Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2017, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18% và điều chỉnh lên 21-22%) gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất kinh doanh
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 8/2017, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã tăng khoảng 11% so với cuối năm 2016. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất kinh doanh, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có tăng trưởng dương và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Chẳng hạn , dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 07 chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,88%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,58%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 18,59%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,98%...
Ngoài việc chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, ngay từ đầu năm để hạn chế tăng trưởng lĩnh vực rủi ro, NHNN đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các TCTD về việc kiểm soát hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đồng thời chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án BOT, BT giao thông. Do đó, tín dụng đối với các lĩnh vực này đều tăng trong sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng đến hết 30/6/2017 chiếm tỷ trọng trên 8% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông chiếm tỷ trọng 1,53% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.
Như vậy, tình hình tín dụng đối với nền kinh tế diễn biến theo định hướng của NHNN, các TCTD đã thực hiện nghiêm chỉ đạo là tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn ngân hàng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD, tháng 8/2017, NHNN đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD để mở rộng tín dụng có hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà, việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD được thực hiện tương tự như các năm trước đây và trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ...
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng để thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả; đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.