Tín dụng hỗ trợ tích cực tăng trưởng GDP
Năm 2017, dư nợ tín dụng tăng ngay từ đầu năm đã đóng góp vào mức tăng trưởng GDP 2017 của cả nước là 6,81%.
Cụ thể, tín dụng được điều hành theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế (đến 31/12/2017, tín dụng tăng trưởng 18,17% so với cuối năm 2016). Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%....
Năm 2017, đã có khoảng 350 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay mới đối với các doanh nghiệp gần 570.000 tỷ đồng, và đã thực hiện giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng cho gần 50.000 khách hàng doanh nghiệp và trên 190.000 đối tượng khác. Đến 30/9/2017, dư nợ cho vay theo chương trình còn 580.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ với tổng dư nợ được hỗ trợ trên 80.000 tỷ đồng cho gần 3.000 doanh nghiệp và hơn 5.000 khách hàng khác. Để thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, NHNN đã phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc VCCI) tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ngày 19/10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh và đã thành công tốt đẹp.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vốn ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thời gian qua, ngành ngân hàng tích cực triển khai chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ. Đến cuối tháng 12/2017, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP tăng 25,5% so với năm 2016. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2017 NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành và đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kiểm soát dòng tiền cho vay theo chuỗi liên kết. Ngoài ra trong năm 2017, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, gặp khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, xem xét khoanh nợ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ cũng đạt những kết quả bước đầu. Về chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến 30/11/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp hơn 1 nghìn tàu với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 11 nghìn tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của ngành ngân hàng, vốn ngân hàng đã góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Như vậy, Chỉ số tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Năm 2018 - Định hướng tín dụng tăng khoảng 17%
Năm 2018, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2018 tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã chủ động, linh hoạt ban hành Thông tư sửa đổi quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí vốn và Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó NHNN đã điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, góp phần hỗ trợ TCTD ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, NHNN điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2018, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động.
Thứ tư, thực hiện kiểm soát nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động SXKD của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong đó có đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN ngày 27/12/2017 tiếp tục gia hạn việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2018.
Trong năm 2018, với việc điều hành chính sách tín dụng linh hoạt ngay từ đầu năm và kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD, ngành ngân hàng tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, góp phần hỗ trợ phát triển nền kinh tế.