Dữ liệu ngân hàng mở chính là dữ liệu cá nhân và tài chính (bao gồm cả đối tác tài chính) của khách hàng. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cho phép bên thứ ba quyền truy cập và kiểm soát các dữ liệu này dựa trên sự đồng ý của khách hàng về điều khoản dịch vụ khi sử dụng dịch vụ tài chính trực tuyến. Bên thứ ba ở đây thường là các công ty khởi nghiệp công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến.
Các dữ liệu ngân hàng mở có khả năng được dùng trong việc so sánh thông tin xác thực tài khoản, lịch sử giao dịch tài chính và tổng hợp dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng. Từ đó, bên thứ ba có thể thay mặt khách hàng tạo ra chương trình tiếp thị hoặc xác thực giao dịch, cập nhật sửa đổi, thay đổi tài khoản.
Ngân hàng mở được phát triển bằng công nghệ mã nguồn mở API (Application Programming Interface - ứng dụng giao diện lập trình). Công nghệ này cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Mục đích chính của API hoạt động trong ngân hàng mở là giúp kết nối các tài khoản của khách hàng và cho phép truy cập, truy xuất và đối chiếu các giao dịch giữa tổ chức tài chính với khách hàng để đảm bảo tính xác thực thông qua giao diện lập trình ứng dụng.
Nói tóm lại, ngân hàng mở là hoạt động trong đó ngân hàng cho phép bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính quyền được truy cập mở vào các dữ liệu cá nhân và tài chính của khách hàng mà ngân hàng lưu giữ thông qua việc sử dụng API.
Ứng dụng công nghệ ngân hàng mở: xu thế phát triển của ngành tài chính - ngân hàng
Ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng - tài chính. Với việc phát triển dịch vụ ngân hàng mở, các ngân hàng sẽ bắt đầu tạo mối quan hệ đối tác với một số ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba khác, dẫn đến một giai đoạn mới của tài chính mở. Điều này hỗ trợ chuyển đổi các ngân hàng thành “thị trường” cung cấp sản phẩm đặc thù từ đề nghị của tổ chức và nhà cung cấp bên thứ ba khác để khách hàng của họ lựa chọn. Bên cạnh đó, mô hình ngân hàng mở cũng tạo sự cạnh tranh nhiều hơn trong ngành tài chính. Bởi lẽ ngân hàng mở là nền tảng trung gian giúp dân chủ hóa khả năng cá nhân hóa, trong khi vẫn giữ cân bằng chi phí. Với ưu điểm này, mọi ngân hàng đều có thể nâng cao dịch vụ mà không còn phải lựa chọn giữa cá nhân hóa hay hiệu quả chi phí, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành tài chính. Nhưng chính sự cạnh tranh này mới buộc các ngân hàng liên tục nâng cấp dịch vụ để níu chân khách hàng. Hơn nữa, ngân hàng mở còn là cơ hội để các ngân hàng tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng, cũng như tạo ra nhiều cuộc trao đổi về chi tiêu và lựa chọn quản lý tiền. Quy định ngân hàng mở phụ thuộc rất nhiều vào API và đóng vai trò là tài sản quý giá cho các công ty dịch vụ tài chính. Bởi vì, nó cho phép họ tăng cường cung cấp dịch vụ, cải thiện sự tham gia của khách hàng và xây dựng các kênh doanh thu kỹ thuật số mới.
Với người sử dụng, ngân hàng mở là cơ hội để người dùng có quyền kiểm soát và sở hữu nhiều hơn đối với dữ liệu tài chính của mình. Điều này đặc biệt có liên quan khi nói đến việc tùy biến và cá nhân hóa sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngân hàng mở nhằm mục đích cho phép cá nhân quản lý tiền và thông tin an toàn hơn. Với việc sử dụng API, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tăng cường bảo mật vì có thể đặt giới hạn về thời gian truy cập, độ dài và phạm vi.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngân hàng mở là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn lại quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng.
Nền tảng ngân hàng mở còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác. “Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân (PFM) tốt hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính" - ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức vẫn đi cùng là điều khó tránh. Ngân hàng mở là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, công nghệ đã giúp ngành tài chính - ngân hàng chuyển đổi số tương đối tốt. Công nghệ lõi hầu như đã được áp dụng vào hầu hết các nhiệm vụ chính của hệ thống ngân hàng, bao gồm dịch vụ thanh toán, dịch vụ tư vấn và đại lý, đầu tư và tự doanh, cho vay và tài trợ, bảo hiểm, chứng khoán, tác nghiệp, giao dịch và an ninh mạng.
Theo ông Lực, có rất nhiều dịch vụ tài chính mới nổi đã và đang phát triển, trong đó có ngân hàng mở trên nền tảng giao diện lập trình ứng dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (crowd funding). Còn chứng khoán số (digital securities), bảo hiểm số (InsurTech), bất động sản số (proptech) có vẻ chậm hơn so với tài chính - ngân hàng.
Đối với ngân hàng mở, có 3 mô hình phố biến là thực cộng, mô hình bị động, và mô hình tích hợp. Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu đang đi theo mô hình thực cộng, tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái và bán hàng cho khách hàng.
Với mô hình bị động, ngân hàng sẽ là đại lý, kênh phân phối cho bên thứ ba quy mô lớn nào đó, ví dụ như bigtech. “Một vài ngân hàng nhỏ hay quỹ tín dụng có thể đi theo mô hình này” - ông Lực nói.
Mô hình tích hợp được đánh giá là tương đối tối ưu, phù hợp với xu hướng và xu thế. Với mô hình này, ngân hàng sẽ ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tuỳ theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau, cả ngân hàng và dịch vụ phi ngân hàng cùng lúc.
“Tôi rất khuyến khích các ngân hàng Việt Nam nên tiếp cận mô hình tích hợp. Mô hình tối ưu này tạo ra một hệ sinh thái tuyệt vời cho hệ thống ngân hàng, bao gồm các dịch vụ ngân hàng cơ bản, dịch vụ ngân hàng bổ sung và dịch vụ phi ngân hàng” - ông Lực khuyến nghị.
Ông Lực cho biết thêm, hiện có 108 quốc gia trên thế giới đã và đang hoàn thiện cơ chế chính sách để cho phép triển khai ngân hàng mở một cách bài bản, hệ thống. Riêng trong năm 2021, đã có khoảng 1.537 ngân hàng cung cấp nền tảng ngân hàng mở, tăng 175% so với năm trước.
Không khó để đoán được rằng các ngân hàng sẽ sớm ứng dụng ngân hàng mở vào phát triển mô hình kinh doanh mới. Đó gần như là kết quả xuất phát từ nhu cầu khách quan, đặc biệt là xu thế phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.
Mặc dù chưa có khuôn khổ pháp lý về ngân hàng mở nhưng thực tế đã có rất nhiều ngân hàng đang ứng dụng công nghệ ngân hàng mở. Có thể kể một số cái tên như VietinBank, OCB, Agribank, Bắc Á, BIDV, VPBank, Vietcombank... đều đã có những bước đi tiên phong trong việc mở API. Cụ thể, VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác (nền tảng iConnect); OCB đã triển khai hơn 30 API mở; BIDV triển khai nền tảng BIDV Paygate; ứng dụng ngân hàng số Timo kết hợp với VPBank, Bản Việt Bank…
Hoàn thiện pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam
Việt Nam là một trong số các quốc gia thức thời và sớm vạch ra chiến lược để đặt nền tảng và khai thác tiềm năng của ngân hàng mở. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Đây chính là nền tảng để các Bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bước đầu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động ngân hàng mở theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg, theo đó nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm.
NHNN cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở, tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở. Mục đích không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.
Thực tế, các API hiện nay được các ngân hàng Việt áp dụng mới chỉ là các kết nối song phương giữa ngân hàng và các đơn vị, chưa có một tiêu chuẩn chung thống nhất. Mặt khác, tuy không thể phủ nhận dữ liệu là “tài nguyên mới” trong bối cảnh kinh tế số, ngân hàng sẽ phát triển thành các tổ chức hoạt động dựa trên dữ liệu.
Phát triển ngân hàng mở đem lại nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng vẫn phải đối mặt với một số rủi ro như: Rủi ro lộ, lọt dữ liệu khách hàng; rủi ro tấn công mạng đến từ thời lượng, số lượng kết nối gia tăng giữa ngân hàng và các bên thứ ba; rủi ro lạm dụng, xâm phạm, đánh cắp dữ liệu khách hàng thông qua quá trình thu thập, khai thác dữ liệu của bên thứ ba.
Riêng về phía ngân hàng, sẽ gặp các thách thức về duy trì chất lượng và độ chính xác của dữ liệu; thách thức trong việc phân tích và khai thác tri thức từ dữ liệu; thách thức trong việc làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ dữ liệu rác… và quan trọng là bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng trong môi trường mạng.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…). Đồng thời, cũng chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…
Triển khai ngân hàng mở đòi hỏi phải rà soát, áp dụng và tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo vệ quyền riêng tư. Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp lý ở cấp độ Luật hay Nghị định điều chỉnh riêng và toàn diện hai vấn đề cốt lõi này liên quan đến ngân hàng mở. Nội dung đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, chia sẻ thông tin cho bên thứ ba được điều chỉnh theo một số quy định của luật chuyên ngành (Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng)… đồng thời chịu sự điều chỉnh bởi một số quy định trong các luật liên quan khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng,...
Chính phủ đang giao Bộ Công an xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân hướng đến việc quản lý việc xử lý dữ liệu cá nhân của các pháp nhân hoặc thể nhân. Nghị định quy định chi tiết về các hoạt động xử lý dữ liệu (thu thập, tiết lộ, phân tích, thay đổi, sử dụng, xóa,...), quyền của chủ thể dữ liệu và các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mục tiêu của Nghị định này là xây dựng được các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính dự báo về dữ liệu cá nhân, chủ dữ liệu cá nhân, quyền cơ bản của chủ dữ liệu cá nhân; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tạo cơ chế, chính sách đồng bộ trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thời gian tới, Bộ Công An cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng cơ chế, chính sách cho phép các ngành, dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông,...khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư kết hợp yếu tố sinh trắc học nhằm thúc đẩy việc mở tài khoản từ xa thông qua phương thức điện tử thuận tiện, an toàn và đảm bảo phòng chống rủi ro. Đồng thời, Bộ Công An sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và tạo thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phạm vi Nghị định cần bao trùm toàn bộ, đầy đủ hoạt động định danh và xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức trong mọi giao dịch điện tử.
Về phía NHNN hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về thu thập, khai thác, xử lý dữ liệu trong ngành ngân hàng; xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về Open API trong lĩnh vực thanh toán.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu bởi những nội dung mới cần được hiểu rõ đúng, đủ bản chất sự việc thì mới ban hành chính sách được.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành Thông tư về Open API trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, liên quan trực tiếp hoạt động của các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng và đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp triển khai hiệu quả.
Ông Dũng cũng lưu ý Ủy ban chính sách và Hiệp hội Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu chủ đề này, cố gắng chỉ rõ, đề xuất rõ các dịch vụ triển khai trên Open API, từ đó có cơ sở tham mưu cho NHNN, các bộ ngành và Chính phủ ban hành các văn bản, chính sách phù hợp để phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam.
Về phía các ngân hàng, cần có sự chủ động trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi, chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức dữ liệu cùng các giải pháp công nghệ phù hợp. Để đảm bảo an ninh, bảo mật, các ngân hàng nên xem xét và chuẩn bị tốt cho các kịch bản ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề không thể đoán trước, từ đó xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly bền vững. Các ngân hàng cần coi "Khách hàng là trọng tâm trong mọi quyết định chuyển đổi số". Với tâm niệm đó, ngân hàng sẽ đưa ra những chiến lược khác biệt trong việc định vị dịch vụ ngân hàng số thế hệ mới, xác định đây là sản phẩm cốt lõi, đem lại cho khách hàng giá trị và trải nghiệm tốt nhất.