triển khai chính sách BHTGVN. Luật BHTG cần kế thừa những ưu điểm của chính sách BHTG hiện hành và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển hệ thống BHTG trên thế giới, nghiên cứu đặc điểm, cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam để xây dựng một hệ thống BHTG phù hợp. Theo tôi, Luật BHTG cần giải quyết một số nội dung cơ bản trong đó bao gồm cơ chế tham gia BHTG, đối tượng được bảo hiểm, loại tiền gửi đươc bảo hiểm, hạn mức chi trả, phí BHTG, cơ chế quản lý vốn, nguồn Quỹ BHTG, mô hình tổ chức BHTG, quy chế phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan khác trong việc giám sát thị trường tài chính, vai trò của tổ chức BHTGVN trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng.