Được thành lập từ năm 1988, là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), được tổ chức theo mô hình giảm thiểu rủi ro, hoạt động theo Luật Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nigeria (Luật NDIC) năm 2006, NDIC đã triển khai khá đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, tuân thủ theo các nguyên tắc phát triển Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả trên cơ sở khuyến nghị của IADI. Việc bảo vệ người gửi tiền được thực hiện thông qua các nghiệp vụ chủ yếu như: giám sát các tổ chức tham gia BHTG, thu phí BHTG linh hoạt trên cơ sở rủi ro; Chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại các ngân hàng nhận tiền gửi với hạn mức 500.000 NGN (tương đương với 3.170 USD) và chi trả cho người gửi tiền tại các tổ chức tài chính vi mô theo hạn mức 200.000 NGN (tương đương 1.270 USD) khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản giải thể; thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đổ vỡ để thu hồi vốn trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề, kinh nghiệm của NDIC là gợi ý hiệu quả đối với quá trình xây dựng Luật và hoàn thiện chính sách BHTG tại Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số ví dụ trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề tại Nigeria của NDIC, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Kinh nghiệm xử lý tổ chức tín dụng “có vấn đề” tại Nigeria:
- Khung pháp lý:
Thẩm quyền và vai trò của NDIC trong việc xử lý các tổ chức tín dụng đổ vỡ và có nguy cơ đổ vỡ tại Nigeria hiện nay được thực hiện theo các quy định tại Nghị định về Phá sản ngân hàng ban hành năm 1994, Luật NDIC ban hành năm 2006. Theo đó, NDIC đã được quy định rõ về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn khi tham gia xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề. Điều này đã tạo ra khung pháp lý vững chắc, làm cơ sở cho quá trình tác nghiệp trong hoạt động vốn khá nhạy cảm này của NDIC.
- Các biện pháp NDIC sử dụng trong xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề:
Theo Luật NDIC, những quy định về tái cấu trúc các tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ được quy định tại phần VIII của Đạo luật này, theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bên cạnh biện pháp chi trả tiền gửi, NDIC có thể sử dụng các biện pháp như cho vay hỗ trợ tài chính, tiếp nhận và mua lại tổ chức tín dụng có vấn đề (P&A) hoặc sử dụng ngân hàng bắc cầu (Bridge bank) để xử lý các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng khó khăn và chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG phá sản, giải thể.
* Biện pháp chi trả tiền gửi:
Sử dụng biện pháp chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, NDIC đã chi trả một số tiền tương đương với 12,6 triệu USD cho 71.000 người gửi tiền thuộc 103 tổ chức tài chính vi mô Nigeria (MFB) đóng cửa vào năm 2010, chi trả số tiền tương đương với 20,9 triệu USD cho 32,9 triệu USD tiền gửi được bảo hiểm ở 35 ngân hàng nhận tiền gửi bị giải thể từ năm 2004, do đó đảm bảo người gửi tiền nhận được tiền gửi nhanh chóng, chính xác, không có khiếu kiện.
* Biện pháp cho vay hỗ trợ tài chính:
NDIC xem xét cung cấp các khoản cho vay hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG trong một số trường hợp sau: Khi tổ chức tín dụng có khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người gửi tiền và các chủ nợ khác; Liên tục gặp khó khăn trong thanh khoản; Có lỗ lũy kế lớn hơn quỹ cổ đông. Việc sử dụng biện pháp hỗ trợ tài chính giúp các tổ chức tham gia BHTG tại Nigeria thoát khỏi những khó khăn trong quá trình hoạt động để tránh những đổ vỡ không đáng có gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nói chung.
* Biện pháp tiếp nhận và mua lại nợ (P&A) các tổ chức tín dụng có vấn đề:
Trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng đổ vỡ, biện pháp tiếp nhận và mua lại nợ đã được NDIC ứng dụng khá hiệu quả, tránh được những đổ vỡ dây chuyền cũng như hành vi rút tiền hàng loạt từ phía người dân.
Ví dụ tiêu biểu, tháng 1/2006, 11 ngân hàng tại Nigeria phải đóng cửa do mất khả năng thanh khoản, được sự cho phép của Chính phủ và sự hỗ trợ từ ngân hàng trung ương Nigeria, NDIC đã cam kết sẽ bảo hiểm toàn bộ tiền gửi cho người gửi tiền tại các ngân hàng này đồng thời quyết định sử dụng biện pháp tiếp nhận và mua lại để xử lý các ngân hàng đó.
Ưu điểm của biện pháp P&A trong quá trình xử lý ngân hàng đổ vỡ tại Nigeria thể hiện qua một số điểm như: tạo điều kiện thuận lợi cho người gửi tiền tiếp cận dễ dàng với tiền gửi; khách hàng của các ngân hàng đổ vỡ được tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng như trước thời điểm các ngân hàng này bị phá sản; khuyến khích người gửi tiền thiết lập mối quan hệ với các ngân hàng tiếp nhận, mua lại ngân hàng bị đổ vỡ và thúc đẩy văn hóa ngân hàng, yếu tố rất quan trọng để huy động tiền gửi tiết kiệm phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, NDIC cũng phải đương đầu với nhiều thách thức như: thách thức về pháp lý của chủ sở hữu và các giám đốc ngân hàng phá sản; thất bại trong quá trình thuyết phục các ngân hàng tiếp nhận, mua lại các tài sản rủi ro; các chi phí liên quan đến thanh lý ngân hàng và các chi phí khác bị vượt so với dự tính; một số máy chủ chứa cơ sở dữ liệu của các ngân hàng đóng cửa bị hỏng hóc dẫn đến việc truy cập các thông tin quan trọng bị hạn chế.
Đến ngày 31/12/2009, dưới sự chủ trì của NDIC, các thỏa thuận P&A đã được ký kết đối với tất cả 11 ngân hàng đóng cửa trong năm 2006. Các khoản tiền gửi cá nhân và một số tài sản giả định của các ngân hàng đóng cửa đã được mua lại bởi các ngân hàng lành mạnh khác nhau.
* Biện pháp ngân hàng bắc cầu (Bridge Bank):
Theo quy định tại Luật NDIC, để xử lý ngân hàng đổ vỡ một cách hiệu quả, NDIC thông qua việc trao đổi thống nhất ý kiến với Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) có thể thành lập ngân hàng bắc cầu (BBs) để tiếp nhận toàn bộ tiền gửi, các khoản nợ cũng như tài sản của ngân hàng phá sản và thực hiện những chức năng kinh doanh khác do NDIC quy định. BBs được NDIC tổ chức quản lý, miễn các quy định về phát hành, thanh toán vốn, các quỹ và cung cấp kinh phí hoạt động. Thời gian hoạt động của BBs là 2 năm, nếu cần thiết NDIC có thể gia hạn thời gian tồn tại của BBs tối đa ba lần, mỗi lần không quá một năm.
Sử dụng BBs giúp NDIC có thời gian cải tổ lại hoạt động của các ngân hàng phá sản, tìm kiếm được người mua lại phù hợp, đồng thời trong trường hợp ngân hàng phá sản lớn, trước mắt quỹ BHTG chưa đủ khả năng chi trả, sử dụng BBs giúp NDIC có khoảng thời gian nhất định để lựa chọn phương án tối ưu và các giải quyết phù hợp, thu hồi được tối đa các khoản vay cũng như giá trị tài sản của ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm như có thể dẫn đến phát sinh những chi phí ngoài dự kiến và kéo dài thời gian xử lý đổ vỡ dự kiến.
Điển hình, Nigeria xử lý các vướng mắc trong hoạt động ngân hàng từ 2009-2011 bằng việc sử dụng biện pháp BBs. Năm 2009, CBN và NDIC đã thực hiện cuộc kiểm tra toàn diện đối với 24 ngân hàng nhận tiền gửi tại Nigeria để đánh giá chất lượng hoạt động trên các phương diện như khả năng thanh khoản, mức độ an toàn vốn; khả năng quản trị rủi ro, và quản trị hoạt động. 10 ngân hàng trong số đó bị đánh giá là có những thiếu sót nghiêm trọng về an toàn vốn. Ngay lập tức, 10 ngân hàng được giải cứu bằng cách bơm thêm vốn mới (tổng cộng khoảng 620 tỷ NGN) dưới hình thức vốn cấp 2. Hai năm sau khi thực hiện cải cách ngân hàng, 7/10 ngân hàng đã thực hiện cơ cấu theo đúng lộ trình tái cơ cấu của CBN. Tuy nhiên, 3 ngân hàng còn lại (Afribank Plc, ngân hàng PHB Plc và ngân hàng Spring Plc) đã không thể hiện được năng lực cần thiết cũng như khả năng tái cơ cấu vốn theo yêu cầu của CBN đúng thời hạn đặt ra. NDIC đưa ra quyết định sử dụng biện pháp ngân hàng bắc cầu để giải quyết các vấn đề của 3 ngân hàng này. Theo đó, tài sản có và tài sản nợ của 3 ngân hàng bị thu hồi giấy phép sẽ được chuyển giao cho BBs do NDIC thành lập. NDIC sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động của BBs theo luật nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong hoạt động ngân hàng.
Đến 06/08/2011, Công ty quản lý tài sản Nigeria (AMCON) đã mua lại toàn bộ ba ngân hàng bắc cầu này. Với việc bán thành công các ngân hàng bắc cầu, NDIC đã hoàn thành mục tiêu chính, đảm bảo người gửi tiền trong ngân hàng không bị mất tiền, phù hợp với cam kết công khai của Chính phủ Liên bang và Tổng thống Nigeria: “người gửi tiền Nigeria sẽ không phải gánh chịu tổn thất khi xảy ra đổ vỡ trong hoạt động ngân hàng trong quá trình xử lý khủng hoảng”.
Bài học đối với Việt Nam:
Thông qua phân tích kinh nghiệm xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề của NDIC có thể nhận thấy các quy định liên quan đến vấn đề xử lý tổ chức tín dụng có vấn đề tại Nigeria được quy định khá cụ thể, chặt chẽ, các biện pháp áp dụng đa dạng và phù hợp với thông lệ quốc tế. NDIC được sự hậu thuẫn và hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ cũng như CBN, nhờ đó ngay cả khi một loạt các ngân hàng bị phá sản, NDIC cũng có đầy đủ các công cụ để giải quyết êm thấm vấn đề, tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và gây bất ổn, khủng hoảng lây lan trong hệ thống ngân hàng, tổn hại đến nền kinh tế quốc gia.
Nhìn lại hoạt động xử lý các tổ chức tín dụng “có vấn đề” tại Việt Nam, có thể thấy còn nhiều khoảng trống trong các quy định của pháp luật về quá trình xử lý các tổ chức tín dụng phá sản, đổ vỡ. Luật Phá sản được ban hành từ năm 2004 vốn không đi vào cuộc sống nên áp dụng với các ngân hàng càng gặp nhiều khó khăn. Việc giải quyết triệt để, kết thúc các tổ chức tín dụng đặc biệt là các ngân hàng còn nhiều vướng mắc, do vậy, một số ngân hàng như Nam Đô, Việt Hoa bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thực tế không còn tồn tại trên thị trường, chỉ còn là những cái tên song vẫn không thể tuyên bố phá sản hay có hướng giải quyết triệt để. Các biện pháp xử lý tổ chức tín dụng có vấn đề theo phương pháp hiện đại đảm bảo nguyên tắc thị trường với chi phí tổi thiểu chưa có cơ chế và quy định cụ thể để áp dụng nên hiệu quả xử lý không cao. Do đó, yêu cầu quan trọng đặt ra trong thời gian tới là xác định được tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm chính trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng đổ vỡ để thống nhất quản lý cũng như trang bị cho tổ chức này những công cụ cần thiết để giải quyết các tổ chức tín dụng có vấn đề. Theo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức thích hợp nhất để tiếp nhận ngân hàng đổ vỡ và cũng thường là chủ nợ lớn nhất của các ngân hàng này chính là tổ chức BHTG. Do đó trong thời gian tới, để BHTG Việt Nam nâng cao được hiệu quả trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề, phát huy được tốt nhất vai trò của mình trong quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, đồng thời quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng theo định hướng của Chính phủ đạt được kết quả cao nhất tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, xác định rõ vai trò của BHTGVN trong mạng an toàn tài chính quốc gia cũng như trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Tăng cường vai trò cũng như khả năng chủ động của BHTG Việt Nam trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng “có vấn đề”, trang bị cho tổ chức này đầy đủ các công cụ cần thiết về mặt pháp lý cũng như tài chính để giải quyết các vụ đổ vỡ ngân hàng một cách “êm thấm” nhất.
Hai là, nghiên cứu áp dụng các biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng có vấn đề hiện đại như OBA, P&A và BB tại Việt Nam. Để đảm bảo nguyên tắc xử lý theo chi phí tối thiểu, từ đó có thể kết thúc được quá trình thanh lý ngân hàng một cách hiệu quả nhất.
Ba là, nâng cao năng lực tài chính cho BHTG Việt Nam để tổ chức này có đủ điều kiện và khả năng ứng dụng các biện pháp xử lý các tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ theo phương pháp tiên tiến nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Nigeria 2006
- www. ndic.org.ng
- www.div.gov.vn