Đóng cửa phiên đầu tiên của năm 2013, tại Mỹ, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall đều tăng điểm, với các mức tăng rất ngoạn mục, trong đó Dow Jones Industrial ghi thêm được 308,41 điểm (2,35%) lên 13.412,55 điểm; S&P 500 lướt thêm 36,23 điểm (2,54%) lên 1.462,42 điểm - mức cao nhất của chỉ số này kể từ ngày 20/12/2011, và Nasdaq cũng lao lên 3.112,26 điểm, tăng tới 92,75 điểm (3,07%).
Tương tự tại châu Âu, các chỉ số chính của khu vực cũng đồng loạt tăng mạnh, trong đó FTSE 100 của London nhảy 2,20% lên 6.027,37 điểm; DAX 30 của Đức lướt 2,19% lên 7.778,78 điểm và CAC 40 của Pháp tiến 2,55% lên 3.733,93 điểm.
Các thị trường chủ chốt tại Khu vực Eurozone thậm chí còn tăng ấn tượng hơn, với Ibex-35 của Madrid (Tây Ban Nha) vọt 3,43%; FTSE Mib của Milan (Italy) cũng tăng tới 3,81%.
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch đầu năm 2013, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng mạnh nhất kể từ ngày 18/9/2012.
Tại London, ngày 2/1, giá dầu thô Biển Bắc giao tháng 2/2013 tăng 1,36 USD, đóng cửa ở mức 112,47 USD/thùng.
Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng thời điểm đạt 93,12 USD/thùng, cao hơn 1,30 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Giá dầu mỏ còn được hỗ trợ bởi những số liệu thống kê kinh tế tích cực từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Giá vàng giao dịch trong phiên đầu tiên của năm mới cũng tăng lên nhờ thông tin nước Mỹ trách được "vách đá tài chính”. Hợp đồng vàng giao tháng 2/2013 tăng 13 USD, tương đương 0,78%, đóng cửa ở mức 1.688,8 USD/ounce.
Xu hướng tăng giá tiếp tục được củng cố sau khi mở cửa phiên giao dịch ngày 3/1, tại thị trường Hong Kong, giá vàng ở mức 15.690 HKD/lượng, tăng 82 HKD, tương đương 1.699,2 USD/ounce, tăng 9,1 USD (1 USD đổi được 7,751 HKD).