Nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục “đổ” vào các ngân hàng thời gian gần đây cho thấy sức hấp dẫn của ngân hàng Việt Nam. Kể từ cuối tháng 12/2017 đến nay đã có nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Việt và nhà đầu tư nước ngoài được ký kết. Cụ thể, ngày 12/3/2018, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus. Ngoài ra, một số ngân hàng khác công bố đã “hút” hàng trăm triệu USD từ dòng vốn ngoại, như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) …
Ngân hàng Việt còn nhiều tiềm năng và đang thu hút vốn ngoại
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngân hàng Việt Nam có thể trở thành một xu hướng, bởi kết quả kinh doanh khởi sắc của ngành ngân hàng trong năm 2017 sẽ tạo tiền đề cho năm 2018 tiếp tục bứt phá.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC Việt Nam cho rằng, xu hướng sáp nhập và hợp nhất (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng đang có nhiều thay đổi khi các quỹ đầu tư nước ngoài đang tích cực tham gia đầu tư vào những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển, quản trị lành mạnh và hệ thống tài chính minh bạch.
Theo phân tích của ông Phạm Hồng Hải, sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào ngân hàng Việt có nhiều nguyên nhân. Trước hết là các yếu tố thuận lợi như tình hình chính trị và xã hội ổn định, Chính phủ cởi mở, ủng hộ phát triển và mở cửa hội nhập kinh tế thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tiếp tục được đẩy mạnh. Thứ hai, môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh tích cực và các chuẩn mực hoạt động tại Việt Nam tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế, các ngân hàng ngoại có cơ hội hợp tác với các ngân hàng nội có chuẩn mực hoạt động tốt trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ngoại và nội. Ngoài ra, các ngân hàng nội đang trong cuộc đua tăng vốn để chuẩn bị cho Basle 2, các ngân hàng ngoại sẽ có cơ hội cung cấp các giải pháp tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho các ngân hàng nội.
Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước cũng được các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với đồng Việt Nam và môi trường đầu tư. Ngành ngân hàng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng
Theo NHNN, cho đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài đã có những đóng góp tích cực đối với hệ thống các TCTD và nền kinh tế Việt Nam, như góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam (trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam, như hoạt động ngân hàng điện tử, hoạt động bao thanh toán, các sản phẩm phái sinh… ); góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho hệ thống các TCTD Việt Nam...
Sự hiện diện của các TCTD nước ngoài trong những năm qua đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình TCTD trên thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam, làm gia tăng yếu tố cạnh tranh, tạo sức ép buộc các ngân hàng trong nước phải đổi mới, nâng cao và tự chủ về công nghệ, tăng cường năng lực quản trị ngân hàng và chất lượng nguồn nhân lực, qua đó từng bước tạo ra sức ép cạnh tranh giữa các TCTD trong và ngoài nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch hơn. Kinh nghiệm quốc tế và các báo cáo đánh giá cho thấy, những nền kinh tế có hệ thống ngân hàng hoạt động cạnh tranh, cởi mở trên cơ sở thông tin công khai, minh bạch thì hệ thống tài chính - ngân hàng đó phát triển bền vững, an toàn hơn và có nhiều khả năng ứng phó linh hoạt với các cú sốc, các nguy cơ gây khủng hoảng.
Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam, hoạt động của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam cũng mang lại nhiều thách thức cho các TCTD trong nước (như cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro...). Mặc dù vậy, hiện thị phần của các TCTD nước ngoài còn khiêm tốn và mạng lưới hoạt động hạn chế, khả năng tiếp cận khách hàng là các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) và người dân Việt Nam còn chưa cao...
Để đảm bảo thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020, NHNN tiếp tục chủ trương khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hiện diện thương mại (trong đó bao gồm cả việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài) thông qua việc tham gia xử lý TCTD yếu kém. Theo đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục xem xét có chọn lọc các TCTD nước ngoài đề nghị thành lập ngân hàng tại Việt Nam trên cơ sở các tổ chức này đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; đồng thời, khuyến khích các TCTD nước ngoài chủ động tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong nước, thông qua đó, thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.