Thanh khoản đang dồi dào
Thông thường những tháng cuối năm, cầu tín dụng tăng mạnh nên các NH luôn phải có giải pháp đảm bảo đủ nguồn vốn để giải ngân. Năm nay mặc dù tín dụng tăng tương đối đều từ những tháng đầu năm nhưng cũng khó tránh khỏi tình trạng "tăng tốc để về đích", nhất là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải có giải pháp để đẩy mạnh tín dụng hơn so với mục tiêu ban đầu. Vì thế ngay cuối quý III, các NH đã phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn vốn.
Hiện những chỉ số liên quan đến nguồn vốn, khả năng thanh khoản của cả hệ thống NH đang khá tốt. Phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tuần qua cho thấy, thanh khoản hệ thống NH đã có phần dư thừa hơn so với tuần trước đó khi NHNN hút ròng 6.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tuần qua. Trong khi đó, lãi suất liên NH tiếp tục xu hướng giảm nhẹ đối với cả hai loại kỳ hạn: 1 tuần và 2 tuần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm 0,2% về mức 0,65%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,13%, về mức 1,32%/năm; kỳ hạn qua đêm giữ nguyên không đổi so với tuần trước đó ở mức 1,15%/năm.
Hay như tại Đồng Tháp, huy động vốn đến nửa đầu năm đạt 34.179 tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm. Còn tại Hà Nội, đến hết tháng 7/2017, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.761.987 tỷ đồng, tăng 7,15% so với cuối năm 2016.Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, NH vẫn duy trì nguồn vốn khá tốt để phục vụ cho vay những tháng cuối năm. Đúng là so với các NH khác, Agribank có hệ thống chi nhánh xuống tận cấp huyện nên việc huy động vốn cũng nhiều thuận lợi. Báo cáo của các chi nhánh NHNN một số địa phương cũng cho thấy, lượng tiền gửi vào nhà băng vẫn giữ ở mức tăng khá ổn định. Đơn cử như tại Thanh Hóa, tổng nguồn vốn huy động đến 31/7/2017 là 67.370 tỷ đồng, tăng 5.960 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 84,3% tổng nguồn vốn huy động, tăng 8.082 tỷ đồng (tăng 16,6%) so với đầu năm; Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 9.355 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,9% tổng nguồn vốn huy động...
Những con số trên đang cho thấy, huy động vốn ở nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục giữ được “phong độ” khi tiền gửi tiết kiệm vốn là kênh hấp dẫn người có tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, tốc độ tăng trưởng huy động vốn 6 tháng đầu năm đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, khi tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng trưởng 9,06%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016.
Ngân hàng không chủ quan
Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản thời gian qua được hỗ trợ thêm từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Điều này có được cũng bởi vì giải ngân đầu tư ngân sách nhà nước chậm.
Theo số liệu 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ hoàn thành 30% kế hoạch đề ra. Một nguồn vốn khác được bơm ra thị trường cũng phải kể tới đó là cung nội tệ từ việc NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ thời gian qua. Ngoài các yếu tố này, theo các chuyên gia tài chính – NH, kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn có sức hút nhất định. Bởi thị trường vàng hiện khá trầm lắng, bất động sản có dấu hiệu chững, còn chứng khoán liên tục điều chỉnh... khiến nhiều người chọn gửi tiết kiệm, mức sinh lời, tuy có thể không cao bằng các kênh đầu tư kia nhưng rủi ro gần như bằng không.
Đặc biệt, chính sách điều hành của NHNN thời gian qua cũng tạo điều kiện cho các TCTD chủ động hơn trong cân đối nguồn vốn. Trong đợt điều chỉnh lãi suất hồi đầu tháng 7, NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH. Bên cạnh đó, việc chủ trương duy trì mức lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% của NHNN đã củng cố cho việc gia tăng niềm tin vào VND. Và theo như phân tích của một vụ chức năng NHNN thì thời gian qua có một lượng lớn ngoại tệ được chuyển sang VND. Điều này cũng đã giúp tăng tính hấp dẫn của tiền gửi VND.
Lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết, thông thường những tháng cuối năm NH phải chủ động hơn trong huy động nguồn vốn. Nếu như nguồn vốn căng thẳng thì NH sẽ phải tăng lãi suất huy động. Nhưng năm nay, chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất nên các NHTM sẽ rất cân nhắc khi muốn điều chỉnh lãi suất. Hơn nữa do lãi suất cho vay đã giảm nhiều, nên nếu giờ tăng lãi suất huy động sẽ khiến NH gặp khó khăn. Do đó việc cạnh tranh hút vốn bằng tăng lãi suất huy động khó có thể xảy ra, có chăng chỉ là NH tri ân khách hàng bằng cách quay số trúng thưởng và tặng quà theo đúng quy định.
Ngoài ra, các NHTM cũng cho rằng, sau giai đoạn Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn vừa qua các NH cũng nâng cao năng lực quản trị, điều hành trong đó có việc quản trị, điều hành nguồn vốn huy động và cho vay phải đảm bảo an toàn. Cùng với đó các tiêu chí về tỷ lệ an toàn trong hoạt động NH theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD phải được đảm bảo nên các NH phải kiểm soát tốt việc cân đối giữa huy động vốn và cho vay, đảm bảo đủ nguồn cho tín dụng cuối năm.