Tại mỗi quốc gia, chính sách BHTG được xây dựng hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Tuy vậy, có thể phân chia mục tiêu của chính sách BHTG thành 3 nhóm chính gồm:
Thứ nhất, bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.
Thứ hai, góp phần ổn định hệ thống các TCTD. Chính sách BHTG được sử dụng với mục đích tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính.
Thứ ba, các mục tiêu khác như góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ.
Trong đó, tăng cường niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng là một trong những mục tiêu cốt lõi của chính sách BHTG.
Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức BHTG duy nhất, được thành lập vào năm 1999 với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Ngay khi mới được thành lập, trong bối cảnh nhiều hợp tác xã tín dụng trên cả nước bị đổ vỡ, gây hoang mang cho người gửi tiền và có nguy cơ bất ổn xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã trực tiếp chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại một số quỹ tín dụng nhân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hải Dương cũng như tham gia hỗ trợ các quỹ gặp vấn đề. Những hoạt động đó của BHTGVN đã đem lại tác dụng ổn định tâm lý của người gửi tiền, củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng và qua đó giữ gìn trật tự, an ninh của địa phương. Trong mấy năm đầu hoạt động, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo quyền lợi cho những người gửi tiền quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương.
Tính đến 31/3/2021 BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 6,9 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ những chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ như: kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG; triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG; tuyên truyền chính sách BHTG theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức và mở rộng kênh truyền thông trực tiếp tới người gửi tiền tại các địa bàn có tổ chức nhận tiền gửi của dân cư, nhất là vùng sâu vùng xa.
Nhờ vậy, từ năm 2015 cho tới nay BHTGVN không phải chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống. Tuy nhiên, với phương châm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, BHTGVN luôn theo sát diễn biến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chủ động nghiên cứu hoàn thiện quy trình chi trả tiền gửi theo hướng nhanh chóng, kịp thời và chính xác cũng như thường xuyên bổ sung quỹ dự phòng nghiệp vụ BHTG để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong mọi tình huống.