Định nghĩa và phân loại hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền bảo hiểm tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi của một người được BHTG tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Có 3 hạn mức trả tiền bảo hiểm:
- Bảo đảm toàn bộ: là hình thức bảo hiểm toàn bộ cho người gửi tiền và tổ chức tín dụng. Mục tiêu chính sách của Bảo hiểm toàn phần cũng chính là cam kết của Chính phủ nhằm củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, ngăn chặn tình trạng tháo vốn hay rút tiền hàng loạt của người dân khi xảy ra khủng hoảng, đồng thời cho phép các cơ quan chức năng có thêm thời gian xây dựng chiến lược xử lý ngân hàng.
- Bảo đảm đầy đủ: là hình thức bảo hiểm 100% cho người gửi tiền và phần lớn hệ thống ngân hàng trước nguy cơ rút tiền hàng loạt. Xét trên phương diện tích cực, hình thức này có thể làm giảm nguy cơ rút tiền tại các ngân hàng kém thanh khoản; tuy nhiên, nó cũng có thể gây xói mòn trật tự thị trường và gia tăng các nguy cơ rủi ro đạo đức vì mặc dù nhiều người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, nhưng do tâm lý bất ổn vẫn thực hiện hành vi rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng đang có vấn đề, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường tài chính.
- Bảo đảm một phần: là hình thức chỉ bảo hiểm một phần nhất định trên tổng số dư tiền gửi. Thông thường, ít khi các tổ chức BHTG lựa chọn hình thức “Bảo hiểm toàn phần” hay “Bảo hiểm đầy đủ”; hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể cao hay thấp tùy thuộc vào mục đích công được đặt ra theo từng thời kỳ chính sách của tổ chức BHTG.
Cơ sở thiết lập hạn mức trả tiền bảo hiểm
Có nhiều các xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm, cụ thể: GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát, biến động tỷ giá, mức độ rủi ro hệ thống, niềm tin công chúng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/số người gửi tiền được bảo hiểm, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức/GDP bình quân đầu người. Cần tính toán kỹ càng các chi phí tiềm tàng có thể phát sinh khi quy định mức trả tiền bảo hiểm, cụ thể: khi hạn mức trả tiền bảo hiểm quá cao sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro đạo đức lớn hoặc làm tăng yêu cầu vốn bổ sung, ngược lại nếu quá thấp thì có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, tùy thuộc vào các quy định của từng quốc gia, tổ chức BHTG sẽ áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm cao hoặc thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường tài chính, đồng thời hạn chế trường hợp phát sinh chi phí trong nền kinh tế.
Theo kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn kinh tế phát triển bình thường, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải bảo đảm các tiêu chí sau: số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/ số người gửi tiền được bảo hiểm cao hơn 80%, số tiền gửi được bảo hiểm/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm vào khoảng 20-30% và hạn mức/GDP bình quân đầu người dao động từ 2, 5-5%.
Trong thời kỳ khủng hoảng, cần đề cao hoạt động tương tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong mạn an toàn tài chính, tăng cường hoạt động giám sát và phát hiện sớm các dấu hiệu đổ vỡ nhằm ngăn ngừa khủng hoảng hệ thống, đồng thời tích cực tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần kịp thời đề ra các biện pháp liên quan đến việc mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm để kịp thời trấn an tâm lý dư luận, từ đó góp phần duy trì lành mạnh hệ thống tài chính.
Điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm – một số kinh nghiệm quốc tế
Sau năm 2008, nhằm hướng tới củng cố hệ thống BHTG, tăng cường bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và xoa dịu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng lên thị trường tài chính, nhiều quốc gia đã tuyên bố nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đây là một giải pháp chính sách hiệu quả bởi khi hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng cao, niềm tin công chúng sẽ được củng cố, tránh được tình trạng rút tiền hàng loạt trong người gửi tiền, đồng thời ngăn ngừa các phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ thống ngân hàng khi có sự cố xảy ra. Tiêu biểu có thể kể đến trường hợp của Tổng công ty BHTG Mỹ (FDIC) tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 100.000 USD lên đến 250.000 USD đến hết 31/12/2013, sau đó sẽ duy trì mức 250.000 USD này đến khi có quy định mới. Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính, đỉnh điểm là sự sụp đổi của ngân hàng Lehman Brothers, 2 quốc gia là Úc và New Zealand đã đồng loạt nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2008 nhằm trấn an tâm lý người gửi tiền, cụ thể: Úc tăng từ 0 lên 1 triệu đô-la Úc, New Zealand từ 0 lên 1 triệu đô-la New Zealand. Tại khu vực Châu Âu, một số quốc gia đã nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn, tiêu biểu có: Đức, Đan Mạch, Ireland. Đại diện khu vực Châu Á bao gồm: Hồng-Kông, Singapore cũng đã triển khai biện pháp chi trả không giới hạn để củng cố niềm tin người gửi tiền.
Có thể nói, việc nâng cao tối đa hạn mức trả tiền bảo hiểm hoặc chuyển hẳn sang hình thức chi trả không giới hạn là một biện pháp được hầu hết các quốc gia sử dụng bởi tính chất kịp thời và hiệu quả trong việc bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, ổn định thị trường tài chính và giảm thiểu tối đa các rủi ro bất thường trong hệ thống ngân hàng. Sau năm 2010 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dịu đi, nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp bảo vệ tạm thời cho người gửi tiền bằng việc tuyên bố thời gian hiệu lực của hạn mức trả tiền bảo hiểm đã áp dụng hoặc là chuyển từ chi trả không giới hạn sang chi trả có hạn mức nhất định. Tuy nhiên, đa số các quốc gia đều duy trì hạn mức trả tiền bảo hiểm cao hơn giai đoạn trước khủng hoảng tài chính vì đây chính là giai đoạn cần duy trì lành mạnh mạng tài chính quốc gia và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng.
Điều chỉnh trong hạn mức trả tiền bảo hiểm của một số quốc gia
Quốc gia |
Đồng tiền |
Tháng 9/2008 |
Tháng 12/2008 |
Tháng 1/2011 |
Tỷ lệ hạn mức trả tiền BH/GDP bình quân |
Mỹ |
$ |
100.000 |
250.000 |
250.000 |
5,1 |
Đan Mạch |
DKR |
300.000 |
Không giới hạn |
750.000 |
19,94 |
Đức |
EUR |
20.000 |
Không giới hạn |
100.000 |
2,60 |
Ireland |
EUR |
20.000 |
Không giới hạn |
Không giới hạn |
|
New Zealand |
NZD |
0 |
1.000.000 |
500.000 |
17,85 |
Úc |
A$ |
0 |
1.000.000 |
1.000.000 |
24,5 |
Hong Kong |
HKD$ |
|
Không giới hạn |
500.000 |
10,04 |
Singapore |
SGD |
20.000 |
Không giới hạn |
|
|
Nguồn: Financial Stability Board (2009, 2010); OECD (2011).
Nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm - thực tiễn Việt Nam và một số kinh nghiệm rút ra
Trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, là tổ chức bảo vệ người gửi tiền trên lãnh thổ Việt Nam, BHTGVN đang từng bước tích cực tham gia hoàn thiện chính sách góp phần bảo vệ tốt nhất người gửi tiền, duy trì niềm tin công chúng và đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề đang được công chúng quan tâm là hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam là 50 triệu VNĐ, được điều chỉnh năm 2005 từ mức 30 triệu đồng khi thành lập BHTGVN vào năm 2000. Nếu tính ở thời điểm năm 2005, hạn mức 50 triệu đồng được coi là phù hợp với điều kiện thực tế vì nó gấp 5 lần GDP bình quân đầu người và có thể bảo vệ được khoảng hơn 80% tài khoản tiền gửi trong trường hợp phá sản hoặc giải thể ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2005 đến nay, với tình hình biến động tỷ giá ở mức gần 30%, lạm phát tăng cao ở mức bình quân 11,62%/năm và GDP khoảng 1.600 USD hiện nay (tương đương 33 triệu đồng) thì con số 50 triệu đồng (chỉ gấp 1,5 lần GDP) là quá thấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là một nhu cầu thiết yếu góp phần củng cố và nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng tài chính trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khi xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng cần cân nhắc một số nhân tố có tác động trực tiếp đến vấn đề này, cụ thể: thu nhập bình quân đầu người, yếu tố lạm phát, năng lực tài chính của tổ chức BHTG và các diễn biến trên thị trường tiền tệ từng thời kỳ…Hạn mức trả tiền bảo hiểm nên ở mức cao vừa đủ để ngăn ngừa phát sinh rủi ro đạo đức và góp phần củng cố tâm lý của người gửi tiền, giúp họ an tâm gửi tiền vào ngân hàng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như lợi nhuận cho hệ thống ngân hàng. Thực tiễn chính sách hạn mức trả tiền bảo hiểm tại một số nước cho thấy, tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ/tổng số tiền gửi tương đương 40%, trong khi ở Việt Nam, con số này hiện chỉ dừng lại ở mức 15% là quá thấp. Xét trên bối cảnh thực tế của nền kinh tế thị trường, hiện BHTGVN đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ về việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 50 triệu đồng lên khoảng 200 - 300 triệu đồng. Theo tính toán, với hạn mức này, khoảng 90% người gửi tiền sẽ được bảo hiểm và tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ/tổng số dư tiền gửi sẽ tăng lên 30%.
Có thể nói, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng và góp phần duy trì sức khỏe hệ thống tài chính mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, việc sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm đồng nghĩ người gửi tiền trên lãnh thổ Việt Nam được bảo vệ tốt hơn cũng như hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn, lành mạnh hơn trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- Deposit Insurance Coverage – Discussion Paper by IADI.
- Financial Stability Board (2009 – 2010).