Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong bối cảnh nhiều khó khăn
Có thể nói, năm 2023 là một năm kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị, chính sách an ninh lương thực thắt chặt. Hầu hết các nước tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát (Fed tăng lãi suất 4 lần, hiện ở mức 5,25-5,5%/năm; ECB tăng 5 lần, hiện ở mức 4,25%/năm). Đồng USD quốc tế biến động mạnh, đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh.
Những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới cùng với những khó khăn nội tại trong nước đã khiến các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tạo thách thức, áp lực rất lớn cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng không ngoại lệ khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, như kiểm soát lạm phát; ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng... trong khi thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản trong nước trầm lắng và gặp nhiều khó khăn nên vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế dựa chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo mở rộng tín dụng bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, vai trò của kênh tín dụng ngân hàng là đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng phát triển kinh tế, đặc biệt là khi các kênh huy động qua thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm sút đáng kể, việc điều hành tín dụng linh hoạt, chủ động để cung ứng đầy đủ vốn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế được coi là một giải pháp quan trọng, căn cơ trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Đứng trước những khó khăn liên tiếp, NHNN đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN đã có nhiều giải pháp tổng thể, toàn diện để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Đảm bảo nguồn cung tín dụng
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đây là mức tăng trưởng định hướng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và cho thấy một thông điệp và quyết tâm của NHNN để mở rộng tín dụng, thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD và đến tháng 7/2023, NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với mức giao toàn hệ thống theo chỉ tiêu định hướng. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn chỉ tiêu định hướng, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
Do đó, để kịp thời tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng từ ngày 29/11/2023. Theo đó, ngân hàng có dư nợ tín dụng năm 2023 đạt từ 80% mức dư nợ tín dụng NHNN đã thông báo thì ngân hàng được tự chủ động điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nguyên tắc NHNN đã thông báo, ngân hàng không cần có văn bản đề nghị NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, qua đó tạo dư địa để các TCTD tiếp tục đẩy mạnh cấp tín dụng trong thời gian cuối năm.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên 2,5%/năm
Ngay từ khi tăng trưởng Quý I/2023 được công bố với mức giảm tốc đáng kể, trên cơ sở dự báo tình hình lạm phát có khả năng được kiểm soát, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay như: (i) Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, hỗ trợ duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay; (ii) Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; (iii) Có công văn yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) và phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả là đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm trên 2,5% và sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới.
Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, trong năm 2023, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: (i) Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; (ii) Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN) nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; (iii) Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và một số vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), các thành phố trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…), các Hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...; (iv) Chỉ đạo các TCTD rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay và cắt, giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Xác định doanh nghiệp và ngân hàng có mối quan hệ cộng sinh nên ngành Ngân hàng đã chủ động áp dụng đồng bộ rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Với sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022, gần đạt mức định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15% NHNN đã đề ra từ đầu năm.
Tiếp tục đảm bảo cung ứng vốn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế
Bước sang năm 2024, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo cung ứng vốn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN được NHNN ban hành ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024 (Chỉ thị 01) đã xác định mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng: (i) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng; (ii) Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể: Trong điều hành tín dụng, NHNN thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% của năm 2024 ngay từ đầu năm cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Chỉ đạo các TCTD: (i) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) theo chủ trương của Chính phủ; (ii) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; (ii) rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; (iv) tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; (v) Chấm dứt tình trạng cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến lợi ích của chủ sở hữu ngân hàng).
Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt để triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản;
Ngành Ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương được phân công theo chương trình công tác năm 2024.
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV; Xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…
Về phía các doanh nghiệp, rất cần thiết nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).
Hà Linh