Tăng trưởng 2018 sẽ cao hơn 2017
Theo Cổng Thông tin Chính phủ (chinhphu.vn), thông tin với kiều bào chiều 12/3 về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước quý I/2018 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước ước đạt 7,41%, trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực du lịch tăng 1,6 lần so với cùng kỳ và thương mại tăng gần 40% với xuất siêu đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Tọa đàm khoa học cập nhật dự báo kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2018 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức ngày 13/3, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo của NCIF nhận định: Với dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng cao hơn trong năm nay và trong nước, Chính phủ kiên định ổn định chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh thì nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,83% (tăng 0,12% so với kịch bản cơ sở mà NCIF đưa ra vào tháng 12/2017). Trong đó, nhìn theo cơ cấu ngành thì mảng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng có sự cải thiện tích cực nhất.
Theo kịch bản vừa cập nhật, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay ở mức 22,62%, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ở mức 19,98%, đưa tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 500 tỷ USD để xác lập kỷ lục mới.
Tham gia tọa đàm này, các chuyên gia kinh tế hầu hết đều bày tỏ sự đồng thuận cao với các cập nhật kinh tế của NCIF, với niềm tin là kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng cao hơn. Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh nói đến một điểm đáng lưu ý trong dự báo của NCIF là số liệu xuất nhập khẩu quý I đã có sự đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái.
“Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang dựa vào nguyên liệu trong nước để xuất khẩu mà không phải qua nhập khẩu về sản xuất để xuất khẩu nữa hay là do các DN đã nhập từ trước rồi hay còn vì yếu tố gì khác? Nếu hướng được nền kinh tế dựa vào nguyên liệu trong nước để xuất khẩu thì tuyệt vời, và giả thiết làm được điều đó thì tăng trưởng sẽ không chỉ dừng lại ở 6,83% như dự báo mà còn có thể cao hơn”, ông Cao Viết Sinh kỳ vọng.
Cần những cú huých
Về thách thức, ông Cao Viết Sinh cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến lạm phát vì đây là rủi ro lớn nhất trong bối cảnh dự báo giá dầu và giá nhiều hàng hóa cơ bản trên thế giới có thể tăng. NCIF cũng cho rằng lạm phát đang chịu sức ép lớn và lạm phát bình quân năm nay có thể chạm ngưỡng 4,5% - cũng khá phù hợp với Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 2 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ủy ban cho rằng xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng cao hơn khoảng 0,7 điểm% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.
NCIF cũng nhận định đang có các yếu tố từ bên ngoài có thể tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, trong đó là một số chính sách của Mỹ gần đây. Chính sách giảm thuế TNDN (xuống 21%) của Mỹ có thể dẫn đến sự sụt giảm của dòng vốn FDI trên thế giới và dòng FDI của Mỹ vào Việt Nam. Chính sách tăng thuế nhập khẩu thép mới đây của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ, Mỹ đang chiếm khoảng 11% thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.
Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp cũng đang là yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng, theo NCIF. Nhưng “không thấy quá lo về điều này”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng “Đầu tư công có thể chưa nhiều nhưng mà quan trọng hơn vẫn là thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công ra sao. Giải ngân chậm có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Nếu giải ngân nhanh nhưng vẫn theo kiểu từ trước đến nay, cứ ào ào thì những tăng trưởng đó là không hề đáng mong muốn, mà có lần tôi đã gọi đó là tăng trưởng “bẩn”. Vì dù danh nghĩa thì có đóng góp cho tăng trưởng GDP, nhưng không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế và cho xã hội và không nên khuyến khích.
Bà nhận định, 2018 là năm bản lề cho giai đoạn 2016-2020 bởi nếu năm 2018 tạo được một số cú huých cho phát triển thì sẽ giúp cho những năm tiếp sau tăng lên, còn nếu nó vẫn “bình bình” thì 2 năm 2019-2020 cũng sẽ chỉ là cố rượt đuổi để đạt được chỉ tiêu đề ra, chứ khó có được mức tăng trưởng tốt hơn.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, dựa vào những diễn biến từ năm 2017 thì đang có những nhân tố để có thể thúc đẩy năm nay tích cực hơn. Trước hết là cải cách thể chế. Chưa năm nào như năm 2017 chúng ta lại có một loạt Nghị quyết cả của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra những yêu cầu cụ thể về vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, tái cơ cấu nền kinh tế… Vấn đề là đưa ra như vậy thì liệu 2018 có thực hiện được không?.
“Tôi tin nếu thực hiện được tốt thì sẽ tạo ra sự thay đổi, qua đó đóng góp vào cải thiện chất lượng tăng trưởng của chúng ta. Tôi luôn tin rằng, khi thay đổi được hiệu quả, chất lượng thì tự nó sẽ tạo ra nền tảng cho tăng trưởng bền vững, chứ không phải gồng lên, đổ thật nhiều tiền đầu tư vào là được”, bà Lan kỳ vọng và cho biết thêm: “Tôi không thấy thật buồn và lo với việc giải ngân đầu tư công chậm, mà nếu đầu tư công biết lùi lại, biết thực hiện một cách hiệu quả hơn thì lại là bước để cho đầu tư tư nhân đi lên, qua đó tạo được nền tảng cho tăng trưởng trong trung hạn và dài, đúng theo định hướng mà chúng ta mong muốn là đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Dự báo cụ thể của NCIF cho tăng trưởng GDP từng quý năm 2018: 6,23% (quý I); 6,61% (quý II); 6,98% (quý III) và 7,21% (quý IV). Theo dự báo này, có thể thấy sự tăng trưởng sẽ diễn biến khá đồng đều giữa các quý, với quý sau cải thiện nhẹ so với quý trước. |