Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam 2018 có sự tham dự của Ủy viên TW Đảng - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Ủy viên TW Đảng - Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Chu Ngọc Anh, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á Eric Sidgwick và Bí Thư thứ nhất của phái đoàn Chính phủ Úc tại Asean – bà Katherine Pohl. Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm của hơn 300 đại biểu, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước, các ngân hàng thương mại và đặc biệt là các doanh nghiệp Fintech Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Fintech đối với hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam trong “kỷ nguyên số”. Theo Thống đốc, sự hợp tác của Fintech và ngân hàng có thể đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính, xóa giảm đói nghèo, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Cụ thể là từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động chính thức cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN vào tháng 3/2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng. Xu thế hợp tác này ngày càng rõ nét trong vài năm gần đây vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng. Sự phát triển của Fintech và việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.
Thống đốc NHNN cho biết, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó chính là 5 nội dung chủ đề của cuộc thi FCV lần thứ nhất này. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ tài chính - ngân hàng, phát triển phổ cập tài chính sâu rộng hơn nữa tại Việt Nam, Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” được tổ chức trong 6 tháng qua với sự tham gia của 141 công ty Fintech (trong đó có 45 công ty Việt Nam và 96 công ty nước ngoài) đến từ 27 quốc gia thuộc 5 Châu lục. FCV xoay quanh 5 lĩnh vực công nghệ tài chính được NHNN quan tâm bao gồm: Thanh toán điện tử (e-payments), Định danh khách hàng điện tử (e-KYC); Cho vay ngang hàng (P2P Lending), Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain. Ban Giám khảo của FCV bao gồm các chuyên gia Fintech đến từ Việt Nam và quốc tế đã lựa chọn ra 6 đội khởi nghiệp xuất sắc nhất đạt các giải của Ban Tổ chức, trong đó có các đội đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Thống đốc đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi, qua đó Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN sẽ nắm bắt được sâu hơn các công nghệ đang nổi áp dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng kể trên, đồng thời đây cũng là dịp để các công ty tham gia có cơ hội giới thiệu rộng rãi các ý tưởng sáng tạo của mình cho nhà quản lý, cũng như các ngân hàng và nhà đầu tư.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN, nhiệm vụ quan trọng nhất mà NHNN cần triển khai trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox Framework) cho phép các doanh nghiệp/ dự án khởi nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo trong phạm vi nhất định, có thời hạn trên cơ sở giám sát từ NHNN. Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm này sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm mới dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho khách hàng cũng như các bên liên quan khi sử dụng dịch vụ..
Ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cấp cao, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “Ngân hàng Phát triển Châu Á luôn sẵn sàng hỗ trợ NHNN ở cả hai mục tiêu: khuyến khích phát triển Fintech và hoàn thiện hàng lang pháp lý. Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, để từ đó làm nền tảng phát triển fitech nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính”.
Diễn đàn quy tụ những chuyên gia hàng đầu thế giới, cũng như đại diện cơ quan quản lý của một số quốc gia sẽ chia sẻ về những xu thế phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ có tính đột phá nào sẽ được tận dụng trong hệ thống tài chính – ngân hàng trong thập niên tới và đặc biệt là những biện pháp quản lý nhà nước được áp dụng đối với lĩnh vực Fintech ở một số quốc gia. Đây là cơ hội quý giá để đại diện các cơ quan quản lý của Việt Nam, các ngân hàng và các doanh nghiệp Fintech nắm bắt thêm thông tin, kiến thức hữu ích, phục vụ cho hoạt động của tổ chức mình.
Chung kết FCV và Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam chứng minh cho việc tiếp nhận tích cực những đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trên nền tảng công nghệ của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính và nâng cao tính hiệu quả các dịch vụ tài chính.
Chương trình Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài Chính Việt Nam (FCV): Chung kết FCV và Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam là hai sự kiện thuộc chương trình Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính Việt Nam (FCV) năm 2017-2018. Các nhà đồng tổ chức của chương trình này gồm có NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự án MBI và Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Việt Nam. Các đối tác của FCV bao gồm 7 ngân hàng thương mại bao gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Shinhan Bank, TP Bank, VIB, VP Bank), với FPT là đối tác kỹ thuật cùng sự tham gia của hai vườn ươm khởi nghiệp làVietnam Silicon Valley và VIISA. |