Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành. Cụ thể: (i) Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022: Lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; Lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN tăng từ 5%/năm lên 6%/năm. (ii) Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 quy định trần lãi suất tiền gửi bằng VND tại các TCTD: đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm.
Ngân hàng thương mại nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất huy đông
Sau thời gian dài đứng yên, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước (Agibank, Vietcombank, Vietinbank) đã được điều chỉnh tăng thêm 1%.
Cụ thể, Vietcombank tăng lãi suất thêm 1%, lên 4,1%-4,4%/năm đối với hình thức gửi tại quầy lãi kỳ hạn 1-3 tháng. Với kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng, ngân hàng này tăng lãi suất lần lượt 0,8%/năm lên 6,4%/năm và tăng 1%, lên 6,4%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, đối với kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2%-1,3 % so với biểu mẫu cũ. Còn với kỳ hạn 12 và 24 tháng qua hình thức online có mức lãi suất tăng thêm 1%, mức cao nhất là 6,8%.
Một ông lớn khác là VietinBank cũng tham gia vào cuộc đua lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của ngân hàng này vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%, lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3-6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ hạn trên 12 tháng, VietinBank tăng thêm 0,8% so với trước, lên mức 6,4%/năm.
Ngân hàng Agribank cũng có bước điều chỉnh mạnh với lãi suất kỳ hạn cao nhất là 4,4%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên 6,4%/năm và tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm.
VietinBank, Vietcombank, Agribank thuộc nhóm 4 ngân hàng lớn nhất, chiếm 45% thị phần tiền gửi tại Việt Nam. Việc các ngân hàng này bắt đầu tăng lãi suất ảnh hưởng lớn đến lãi suất toàn thị trường. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất của 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh này chưa phải mức cao nhất so với một số nhà băng tư nhân như Techcombank, VPBank, SHB,...với lãi suất tăng lên trên mức 7%/năm.
Các NHTM cổ phần khác còn vào cuộc sớm hơn ngay sau khi NHNN thông báo điều chỉnh lãi suất, điển hình như ABBank là ngân hàng có mức tăng lãi suất cao nhất. Theo đó, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,7%-0,9% lãi suất ở một số kỳ hạn. Ví dụ với khoản tiền gửi từ 10-300 triệu đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng 0,8 lên 6,4%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,9 lên 6,6%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0,7 lên 6,7%/năm.
Sacombank tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,1% - 0,55 % so với kỳ điều chỉnh trước. Ngân hàng nâng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 3,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 5,4%/năm và 12 tháng lên 6%/năm.
Hay như BacABank tăng từ 0,1 - 0,15 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống tăng lên mức 4%/năm, kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng lên mức 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,9%/năm và trên 12 tháng tăng lên 7%/năm.
Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, có hiện tượng chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao. Tính đến ngày 31/8, tín dụng tăng trưởng gần 10%, trong khi huy động vốn mới gần 4%. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn. Bởi lẽ, mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đồng thời, cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022. Để có thêm nguồn tiền cho vay sau khi được NHNN nới room tín dụng, một số NHTM cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để thu hút người gửi tiền.
Lãi suất được điều hành linh hoạt, hóa giải “cú sốc” từ thị trường quốc tế
Ở góc độ điều hành, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có 5 lượt tăng lãi suất liên tiếp với mức tăng nhanh, mạnh trong vòng 40 năm qua và dự báo duy trì trên 4%/năm sau năm 2023. Để thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.
Theo đó, ngày 23/9/2022, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại TCTD; giữ nguyên trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của nền kinh tế; góp phần định hình và neo giữ kỳ vọng lạm phát; cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi; và phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới.
Tại họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý III/2022 vừa qua, trả lời báo chí về điều hành lãi suất, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, bối cảnh lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu, áp lực lạm phát với Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Kinh tế Việt Nam với độ mở cao, vẫn chủ yếu là nhập siêu, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Theo Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, để cho đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động rất lớn đến nhập khẩu. Do đó, thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát. “Về nguyên lý, không thể cùng lúc đồng thời ổn định cả lãi suất và tỷ giá. Đây là nhiệm vụ bất khả thi” – ông nói. Hơn nữa, trong bối cảnh FED tăng lãi suất USD với mức độ nhanh và mạnh, tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, dẫn đến mặt bằng tỷ giá trên phạm vi toàn cầu biến động lớn, các ngân hàng trung ương cũng phải nâng lãi suất để đảm bảo đồng tiền của mình không bị tác động quá lớn, hạn chế nguy cơ lạm phát nhập khẩu.
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, đối với vấn đề lãi suất, “giữ ổn định không có nghĩa là cố định”, điều kiện kinh tế trong nước và thế giới khác biệt rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Mặt bằng lạm phát trên toàn cầu thay đổi, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước thay đổi, không những thế, chiến tranh giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng, kéo theo lạm phát trên quy mô toàn cầu. “Điều kiện kinh tế đã thay đổi, nếu chúng ta giữ ổn định mặt bằng lãi suất khá lâu sẽ tác động đến đến tỷ giá và có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách lãi suất làm sao một mặt hóa giải cú sốc của thị trường thế giới, cũng như neo giữ tâm lý kỳ vọng lạm phát của người dân, đồng thời, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, góp phần ổn định thị trường và vĩ mô” – Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.
Thời gian tới, NHNN cho biết tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đồng bộ, sử dụng các công cụ trong chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác đảm bảo các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục vận động các TCTD tiết giảm chi phi hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đao của Chính phủ. Cũng tại họp báo Quý III của NHNN, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Vấn đề là điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát hiện nay. Về lãi suất cho vay trên tinh thần kêu gọi các NHTM đổi mới, ứng dụng công nghệ tiện ích, hiện đại, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người vay vốn. Việc này đã thực hiện rất tốt, hiệu quả trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua”.
Điều hành tỷ giá tiếp tục linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, đảm bảo cung ứng đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Đối với hạn mức tín dụng, NHNN đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 có xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. NHNN đang theo dõi, giám sát, đánh giá kịp thời tình hình tăng trưởng tín dụng của các NHTM, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề kiểm soát tín dụng một cách hợp lý, phù hợp, hiệu quả cho năm 2023 – được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Tín dụng thời gian tới tiếp tục tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, duy trì mức lãi suất cho vay theo quy định hiện hành đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31). Kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, chứng khoán...). Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, mua bán trái phiếu của các TCTD theo quy định đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội...