Bước sang năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, khó lường. Lạm phát tiếp tục duy trì cao tại nhiều nước. Trước bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế liên tục giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 và cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế đi kèm lạm phát (đình lạm) ở một số quốc gia. Giá hàng hóa cơ bản thế giới (nhiên liệu, lương thực, kim loại...) diễn biến phức tạp. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất, qua đó áp lực tăng giá đồng USD trên thị trường quốc tế sẽ còn tiếp diễn.
Tăng trưởng kinh tế trong nước thời gian tới được dự báo tiếp tục phục hồi do mở cửa nền kinh tế, tác động kích cầu từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022-2023, các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, rủi ro đối với nền kinh tế cũng ngày càng tăng: kinh tế thế giới tăng chậm lại làm giảm cầu nước ngoài thời gian tới, tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo; lạm phát có xu hướng tăng, cần có giải pháp kiểm soát kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Lạm phát trong nước chịu áp lực lớn ngay từ đầu năm 2023 do cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong năm 2022, việc điều chỉnh giá Nhà nước quản lý có thể tiếp tục làm tăng lạm phát năm 2023. Về phía cầu, áp lực từ về phía cầu chủ yếu do phục hồi kinh tế, lương cơ sở được điều chỉnh tăng.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01) đã đề ra một số chỉ tiêu năm 2023: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Thực hiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 (Chỉ thị 01). Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là: Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Để đạt một số mục tiêu trong điều hành CSTT, tín dụng, tại Chỉ thị 01, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN:
(i) Bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.
(ii) Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,...
Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
(iii) Hỗ trợ và tạo điều kiện để các TCTD, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản...để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Đặc biệt, cần những giải pháp để phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu, qua đó có thêm kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Vốn ngân hàng với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.