Nhiệm vụ quan trọng của chương trình cải cách tài chính năm 1997 tại Trung Quốc là tái cơ cấu các định chế tài chính đang gặp khó khăn thanh khoản, bị thua lỗ và mất khả năng thanh toán, nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính và tìm ra các biện pháp cho phép các định chế tài chính yếu kém nhất rút ra khỏi thị trường. Do vậy, công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không chỉ hướng đến các ngân hàng thương mại (NHTM) mà bao gồm cả các định chế tài chính phi ngân hàng như các công ty ủy thác và đầu tư, các hợp tác xã tín dụng nông thôn/thành thị. Trung Quốc đã thực hiện 05 biện pháp trong công cuộc cải tổ này, bao gồm: tăng vốn; chuyển đổi nợ thành vốn góp; sáp nhập, xử lý các khoản nợ khó đòi; đóng cửa, cho phá sản một số định chế tài chính mất khả năng thanh toán.
1. Thực hiện tăng vốn: Tháng 3/1998, một đợt phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 270 tỷ nhân dân tệ đã được thực hiện. Mục đích của đợt phát hành này nhằm tăng vốn cho 4 NHTM nhà nước và tăng tỷ lệ vốn tối thiểu của các ngân hàng này lên 8%. Các trái phiếu kho bạc này đã được 4 NHTM nhà nước mua bằng nguồn tiền rút ra từ việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 13% xuống còn 8%. Tuy nhiên, các NHTM cổ phần và các hợp tác xã tín dụng nông thôn không được hưởng nguồn tài trợ từ Chính phủ. Việc tăng vốn của họ chủ yếu đến từ các cổ đông hoặc lợi nhuận tích lũy, nên nguồn vốn của các tổ chức này khó có thể tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, đối với một số công ty ủy thác và đầu tư, vốn của họ không được tăng trong thời gian dài trong khi tích tụ thêm các khoản lỗ và nợ xấu. Ngoài 4 NHTM nhà nước, phần lớn các định chế tài chính nằm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương hoặc các công ty nhà nước, cổ đông của họ không mặn mà với việc góp vốn trừ phi phải chịu sức ép mạnh mẽ.
2. Chuyển đổi các khoản nợ thành vốn góp: Đây chỉ là giải pháp cuối cùng trong việc tái cấu trúc ngân hàng, vì nó làm phương hại đến quyền lợi của chủ nợ và kết quả cuối cùng không được như trông đợi. Một trường hợp điển hình là Công ty Đầu tư và Ủy thác Everbright. Công ty này có các khoản vay nợ lớn tại 1 công ty dầu mỏ nhà nước và 2 NHTM nhà nước, nhưng không thể trả được nợ khi đến hạn. Để giúp công ty tránh bị phá sản, ngân hàng trung ương (NHTW) quyết định chuyển đổi nợ của các định chế này (tương đương 5 tỷ nhân dân tệ) thành vốn góp. Tuy nhiên, công ty vẫn không có lãi trong 3 năm liên tiếp sau đó, và các chủ nợ đã bị thua lỗ nhiều do hậu quả của việc chuyển đổi nợ này.
3. Thực hiện sáp nhập: Từ 1995 đến 1998, hơn 2000 hợp tác xã tín dụng thành thị được sáp nhập vào 88 NHTM cấp thành phố theo các nguyên tắc: đánh giá tài sản và vốn, xóa các khoản nợ xấu, ước tính khoản vốn đóng góp ròng và khuyến khích sự tham gia của các cổ đông mới. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa có trường hợp nào thành công. Do hoạt động yếu kém của các hợp tác xã tín dụng thành thị trước đó, 88 NHTM mới đã có khoản nợ xấu lớn và bị thua lỗ nặng nề, và một số rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh toán. Để giảm thiểu rủi ro, Chính phủ đã thực hiện kế hoạch cắt giảm số lượng NHTM cấp thành phố từ 239 xuống còn 60 thông qua biện pháp sáp nhập.
Một trường hợp khác là việc thành lập (tháng 8/1995) Ngân hàng Phát triển Hải Nam từ việc sáp nhập 5 công ty đầu tư và ủy thác đóng trên địa bàn tỉnh Hải Nam với sự tham gia của các cổ đông mới. Chất lượng tài sản rất thấp của 5 công ty đầu tư và ủy thác đã dẫn đến tình trạng hoạt động yếu kém của ngân hàng. Tháng 12/1997, Ngân hàng phát triển Hải Nam tiếp nhận thêm quỹ tín dụng thành thị tại địa phương đang gặp khó khăn về thanh khoản, khiến cho tình trạng của ngân hàng càng trở nên điêu đứng hơn. Mặc dù NHTW hỗ trợ thanh khoản trên 3 tỷ nhân dân tệ, khách hàng vẫn tiếp tục rút tiền. Hậu quả là vào tháng 1/1998, NHTW buộc phải đóng cửa Ngân hàng này.
4. Đóng cửa, giải thể và cho phá sản: Trong 2 năm 1997 và 1998, 1 NHTM mất khả năng thanh toán và 3 công ty đầu tư và ủy thác đã bị đóng cửa tại Trung Quốc. Các khoản nợ của 4 định chế này lên đến khoảng 120 tỷ nhân dân tệ.
Tại Trung Quốc, việc đóng cửa một định chế tài chính có tính chất khác biệt với phá sản và phải tuân thủ các quy trình sau đây :
-Thứ nhất, NHTW công bố việc đóng cửa một định chế tài chính và chỉ định một NHTM xử lý các khoản nợ tồn đọng của định chế này.
- Thứ hai, NHTM đó hoặc một công ty kiểm toán độc lập thanh lý tài sản của định chế bị đóng cửa, đồng thời thực hiện việc đăng ký và xác nhận các khoản nợ của định chế đó.
- Thứ ba, quyết định các nguyên tắc thanh toán nợ. Nói chung, gốc và lãi hợp pháp của các chủ nợ nước ngoài và người gửi tiền cá nhân phải được ưu tiên chi trả đầu tiên. Số lượng tiền gửi của các pháp nhân trong nước được thanh toán bao nhiêu tùy thuộc vào tài sản ròng sau khi thanh lý, thông thường thì không có đủ để chi trả thậm chí cho gốc của các khoản tiền gửi.
- Thứ tư, nếu một định chế bị thua lỗ đặc biệt nặng nề, thì định chế này có thể nộp đơn lên tòa án xin được phá sản. Khi quy trình phá sản bắt đầu thực hiện thì quy trình đóng cửa và thanh lý sẽ chấm dứt ngay. Tháng 10/1998, Công ty đầu tư và ủy thác quốc tế Quảng Đông (GITIC) bị thua lỗ nặng nề và không có khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn, NHTW đã công bố cho đóng cửa định chế tài chính này. Tuy nhiên, quy trình thanh lý do một công ty kiểm toán quốc tế có uy tín thực hiện đã phát hiện thấy rằng GITIC đã mất khả năng thanh toán nghiêm trọng nên tháng 1/1999, GITIC đã nộp đơn xin cho phá sản. Đây là vụ phá sản đầu tiên của một định chế tài chính ở Trung Quốc.
5. Xử lý nợ xấu của các NHTM nhà nước: Tại Trung Quốc khi đó, số lượng nợ xấu của các NHTM nhà nước là rất lớn, chiếm tỷ lệ 6-7% trên tổng dư nợ. Theo quy chế do Bộ Tài chính đề ra lúc đó thì chỉ 1% dư nợ của năm trước liền kề phải được trích ra làm dự phòng cho việc xóa đi các khoản nợ xấu của năm hiện hành. Kết quả là các khoản trích lập dự phòng rủi ro là rất nhỏ. Công ty quản lý tài sản (AMC) đầu tiên chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu cho các NHTM nhà nước đã được thành lập vào tháng 4/1999 và tiếp sau đó là thêm 3 công ty nữa đã ra đời. Họ chịu trách nhiệm tách bạch các khoản nợ xấu ra khỏi các NHTM nhà nước và sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để xử lý các khoản nợ xấu này.
6. Một số khó khăn trong công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Khi các rủi ro tài chính dần dần lộ diện tại Trung Quốc, các cơ quan thẩm quyền hoàn toàn nhận thức được tính cấp bách của vấn đề này và không muốn để cho tình hình của Nhật bản lại tái diễn tại Trung Quốc. Tuy vậy, do môi trường xã hội cùng với hành lang pháp lý hiện hành có nhiều hạn chế, công cuộc tái cấu trúc các định chế tài chính ở Trung Quốc đã vấp phải một số vấn đề khó khăn như sau :
- Khó khăn trong việc bảo lãnh để chi trả các khoản tiền gửi cá nhân (vì khi đó chưa có tổ chức bảo hiểm tiền gửi): Tài sản hiện hữu ròng của một số định chế tài chính phải đóng cửa không đủ để chi trả tiền gốc cho các khoản tiền gửi tiết kiệm cá nhân. Trong trường hợp đó thì các cổ đông, chính quyền địa phương, chính quyền trung ương hoặc NHTW phải cung ứng tiền để bù đắp cho việc chi trả.
- Thiếu cơ sở hành lang pháp lý: Vì chưa có luật cụ thể cho việc đóng cửa và cho phá sản các định chế tài chính, nên gặp rất nhiều khó khăn cho các định chế đó phá sản. Việc cho GITIC phá sản phải thực hiện dựa trên luật phá sản chung cho các doanh nghiệp.
- Các khoản lỗ không được giải quyết triệt để: Mặc dù công ty quản lý tài sản ra đời để xử lý nợ xấu cho các NHTM nhà nước, nhưng vấn đề ai là người xử lý các khoản lỗ cuối cùng vẫn không được giải quyết. Trong một số hoàn cảnh cụ thể, NHTW cần phải sử dụng quỹ công để xử lý vấn đề này, nhưng khi đó ngân sách trung ương không thể bố trí nguồn vốn cho việc xử lý đó. Vì vậy, một số khoản lỗ được NHTW xử lý theo phương thức như các khoản nợ của NHTW.
- Các NHTM lớn không sẵn lòng tham gia bảo hiểm tiền gửi: Tại Trung Quốc, bốn ngân hàng lớn nhất chiếm 63% thị trường nợ và tiền gửi. Do vậy, nếu cơ quan thẩm quyền yêu cầu 4 ngân hàng lớn nhất tham gia tổ chức bảo hiểm tiền gửi thì họ phải thực hiện phần đóng góp rất lớn. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính 1997 tại Trung Quốc chủ yếu cứu vãn các định chế tài chính nhỏ, chính vì vậy các ngân hàng lớn không sẵn lòng tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, nếu 4 ngân hàng đó không tham gia tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thì không công bằng đối với các định chế tài chính khác và hơn nữa là các khoản đóng góp cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ rất nhỏ, không đủ chi trả người gửi.
- Các nguyên tắc kế toán tài chính hiện hành không thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngành tài chính và cũng không thể hiện các nguyên tắc kế toán an toàn, chẳng hạn như việc tính toán kỳ hạn các khoản phải thu lãi và nguyên tắc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa có quy chuẩn cho việc đánh giá và tính toán tài sản ròng.
- Tình trạng không có đủ và thiếu độ tin cậy của hồ sơ lưu trữ kinh doanh của các định chế tài chính ở Trung Quốc và mức độ thiếu minh bạch thông tin đã gây khó khăn cho công việc sáp nhập, tái cơ cấu hoặc đóng cửa các định chế tài chính.
- Sự can thiệp quá sâu của các cấp chính quyền địa phương: Một số định chế tài chính cần phải tái cơ cấu do chính quyền địa phương quản lý toàn bộ hoặc một phần lớn; do vậy, các chính quyền địa phương thường chỉ định ban giám đốc các định chế tài chính đó hoặc can thiệp qúa nhiều vào hoạt động kinh doanh của các định chế này. Mặc dù các chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực cho việc sáp nhập, tái cơ cấu, đóng cửa hoặc cho phá sản các định chế tài chính, nhưng họ thường can thiệp vào tất cả mọi công việc trong quy trình tái cơ cấu để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Ngoài ra, việc tái cơ cấu các định chế tài chính không thể thực hiện một cách công minh, bởi vì các ban ngành luật pháp thường phải tuân thủ chỉ thị của các cấp chính quyền địa phương.
- Rào cản cho việc chuyển nhượng, phát mại hoặc chứng khoán hóa các tài sản có giá trị: Khi nợ xấu của các ngân hàng được xử lý và các ngân hàng đóng cửa hay phá sản, thì có nhiều rào cản cho việc chuyển nhượng, phát mại hoặc chứng khoán hóa các tài sản có giá trị. Trước hết là do không có một thị trường tín dụng thứ cấp tại Trung Quốc, thứ hai là hầu hết các khoản tín dụng không có thế chấp rõ ràng, và thứ ba là có hàng loạt khó khăn về mặt pháp lý và những khó khăn khác trong việc đấu giá các tài sản thế chấp. Vì vậy, giá cả thị trường tài sản ròng của các định chế tài chính khó có thể thực hiện được, và tỷ lệ giữa giá trị thực và giá trị sổ sách của tài sản là rất thấp.