Không trở thành xu hướng chủ đạo
Bên cạnh một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất được cho là nhằm cơ cấu và cân đối nguồn vốn, cũng có các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Theo đó, ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) điều chỉnh tăng 0,1-0,5%/năm lãi suất huy động, chủ yếu các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, sau đó 2 ngân hàng này đã điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,2-0,5%/năm. Trong diễn biến ngược chiều với động thái tăng lãi suất của BIDV và VietinBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống, ngoài ra một số NHTMCP cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Việc hạ lãi suất của Vietcombank được xem là khá bất ngờ bởi thời điểm hiện nay đã gần kề cuối năm tài chính 2017 - thời điểm mà nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng cao.
Theo lý giải của lãnh đạo Vietcombank, động thái giảm lãi suất tiền gửi là do nguồn vốn của ngân hàng khá dồi dào. Khi ngân hàng kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận, nhưng việc cho vay còn phải tính toán kỹ đến các tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, cũng như hệ số an toàn vốn.
Trong khi đó, dù ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác nhưng tiền gửi vẫn chảy về khá mạnh. Để tiết giảm chi phí trả lãi nguồn vốn, ngân hàng lại phải tranh thủ đẩy kinh doanh trên liên ngân hàng.
Nhìn nhận về diễn biến trái chiều của lãi suất huy động giữa các "ông lớn ngân hàng", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, việc các ngân hàng lớn thay đổi lãi suất huy động có lẽ xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau. Một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất tiền gửi là để cơ cấu lại nguồn vốn, trong khi số khác tăng lên có thể do nhu cầu cho vay cuối năm lớn, nên họ tăng cường hút vốn. Hơn nữa, mục tiêu tăng tín dụng năm nay là trên 20% nhưng đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, tức còn room gần 7%. Đây là dư địa lớn để các ngân hàng tăng tốc cho 2 tháng cuối năm.
Riêng động thái giảm lãi suất tiền gửi của Vietcombank, các chuyên gia cho là tín hiệu tốt, có thể sẽ kéo theo một vài ngân hàng khác hạ lãi suất huy động trong thời gian tới. Bởi lẽ, hiện nay nhiều ngân hàng có thanh khoản tốt, hoàn toàn có điều kiện để hạ lãi suất huy động nhưng vì mục tiêu thị phần nên vẫn chấp nhận phải hy sinh một phần lợi nhuận của mình.
Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), việc điều chỉnh lãi suất huy động (cả tăng và giảm) của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa qua phần lớn bắt nguồn từ nhu cầu cân đối lại cơ cấu nguồn vốn và chuẩn bị thanh khoản cho việc tăng tín dụng có yếu tố mùa vụ vào dịp cuối năm (hầu hết diễn ra tại các TCTD còn dư địa tăng tín dụng). Do đó xu thế điều chỉnh lãi suất này không phản ánh bản chất và quy luật của thị trường, chỉ có tính thời điểm và vì vậy không trở thành xu hướng chủ đạo do không đại diện cho quy luật chung của thị trường. Nhìn chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định. Xét tổng thể toàn hệ thống, thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo và thường được các TCTD duy trì dư thừa ở mức hợp lý. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,4%/năm; 5,3-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,3%/năm.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ
Trong 11 tháng, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp thông qua. Cụ thể như đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD để TCTD có đủ nguồn vốn cho vay nền kinh tế, nhờ đó giúp ổn định lãi suất trên thị trường 2 (lãi suất các TCTD vay mượn lẫn nhau) luôn duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn vay của các TCTD. Đồng thời NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành (giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm), qua đó hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn cho các khách hàng thuộc 5 nhóm đối tượng ưu tiên (giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm). NHNN linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ, nhờ đó kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vị thế VND được nâng cao, tỷ giá ổn định; tạo nền tảng cơ bản để ổn định mặt bằng lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm. Hiện mặt bằng phổ biến lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 9-10,5%/năm; đối với sản xuất kinh doanh thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nhà điều hành tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, hoạt động của hệ thống các TCTD để điều hành linh hoạt lượng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, đặc biệt trong thời điểm mùa vụ cuối năm, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và giảm áp lực thanh khoản, góp phần kiểm soát tiền tệ và lạm phát, hỗ trợ ổn định lãi suất, tỷ giá.