Thực hiện quy định của pháp luật lao động, nhằm nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, xây dựng nề nếp, kỷ cương nơi làm việc, ngày 21/11/2016, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã ban hành Quyết định số 900/QĐ-BHTG về ban hành Nội quy lao động của BHTGVN (Nội quy lao động), đồng thời bãi bỏ Quyết định số 419/QĐ-BHTG132 ngày 05/10/2011 của Tổng giám đốc BHTGVN về việc ban hành Nội quy lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các quy định tại Nội quy lao động có tính chất bắt buộc đối với người lao động làm việc tại các đơn vị thuộc BHTGVN, đồng thời là căn cứ để BHTGVN xử lý kỷ luật lao động và áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động có hành vi vi phạm.
Nội quy lao động quy định rõ về: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trật tự nơi làm việc; An toàn lao động và vệ sinh lao động nơi làm việc; Bảo vệ tài sản và bí mật thông tin; Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật, trách nhiệm vật chất, cụ thể:
Về đối tượng áp dụng
Nội quy lao động áp dụng đối với: người lao động đang làm việc tại BHTGVN, kể cả người lao động trong thời gian thử việc; người lao động được BHTGVN cử làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Cán bộ, người lao động của cơ quan, tổ chức khác được cử đến công tác tại các đơn vị thuộc BHTGVN vi phạm kỷ luật lao động sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của đơn vị đó và theo thỏa thuận giữa hai đơn vị (nếu có). Tổ chức, cá nhân đến làm việc tại BHTGVN phải nghiêm túc chấp hành quy định về trật tự nơi làm việc tại Nội quy này.
Thời giờ làm việc
Thời giờ làm việc của người lao động: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, không quá 08 giờ trong một ngày hoặc 40 giờ trong một tuần.
Tại Trụ sở chính: Giờ bắt đầu làm việc và kết thúc ngày làm việc:
- Buổi sáng từ 8 giờ 00 đến 12 giờ 00.
- Buổi chiều từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00.
Tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện: Người sử dụng lao động ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện quy định giờ bắt đầu làm việc và giờ kết thúc ngày làm việc phù hợp với quy định của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đơn vị đóng trụ sở làm việc.
Ngoài ra, Nội quy lao động cũng quy định cụ thể về thời giờ làm thêm, thời giờ học tập và hội họp đối với người lao động của BHTGVN.
Thời giờ nghỉ ngơi
Người lao động làm việc liên tục 08 giờ thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào giờ làm việc, mỗi tuần người lao động được nghỉ 02 ngày (thứ 7 và chủ nhật); Người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ hàng năm, thời gian nghỉ là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; Cứ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày; Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.
Một số quy định riêng về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động nữ, người cao tuổi
Đối với lao động nữ: Ngoài các trường hợp đặc biệt được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nội quy lao động của đã quy định cụ thể một số chính sách áp dụng đối với lao động nữ bao gồm: (i) Không bố trí lao động nữ có thai từ tháng thứ 07 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa; (ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương; (iii) Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con cộng lại là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở lên, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm một tháng.Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản người lao động có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Đối với người cao tuổi: Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất một giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian và vẫn hưởng nguyên lương.
Trật tự nơi làm việc
Người lao động của BHTGVN có trách nhiệm chấp hành sự phân công, điều động của người sử dụng lao động, người quản lý lao động trực tiếp; hoàn thành công việc được giao đúng nội dung, yêu cầu, thời hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người lao động phát hiện bộ phận, tổ nhóm hoặc cá nhân khác trong đơn vị có sai sót hoặc vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, phải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với người quản lý lao động trực tiếp hoặc người có thẩm quyền để xử lý và hạn chế hậu quả.
Về trật tự nơi làm việc, người lao động phải tuân thủ các quy định: (i) Trong giờ làm việc, người lao động chỉ được phép ra khỏi cơ quan khi được người quản lý lao động trực tiếp đồng ý; (ii) Mọi trường hợp người lao động đi muộn, về sớm, nghỉ làm việc phải có lý do chính đáng, phải xin phép người quản lý lao động trực tiếp; (iii) Người lao động không được đến nơi làm việc trong tình trạng say rượu, bia, không được tổ chức nấu ăn (trừ các đơn vị có bếp ăn tập thể), hút thuốc lá, uống rượu, bia tại nơi làm việc; (iv) Người lao động phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, hợp tác giúp đỡ nhau trong công việc, không nói tục, chửi bậy, gây gổ, to tiếng làm mất trật tự an ninh nơi làm việc; (vi) Người lao động không được sử dụng hoặc tàng trữ ma túy và các chất kích thích khác, không chơi lô đề, cờ bạc, các tệ nạn xã hội,…
Sử dụng và bảo vệ tài sản
Người lao động phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản công cụ, máy, thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện thông tin liên lạc và các tài sản khác của Nhà nước và của BHTGVN; Người lao động được giao sử dụng, quản lý, bảo vệ tài sản của BHTGVN có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản; Nghiêm cấm người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô hoặc các hành vi gian dối dẫn đến thiệt hại hoặc thất thoát tài sản của BHTGVN; Mọi tài sản của BHTGVN đưa vào hoặc đưa ra khỏi cơ quan đều phải xuất trình với thường trực bảo vệ các giấy tờ hợp lệ có liên quan (hóa đơn, văn bản chấp thuận của Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh hoặc người có thẩm quyền) để kiểm tra, theo dõi.
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động
Theo Nội quy lao động , tất cả các hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các điều khoản quy định trong Nội quy lao động này và các quy định khác của BHTGVN hoặc hành vi vi phạm pháp luật lao động đều được coi là hành vi vi phạm kỷ luật lao động và phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định.
Các hình thức xử lý kỷ luật
So với Nội quy lao động của BHTGVN trước đây, Nội quy lao động mới đã quy định rõ hơn các hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động của BHTGVN. Theo đó, tùy vào tính chất và mức độ, vi phạm kỷ luật lao động, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong ba hình thức: (i) Cấp độ 1: Khiển trách (bằng văn bản); (ii) Cấp độ 2: Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; (iii) Cấp độ 3: Sa thải.
Đặc biệt, các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở cấp độ sa thải đã được BHTGVN cụ thể hóa từ các quy định của pháp luật lao động, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch,tuân thủ pháp luật trong xem xét, xử lý kỷ luật đối với người lao động, vừa là cơ sở để người lao động nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm. trong công việc.
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.
Trường hợp người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; bị tạm giữ, tạm giam, khi hết thời gian này, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì kéo dài thời hiệu nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Trường hợp lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì kéo dài thời hiệu nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. Ngoài ra, quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời gian nêu trên.
Xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động
Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng, hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xóa kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 03 năm, nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời gian nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ, có thể được người lao động xem xét giảm thời hạn.
Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
Nội quy lao động quy định những hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động: (i) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; (ii) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; (iii) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Trách nhiệm vật chất
Cùng với việc quy định chi tiết về hành vi vi phạm kỷ luật lao động, các hình thức xử lý kỷ luật, nguyên tắc, trình tự xử lý…Nội quy lao động cũng quy định rõ về trách nhiệm vật chất, tùy từng trường hợp cụ thể, người lao động có hành vi gây thiệt hại, thất thoát về tài sản, tiền vốn của BHTGVN phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật và của BHTGVN về thiệt hại đã gây ra. Người lao động vừa gây thiệt hại, thất thoát tài sản, vừa vi phạm kỷ luật lao động thì ngoài việc bồi thường vật chất thì vẫn bị xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, Nội quy lao động của BHTGVN được ban hành trên cơ sở các quy định của pháp luật lao động và thực tế hoạt động. Việc xây dựng các quy định trong Nội quy lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất…vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, vừa là cơ sở để người lao động nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, góp phần xây dựng trật tự, nề nếp, kỷ cương nơi làm việc.
Nội quy lao động là văn bản quy phạm nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình...có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động,bao hàm các quy định bắt buộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động, về kỷ luật lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối vối người lao động trong quá trình làm việc. Nội quy lao động là cơ sở giúp người sử dụng lao động bảo đảm sự ổn định, nề nếp, nâng cao hiệu quả trong hoạt động.
Với tầm quan trọng nêu trên, Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể việc xây dựng, đăng ký, ban hành Nội quy lao động. Đặc biệt, việc xây dựng nội quy lao động bắt buộc áp dụng đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên:“Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có Nội quy lao động bằng văn bản. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan”(Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2012).
|