Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực: lý do mà Chính phủ ban hành Quyết định số 13 là bởi lâu nay một số TCTD khi muốn cho vay vượt giới hạn đối với một khách hàng, lĩnh vực ngành nghề nào đó thường phải trình xin ý kiến của Chính phủ. Thủ tục trình cho đến khi được cho phép thực hiện cũng mất thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của cả hai bên. Vì vậy, Chính phủ pháp lý hóa cơ chế để tất cả các NH chủ động thực hiện cấp tín dụng, thay vì làm lẻ mẻ như trước đây.Theo đó, khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn có phạm vi và nhóm đối tượng khá lớn, với các điều kiện cụ thể. Cơ chế này dành cho khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ. Hoặc khách hàng vay vốn triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, TS. Lực cũng lưu ý đây không phải là chủ trương nới lỏng điều kiện mà chỉ nới hạn mức cấp tín dụng. Còn điều kiện để được hưởng cơ chế khá chặt chẽ với quy định hết sức cụ thể.
Chẳng hạn: Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đảm bảo khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, khách hàng không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, quyết định trên cũng nêu các điều kiện TCTD phải đáp ứng khi thực hiện cơ chế này.
Cụ thể, tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, TCTD đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD và các quy định pháp luật có liên quan…
Một lý do quan trọng nữa dẫn đến sự đồng ý chủ trương cho phép các NH được cho vay vượt giới hạn, được một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển nên cần nhiều dự án đầu tư quy mô lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là gần như các nhu cầu tài chính của nền kinh tế bao gồm cả DN và người dân đều phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống NH. Trong khi đó quy mô vốn của các NH không phải là quá lớn để có thể đáp ứng ngay những dự án lớn như vậy.
Đấy là xét ở góc độ vĩ mô. Còn ở khía cạnh hẹp hơn, thì các NH cũng gặp chốt chặn trần về tỷ lệ cấp tín dụng. Theo quy định tại Thông tư 36, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NH và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của NH đó. Nếu muốn tăng hạn mức tín dụng lên cho khách hàng thì NH đó phải tăng vốn nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn rủi ro mới có thể nâng hạn mức cho vay được. Nhưng vài năm trước đâu phải các NH cứ muốn tăng là được.
Thực tế là rất nhiều NH lỗi hẹn với kế hoạch tăng vốn. Chỉ có một hai năm trở lại đây với sự khởi sắc trong lợi nhuận và cộng hưởng từ tăng trưởng nhanh của TTCK các NH mới tăng vốn thuận lợi hơn. Song cũng không phải tất cả các NH đều làm được điều này, nhất là NH quy mô nhỏ, NH yếu kém thì đây vẫn là một thách thức.
Sự linh hoạt trên được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết gỡ thế bí cho cả nền kinh tế và NH. Khi có chủ trương này, các NH cũng mạnh dạn tham gia tài trợ đối với các dự án có quy mô lớn theo hình thức hợp vốn, vừa hạn chế tập trung vốn lớn cho khách hàng vừa phân tán rủi ro.
“Trên thế giới, nhiều nước cũng hạn chế giao dịch quá tập trung một đối tượng. Nếu đối tượng khách hàng đó gặp rủi ro thì kéo NH đi xuống luôn. Vì thế, các NH trên thế giới cũng không khuyến khích một NH cho vay tập trung một đối tượng mà phân tán rủi ro qua hình thức cho vay hợp vốn”, một lãnh đạo NH cho biết và lưu ý thêm, dù đó là những dự án được ưu tiên nhưng các NH cũng sẽ thận trọng trong việc xét duyệt cho vay chứ không cho vay theo “cảm tính” được.
Có chung quan điểm thận trọng, một lãnh đạo NH cho biết vốn đầu tư của các dự án rất lớn, nếu dự án không hiệu quả, không trả được nợ, NH lại bị chôn vốn trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của NH, nợ xấu gia tăng. “Do vậy, quan điểm của NH là dù có được cho phép cấp vượt hạn mức tín dụng, các NH vẫn cần phải liệu cơm gắp mắm, mèo nhỏ nên bắt chuột nhỏ. NH có vốn nhỏ không nên tham gia dự án lớn”, vị này đưa ra quan điểm.
Đánh giá quy định trên là cần thiết nhưng TS. Võ Trí Thành cũng nhất trí, việc thực hiện cho vay vượt giới hạn mức tín dụng phải được thực hiện rất thận trọng đảm bảo ổn định lành mạnh của TCTD. Mặc dù đó là những dự án ưu tiên nhưng việc lựa chọn đối tác, và đi sâu hơn là tính khả thi dự án đặc biệt là các dự án lớn cần phải tính toán một cách cẩn trọng.
“Với quy định trên, bản thân NH có không gian bơm vốn nhưng với sức khỏe các NH trong hệ thống chưa đồng đều thì cần phải thận trọng hơn gắn với sự giám sát chặt chẽ đối với dự án đặc biệt lớn và quan trọng nữa là không nên có sự “áp đặt” đối với việc cấp tín dụng. Thực tế, ngay cả khi các NH thực hiện cho vay hợp vốn chia sẻ rủi ro nhưng chưa chắc đã hoàn toàn an toàn. Vì một NH bị khó khăn thì các NH khác sẽ bị ảnh hưởng theo”, TS. Thành đưa ra những cảnh báo.