Với khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, khác với các năm trước, tín dụng năm nay tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn xảy ra tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào cuối năm. Kết quả 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.
Lãi suất vay hợp lý, thủ tục vay rút ngắn
Vốn tín dụng đến với doanh nghiệp đã có lãi suất hợp lý, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ. Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” diễn ra ngày 19/10 vừa qua, các chuyên gia đều đánh giá cao chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, là chương trình hành động cụ thể, chưa từng có tiền lệ đối với một cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, thành công lớn nhất của chương trình là "từ chỗ doanh nghiệp đi tìm ngân hàng, sau đó ngân hàng đi tìm doanh nghiệp, giờ cả hai đã tìm đến nhau, cùng bắt tay hợp tác, không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng ngày càng được củng cố". Chương trình còn cho thấy tính chủ động, sáng tạo và sự tích cực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía NHNN, các NHTM.
Nói về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định, đây là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc khẳng định, về phía NHNN sẽ luôn điều hành tiền tệ công khai, minh bạch, phát đi thông điệp chủ động cho thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giải quyết các thủ tục vay, xây dựng quy trình vay là một trong những vấn đề cải tiến hàng đầu của các ngân hàng hiện nay nhằm đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong quý 3/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN. Theo quyết định này, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy nhu cầu của tổ chức, công dân. NHNN cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN, phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết.
Theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội vụ trong 4 năm (2013 - 2016), trong số 19 bộ ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu.
Tại buổi kiểm tra công tác cải cách hành chính ngân hàng ngày 20/10 vừa qua do NHNN tổ chức tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hồ sơ - thủ tục vay hiện nay đã nhanh gọn hơn rất nhiều so với trước đây. Sau 2 buổi làm việc với các doanh nghiệp và đột xuất kiểm tra một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét ngân hàng hiệu quả là lãi suất thấp mà thời gian làm thủ tục vay cũng phải rút ngắn nhất.
Đồng hành cùng bà con nông dân
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng trọng điểm khác cũng được ngành Ngân hàng triển khai tích cực, tháo gỡ dần những vướng mắc cho bà con ngư dân, nông dân vay vốn, như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/8/2017, các NHTM đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 1.043 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.353 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 9.327 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.153 tỷ đồng. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu và ngân hàng cho vay.
Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ cũng đạt những kết quả bước đầu, với dư nợ cho vay của các NHTM đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Để việc cho vay có hiệu quả, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đẩy mạnh triển khai chương trình.
Ngoài ra, vốn ngân hàng còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững, với gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số đến nay đạt 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo, như đã xây dựng được 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Những năm qua, mỗi khi đồng bào trên khắp các vùng miền bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động có những hỗ trợ thiết thực, giúp bà con khắc phục hậu quả. Vừa qua, để hỗ trợ người dân khắc phục hâu quả do bão lũ tháng 10/2017 gây ra, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành văn bản số 8377/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch HĐQT/ HĐTV, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ...
Thời gian tới, trong điều hành lãi suất, tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, NHNN cũng thực hiện các giải pháp và định hướng điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 372/TB-VPCP ngày 17/8/2017, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực.