Ngân hàng Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO
Sau gần 10 năm gia nhập WTO, những thành tựu mà thị trường tài chính Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đạt được từ hội nhập là đáng kể, song những khó khăn và thách thức không phải ít. Bên cạnh những thành tựu nhìn thấy từ sự phát triển của hệ thống ngân hàng thì hội nhập quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh do mở rộng khả năng tiếp cận của các ngân hàng đối với các khu vực thị trường mới, các nhóm khách hàng có mức độ rủi ro thấp. Các ngân hàng nội sẽ có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ công nghệ và quản trị ngân hàng, đồng thời các ngân hàng trong nước còn có khả năng huy động các nguồn vốn từ thị trường tài chính quốc tế và sử dụng vốn có hiệu quả hơn để giảm thiểu rủi ro và các chi phí cơ hội.
Nguồn: tổng hợp từ SBV và DIV, cập nhật đến 31/09/2016
Tuy nhiên, khi lộ trình mở cửa của hệ thống ngân hàng Việt Nam sắp tiến đến giai đoạn mở rộng không giới hạn cho các TCTD nước ngoài vào năm 2020 thì các ngân hàng nước ngoài sẽ không chỉ thâm nhập thị trường ngân hàng Việt Nam nhiều hơn mà các ngân hàng này sẽ còn được phát triển tự do hơn trên mảng tài chính ngân hàng. Điều đó đòi hỏi các ngân hàng trong nước cũng buộc phải tái cơ cấu một cách toàn diện, nâng cao trình độ quản trị điều hành, nâng cao tính thanh khoản, phát triển dịch vụ ngân hàng và liên kết với nhau để tồn tại và cạnh tranh. Bởi sức ép từ phía các ngân hàng ngoại sắp tới sẽ càng gia tăng, khiến các NHTM Việt Nam phải tăng vốn, giải quyết nợ xấu hoặc sẽ phải tự mua bán và sáp nhập và tìm các đối tác chiến lược từ các nhà đầu tư ngoại.Đây được coi là động lực về cạnh tranh để các NHTM Việt Nam đi lên. Bên cạnh đó, trong giai đoạn quá độ để chuẩn bị hội nhập một cách toàn diện này, việc cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ thúc đẩy hiệu quả không chỉ trong huy động, phân bổ các nguồn vốn mà còn hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng. Khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ được nâng cao bởi cơ hội liên kết hợp tác với nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và khai thác thị trường. Và nếu giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam kết thúc mà một trong số các ngân hàng nội chưa có sự chuẩn bị kỹ, năng lực cạnh tranh còn yếu kém thì rất có thể sẽ bị đào thải, hoặc phải sáp nhập hoặc bán lại. Thị trường sẽ sàng lọc và những ngân hàng nào quản trị tốt, năng lực cạnh tranh cao sẽ tồn tại và phát triển mạnh để chuẩn bị cho những cuộc cạnh tranh mới.
Một số cam kết hội nhập quốc tế trong thời gian tới
Theo thống kê, tính đến 30/9/2016, Đài Loan và Hàn Quốc hiện là những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng chi nhánh NHNNg và văn phòng đại diện ngân hàng ở Việt Nam nhiều nhất. Trong đó, Đài loan có 13 chi nhánh NHNNg và 9 văn phòng đại diện, Hàn Quốc có 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 9 chi nhánh và 8 văn phòng đại diện. Những nước khác có số lượng lớn chi nhánh NHNNg và văn phòng đại diện ngân hàng tại Việt Nam là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức…Dự kiến số lượng ngân hàng trong khu vực ASEAN đầu tư vào thị trường ngân hàng Việt Nam sẽ còn gia tăng khi mức độ mở cửa ngành ngân hàng theo lộ trình cam kết hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)[1]tăng lên từ cuối năm 2015. Theo lộ trình cam kết cam kết chung với AEC, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho sở hữu nước ngoài vào ngành ngân hàng tối thiểu 70% vào năm 2015 và năm 2020 là 100%. Hiện tại, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (cao hơn nữa phải có sự chấp thuận của Chính Phủ), đối với lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm là 49%. Như vậy không chỉ ngân hàng ở các nước các thành viên WTO mà ngân hàng từ nhiều quốc gia khác trong khối cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ có cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện, Singapore và Thái Lan đang là 2 quốc gia dẫn đầu trong khối này về sự thâm nhập vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Điểm chung của hầu hết các ngân hàng trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam là đã có kinh nghiệm hoạt động lâu năm ở nước ngoài và đều muốn đẩy mạnh doanh thu ở thị trường khu vực những năm tới, nhất là ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Trước khi chính thức thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng này đều có những bước đi rất bài bản ở Việt Nam như lập liên doanh, trở thành cổ đông chiến lược, v.v.
Số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện ngân hàng ở Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp từ SBV và DIV cập nhật đến 31/09/2016
Ngày 04/02/2016, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)[2]. TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại), và mức độ cam kết rất cao, được đánh giá là FTA có mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Hiện tại, các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua Hiệp định. Dự kiến TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Đây được coi là một bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và cũng được kỳ vọng sẽ mở ra một cơ hội mới cho các NHTM Việt Nam nói riêng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực quản trị, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Một số nội dung cam kết về lĩnh vực ngân hàng trong TPP đáng lưu ý như:
- Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường, trong đó cho phép 12 nước thành viên cung cấp các dịch vụ ngân hàng xuyên biên giới trong khối, tức là các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ của bất cứ ngân hàng nào trong 12 nước thành viên TPP mà ngân hàng đó không cần mở chi nhánh tại Việt Nam và ngược lại. Đây là một đặc quyền tương đối mở mà ngay cả các thành viên trong khối WTO cũng chưa có. Đối với các thành viên WTO, việc cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng tại thị trường nước thành viên mới chỉ dừng lại ở việc cho phép các ngân hàng mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại thị trường nước thành viên. Việc cho phép cung cấp dịch vụ từ xa một cách trực tiếp giữa các nước thành viên như TPP đã mở rộng phạm vi tự do hóa ở mức độ rộng nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng khiến cho mức độ cạnh tranh của ngành dịch vụ ngân hàng càng khốc liệt hơn.
- Yêu cầu các nước thành viên không phân biệt quốc tịch khi tuyển dụng nhân sự cấp cao;
- Một điểm chặt chẽ hơn WTO, TPP yêu cầu các ngân hàng trung ương, NHTM phải minh bạch, cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ chi tiết và cập nhật hơn;
- Các Chính phủ phải ứng xử một cách công bằng với tất cả các nhà đầu tư.
Thách thức không nhỏ
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với các cam kết và lộ trình đã được ký kết thì việc mở cửa sâu rộng hơn nữa đối với lĩnh vực này là khó tránh khỏi. Khi đó, sự tham gia của một lượng lớn ngân hàng ngoại không chỉ trong khu vực ASEAN mà trên thế giới vào thị trường Việt Nam là điều đã được báo trước. Đây có thể được coi như một thách thức của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể, những thách thức đến từ chính những yếu kém của hệ thống ngân hàng trong nước như:
- Sản phẩm dịch vụ và công nghệ của ngân hàng trong nước còn chưa phong phú.
- Kỹ năng quản trị, dự phòng và xử lý rủi ro do phát sinh các rủi ro ngoại sinh từ khu vực thị trường tài chính trong khu vực và quốc tế của các ngân hàng trong nước chưa cao.
- Áp lực từ làn sóng mua lại và sáp nhập của các ngân hàng nước ngoài đến những quan ngại về chiến lược thâu tóm buộc các ngân hàng nội phải hoặc bằng mọi cách hoặc là tăng vốn, hoặc sẽ mở đường cho làn sóng mua bán và sáp nhập.
- Vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao, vấn đề nợ xấu chưa được xử lý triệt để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong khi áp lực cạnh tranh từ phía ngân hàng nước ngoài ngày một tăng.
Như vậy, do khả năng cạnh tranh còn hạn chế nên việc dỡ bỏ các rào cản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng theo các lộ trình hội nhập đã cam kết, sẽ làm tăng số lượng các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý càng làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Một số đề xuất
Từ những thách thức trên, có thể thấy, bên cạnh việc Chính phủ và NHNNVN tạo điều kiện cho các NHTM Việt Nam có thời gian quá độ để nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi các ngân hàng ngoại với ưu thế về vốn, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ và công nghệ có thể thâm nhập sâu vào thị trường thì NHNNVN cần: hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ngân hàng nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính, ngân hàng; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng để thanh lọc các ngân hàng yếu kém, củng cố hệ thống ngân hàng và chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh toàn diện sẽ diễn ra từ năm 2020.
Đối với các NHTM Việt Nam, bên cạnh việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng quản trị, thay đổi cơ cấu thu nhập sang hướng tăng thu dịch vụ, hệ thống ngân hàng trong nước phải quyết tâm thực hiện triệt để các biện pháp cải cách, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động, đặc biệt giải quyết vấn đề nợ xấu và quản trị ngân hàng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và khai thác tối đa các khoảng trống hiện nay trong thị trường dịch vụ ngân hàng để nhằm tạo thế cân bằng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tìm các đối tác chiến lược tham gia điều hành ngân hàng là các ngân hàng ngoại có tiềm lực tài chính mạnh hoặc các tổ chức tài chính lớn nước ngoài trong quá trình tái cơ cấu cũng là một cách để các ngân hàng trong nước tận dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh về vốn, quản lý tài sản, khả năng thanh khoản và nguồn lực quản lý, cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng tốt hơn đáp ứng cho quá trình hội nhập và phát triển sắp tới. Ngoài ra, đối với các ngân hàng trong nước có tiềm lực lớn, có thể mở rộng mạng lưới hoạt động ra nước ngoài (khu vực và thế giới) để tìm kiếm thị trường phát triển/.
[1]Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community - viết tắt: AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, khi bản tuyên bố thành lập chính thức có hiệu lực. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập là để thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn ASEAN 2020", nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020. Kế hoạch trung hạn 6 năm lần thứ hai của ASEAN (2004-2010) - Chương trình Hành động Vientian đã xác định rõ hơn mục đích của AEC là: tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hội nhập nhanh hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN.
[2]Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp định thương mại tự do với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định này được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước sáng lập Singapore, Chile, New Zealand, Brunei (vì vậy Hiệp định này còn gọi là P4). Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP, bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Các nước tham gia đàm phán xem TPP là một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) toàn diện và với tiêu chuẩn cao, gồm cả những cam kết cao hơn các mức cam kết đã được thiết lập trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nền kinh tế tham gia vào TPP này đóng góp 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại thế giới.
Tài liệu tham khảo
3. Brock R. Williams (2013), Trans-Pacific Partnership (TPP) Countries: Comparative Trade and Economic Analysis, CRS Report for Congress.